Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi: Sân chơi bổ ích cho trẻ em dân tộc, miền núi
BẮC GIANG - Thành lập, vận hành câu lạc bộ (CLB) Thủ lĩnh của sự thay đổi là một trong những nội dung của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Mô hình này nhằm góp phần thực hiện tốt các chính sách liên quan đến trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi.
Nhiều hoạt động hấp dẫn
Cuối tháng 10 vừa qua, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh diễn ra chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của các CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi. Chương trình có gần 100 thành viên của 8 CLB tiêu biểu trong toàn tỉnh tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ, tìm hiểu các kiến thức liên quan đến quyền trẻ em.
Thầy giáo Hà Văn Điển, dẫn trình viên CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi Trường THCS Vân Sơn (Sơn Động) trò chuyện với các thành viên. |
Em Nguyễn Ngọc Diệp, lớp 7A1, Đội trưởng CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi Trường THCS Vân Sơn (Sơn Động) nói: “Qua buổi giao lưu em có thêm nhiều bạn mới, giúp chúng em hiểu biết pháp luật, nhận diện đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội, nhìn nhận về tình bạn, tình yêu tuổi học trò và kỹ năng bảo vệ bản thân khi gặp tình huống xấu. Em mong CLB có nhiều hoạt động bổ ích hơn nữa, có thêm các bạn trong trường đăng ký tham gia CLB và nhiều trường trên địa bàn huyện cùng thành lập CLB để chúng em có cơ hội giao lưu, học hỏi”.
Thời gian qua, CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Hộ Đáp (Lục Ngạn) đã có nhiều cách làm sáng tạo trong tổ chức sinh hoạt. Theo cô giáo Nguyễn Thị Thảo, dẫn trình viên CLB, trước mỗi lần sinh hoạt, thành viên CLB đều nghiên cứu cách thức tổ chức. Những hình thức có tính giao lưu, trao đổi trực tiếp nhằm thúc đẩy các em phát huy sở trường của bản thân được ưu tiên lựa chọn như: Tổ chức trò chơi, vẽ tranh, thảo luận nhóm, đóng kịch theo chủ đề tâm lý lứa tuổi, giới tính, nhận biết nguy cơ bị xâm hại, xây dựng các tiểu phẩm dựa trên những câu chuyện cuộc sống hàng ngày. Ngoài Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Hộ Đáp, huyện Lục Ngạn còn có 10 CLB ở các trường THCS duy trì sinh hoạt theo tháng.
Tại huyện Yên Thế, Hội LHPN các cấp trong huyện đã phối hợp với các đơn vị, nhà trường triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo cơ hội cho các CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận hành. Các sân chơi bổ ích, ý nghĩa đã thu hút đông đảo hội viên phụ nữ, trẻ em tham gia.
Từ đầu năm đến nay, Hội LHPN các cấp trong huyện đã phối hợp với các nhà trường tổ chức 4 diễn đàn giao lưu, một số hoạt động trải nghiệm kỹ năng sống cho gần 3 nghìn lượt học sinh và thành viên các CLB. Đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao năng lực vận hành cho 100% thành viên 7 CLB trên địa bàn huyện; cấp phát hơn 200 cuốn cẩm nang “Thủ lĩnh của sự thay đổi” cho các trường học, đơn vị cấp xã để làm tài liệu tuyên truyền. Từ đó lan tỏa cách làm hay, hiệu quả về sự tham gia của trẻ em vào hoạt động thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em và bình đẳng giới tại các trường học, trong cộng đồng.
Truyền thông thay đổi định kiến về giới
CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi được thành lập trong trường THCS với thành viên là học sinh và thành lập tại cộng đồng với thành viên là trẻ từ 10 -16 tuổi ở cùng thôn, bản. Từ mô hình điểm ra mắt vào tháng 5/2023, tại Trường THCS An Lập, xã Vĩnh An (Sơn Động), đến nay, toàn tỉnh có 40 CLB với 748 thành viên tham gia. Trong đó có 35 CLB trong trường học, 5 CLB tại thôn, bản thuộc các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang.
Toàn tỉnh hiện có 40 CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi với 748 thành viên là học sinh và các thầy cô giáo. Trong đó có 35 CLB trong trường học, 5 CLB tại thôn, bản thuộc các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang. |
Các CLB là sân chơi bổ ích, cung cấp, chia sẻ thông tin giúp học sinh vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS của tỉnh hiểu biết về tâm lý lứa tuổi, giới tính, kỹ năng giao tiếp trong gia đình, nhà trường. Qua đó góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Nhiều em nhỏ đã tự tin, mạnh dạn thay đổi bản thân, tích cực lên tiếng, tham gia truyền thông về quyền, bổn phận của trẻ em và đề xuất với giáo viên về chủ đề, phương pháp tổ chức buổi sinh hoạt. Điển hình như em Lục Kim Anh (SN 2011, dân tộc Nùng) ở thôn Cầu Nhạc, xã Phong Vân (Lục Ngạn). Từ một học sinh nhút nhát, thu mình, ngại tiếp xúc với bạn bè, sau một năm tham gia CLB, Kim Anh đã trở thành một “hạt nhân” của CLB trong việc tuyên truyền tới người thân, bà con khu dân cư về thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, lan toả những thông tin, thông điệp tích cực tới cộng đồng.
Kim Anh cho biết: “Trước đây, nhiều bác lớn tuổi trong khu dân cư thường bảo chúng em là “con gái học nhiều làm gì, lớn cũng đi lấy chồng, thành con của nhà khác”. Ban đầu em không dám lên tiếng nhưng khi tham gia CLB em hiểu hơn về quyền bình đẳng giới và nhận thấy quan niệm này là sai. Do đó, em đã giải thích, chia sẻ để mong các bác thay đổi định kiến trọng nam, khinh nữ”.
Sau hơn một năm triển khai mô hình, CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi đã hỗ trợ thầy, cô giáo, phụ huynh trên địa bàn huyện Sơn Động thực hiện tốt việc giáo dục con em, học sinh ngay từ trên ghế nhà trường và giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với trẻ em. Với những hiệu quả thiết thực, Hội LHPN huyện Sơn Động đã nhân rộng mô hình ra 14 trường THCS, thu hút khoảng 350 học sinh, giáo viên tham gia. Các nhà trường đã lồng ghép xây dựng tiểu phẩm, câu chuyện, hoạt cảnh để các em thể hiện, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp đến học sinh toàn trường.
Để CLB tiếp tục phát huy hiệu quả, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội LHPN các huyện nắm bắt tình hình hoạt động của mô hình để đánh giá, rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả và nhân rộng mô hình trong năm 2025. Cùng đó, Hội LHPN các huyện đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị, nhà trường tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực vận hành, bồi dưỡng kỹ năng tổ chức và duy trì sinh hoạt. Các CLB phối hợp với các hội, đoàn thể và giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền, vận động học sinh đăng ký tham gia CLB; xây dựng chương trình, kịch bản gần gũi với đời sống, văn hóa của người dân địa phương.
Ý kiến bạn đọc (0)