Cảnh giác với tội phạm làm giả giấy tờ
Tìm kiếm từ khóa “làm giả giấy tờ” trên mạng xã hội facebook, zalo, chỉ trong tích tắc, một loạt trang, nhóm “Làm bằng giả, làm giấy tờ giả”, “Làm giấy tờ giả”, “Làm bằng giả, giấy tờ giả phôi gốc uy tín toàn quốc”… xuất hiện, chủ yếu là nhóm kín.
Bị cáo Trịnh Văn Du tại phiên tòa. |
Theo số điện thoại 0799392xxx ghi trong nhóm “Làm bằng giả, giấy tờ giả phôi gốc uy tín toàn quốc”, tôi kết bạn với tài khoản “Thủy Tiên” và đề nghị làm giả sổ đỏ. Người này nhắn “Giá làm 1 sổ đỏ là 12 triệu đồng, đặt cọc trước 2 triệu đồng. Cam kết chỉ làm phôi gốc, khi phô tô để công chứng không phải lo sợ, yên tâm đi làm ăn. Nếu nhất trí thì khách hàng cung cấp ảnh chụp căn cước công dân, sơ đồ thửa đất, từ 3 đến 4 ngày là xong”.
Qua câu chuyện trên nhận thấy, việc làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức dễ dàng, nhanh chóng. Thực tế, nhiều đối tượng đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bằng lái xe để sử dụng vào mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thu lợi bất chính.
Là giáo viên của một trường tiểu học trên địa bàn, anh em, đồng nghiệp chẳng ai nghĩ Khúc Thị Quân (SN 1972) ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn) lại vi phạm pháp luật. Cuối năm 2021, Quân gửi ảnh chứng minh nhân dân, sơ đồ thửa đất nhà mình cho một người quen trên mạng xã hội để làm giả hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Các đối tượng (từ trái qua phải): Nguyễn Văn Cầm, Lò Văn Mạnh và Nguyễn Thị Nhung tại cơ quan công an. Ảnh: CTV. |
Sau đó, Quân mang thế chấp cho hai người để lấy 310 triệu đồng chi tiêu cá nhân. Tháng 8/2022, Quân bị Công an huyện Lục Ngạn khởi tố về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Ngoài giấy tờ nhà đất, các đối tượng còn làm giả giấy đăng ký xe, giấy khám sức khỏe, giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, bằng tốt nghiệp... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hưởng chế độ hoặc hoàn thiện hồ sơ xin vào làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức.
Đơn cử như đối tượng Trịnh Văn Du (SN 1981) ở thôn Sòi, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) thuê nhiều xe ô tô tự lái sau đó chiếm đoạt; trong đó có một chiếc xe Du thuê của anh Đặng Văn T ở phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang). Để thực hiện trót lọt, Du thuê người làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô của anh T nhưng mang tên Du với giá 1,5 triệu đồng và bán cho người khác với giá 450 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng trong tỉnh thụ lý 28 vụ án với gần 50 bị can, trong đó có 14 vụ thuộc trường hợp nghiêm trọng. |
Mới đây, TAND tỉnh đã thụ lý vụ việc để xét xử. Các bị hại cho hay, do tin tưởng những giấy tờ này là thật nên đã thực hiện các giao dịch.
Trước thực trạng này, lực lượng công an đẩy mạnh đấu tranh. Tháng 9/2022, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh phối hợp bắt giữ hai đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước với quy mô lớn do đối tượng Nguyễn Văn Đức (SN 1988) ở xã Tử Du, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) và Đặng Hữu Tập (SN 1986) ở xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) cầm đầu.
Cùng tham gia còn có nhiều đối tượng khác. Khám xét khẩn cấp nơi ở và làm việc của các đối tượng tại xã Tăng Tiến (Việt Yên), cơ quan công an thu giữ 23 máy tính các loại, 9 điện thoại di động, 1 máy in màu, 12 con dấu giả cùng nhiều giấy tờ, văn bằng, tài liệu giả của cơ quan nhà nước.
Trước đó vào tháng 3/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh cũng triệt phá ổ nhóm gồm ba đối tượng làm giả giấy khám sức khỏe, giấy ra viện, phiếu trả lời kết quả xét nghiệm Covid-19. Các đối tượng là Lò Văn Mạnh (SN 1994) ở xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu (Sơn La); Nguyễn Văn Cầm (SN 1994) ở xã Định Biên, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) và Nguyễn Thị Nhung (SN 1998) ở xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).
TAND hai cấp cũng đẩy mạnh xét xử các vụ án, tạo sức răn đe riêng, phòng ngừa chung. Được biết, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng trong tỉnh đã thụ lý 28 vụ án liên quan đến giấy tờ giả với gần 50 bị can, trong đó có 14 vụ việc thuộc trường hợp nghiêm trọng.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Để hợp thức hóa giấy tờ giả (chủ yếu là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), các đối tượng thường mang đi công chứng tại các văn phòng công chứng. Nhằm ngăn ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, ngày 10/10, Sở Tư pháp có công văn đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong hoạt động công chứng, chứng thực.
Đối với các tổ chức hành nghề công chứng, Sở Tư pháp đề nghị các công chứng viên ở 18 văn phòng công chứng trong toàn tỉnh tuân thủ các nguyên tắc hành nghề, đạo đức nghề nghiệp, thực hiện đúng thẩm quyền và trách nhiệm của mình; tuyệt đối không tiếp tay cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chú trọng việc kiểm soát chặt chẽ hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khi giải quyết yêu cầu công chứng.
Các văn phòng quan tâm đầu tư máy móc phục vụ việc phát hiện tài liệu, giấy tờ giả. Mỗi người dân khi thực hiện giao dịch có giá trị lớn như bất động sản, ô tô cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc tài sản đó. Khi phát hiện có giấy tờ giả kịp thời báo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định”.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)