Cần xử lý kịp thời, đầy đủ, đúng quy định kết quả rà soát VBQPPL
Theo đó, đại biểu đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi tiếp tục xác định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó có việc rà soát hệ thống VBQPPL theo Nghị quyết 101/2023/NQ-QH15 của Quốc hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Kết quả rà soát được Chính phủ được tổng hợp trong Báo cáo số 587/BC-CP và 26 phụ lục kèm theo với tổng số hơn 400 trang văn bản đã đánh giá được quá trình tổ chức hiện; kết quả rà soát chung và kết quả rà soát cụ thể trên từng lĩnh vực; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra những kiến nghị, đề xuất.
Về kết quả rà soát hệ thống VBQPPL, đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo 587/BC-CP và nội dung thẩm tra của Ủy ban pháp luật tại Báo cáo số 2277/BC-UBPL15.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà phát biểu thảo luận tại hội trường. |
Về tồn tại, hạn chế, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nêu: Từ tình hình thực tế và qua nghiên cứu một số báo cáo khác có liên quan của các ủy ban của Quốc hội, của Chính phủ, đề nghị Chính phủ đánh giá, phân tích sâu sắc hơn nữa tồn tại, hạn chế trong công tác này, đặt trong mối liên hệ biện chứng giữa công tác rà soát văn bản với công tác xây dựng, hoàn thiện, kiểm tra, giám sát VBQPPL, tổ chức thi hành pháp luật, công tác kiểm tra, giám sát VBQPPL. Đồng thời cần xác định rõ nguyên nhân tồn tại, hạn chế, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân để từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn.
Đại biểu đề xuất Chính phủ đánh giá sâu thêm các vấn đề sau: (i) Công tác rà soát VBQPPL chưa được các bộ, ngành thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL; chưa xác định là nhiệm vụ thường xuyên, chủ động thực hiện khi có căn cứ rà soát. Kết quả rà soát văn bản đã được chỉ ra tại các báo cáo rà soát trước đây chậm và chưa được các chủ thể có thẩm quyền xây dựng, ban hành văn bản xử lý, khắc phục triệt để; (ii) Tình trạng một số bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, xin lùi thời hạn trình, chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của UBTVQH; một số dự án luật, nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng khi trình Quốc hội. Việc đánh giá tác động chính sách trong quá trình xây dựng văn bản chưa được chú trọng đúng mức, nhiều trường hợp còn mang tính hình thức, cảm tính, thiếu tính khoa học; có tình trạng chính sách được chỉnh lý, bổ sung trong quá trình xem xét, thông qua văn bản nhưng chưa được đánh giá tác động đầy đủ, kể cả đánh giá tác động về thủ tục hành chính dẫn đến văn bản được ban hành nhưng tính khả thi không cao, thậm chí không có tính khả thi; (iii) Hệ thống VBQPPL còn nhiều nội dung chồng chéo, chưa thống nhất, khó khăn trong quá trình thực hiện. Tính ổn định và khả năng dự báo chưa cao. Nhiều VBQPPL phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung nhiều lần, trong đó nhiều quy định phải sửa đổi, bổ sung sau một thời gian ngắn ban hành; (iv) công tác thi hành pháp luật có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa có cơ chế đồng bộ để thực hiện hiệu quả; công tác thực thi pháp luật hiệu quả không đều; thực tiễn cho thấy cùng một hệ thống quy định pháp luật nhưng giữa các bộ, ngành, địa phương đem lại kết quả rất khác nhau, đơn cử như vấn đề đầu tư công, có bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt nhưng có bộ, ngành, địa phương làm chưa tốt; (v) công tác kiểm tra, giám sát VBQPPL chưa được thực hiện thường xuyên và chưa hiệu quả dẫn đến chưa phát hiện và xử lý kịp thời văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng…
Về đề xuất, kiến nghị, đối với kết quả rà soát hệ thống VBQPPL đã được Chính phủ báo cáo, đại biểu đề nghị Quốc hội đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 6 với 5 nội dung định hướng cơ bản như đã được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 2277 của Ủy ban pháp luật.
Đối với “kết quả rà soát mới chỉ là bước đầu, cần tiếp tục được các cơ quan có liên quan tổng hợp, nghiên cứu, hoàn thiện và là nguồn dữ liệu đầu vào, phục vụ cho việc nghiên cứu, xem xét trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật” như đã được Chính phủ báo cáo tại Báo cáo 587, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, làm rõ các nội dung qua rà soát cho thấy có vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định của pháp luật để đề xuất hướng xử lý cụ thể, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tăng cường, siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL. Thực hiện nghiêm Luật Ban hành VBQPPL.
Đồng thời đề nghị các bộ, ngành tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu và xử lý có trách nhiệm, kịp thời đối với kiến nghị, đề xuất, xin ý kiến hướng dẫn của các địa phương về khó khăn, vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo của pháp luật cũng như khó khăn, vướng mắc cụ thể trong quá trình tổ chức thi hành.
Thứ hai, để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho phát triển KT-XH, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiêm túc rà soát, tổng kết, đánh giá tác động từ yếu tố chồng chéo, chưa đồng bộ, chưa kịp thời của hệ thống pháp luật; ban hành đầy đủ các VBQPPL hướng dẫn thực hiện các luật. Kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định chưa rõ, chưa đầy đủ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thuộc thẩm quyền… Giải quyết dứt điểm các tồn tại đã được nêu ra tại các kỳ rà soát đã được thực hiện cũng như các kỳ giám sát của các cơ quan của Quốc hội chỉ ra.
Thứ ba, cùng với công tác, xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật thì công tác tổ chức thi hành pháp luật rất cần phải tiếp tục được tổ chức thực hiện nghiêm túc. Do đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có chỉ đạo quyết liệt hơn đối với công tác này.
Đồng thời đề nghị Chính phủ tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, từ đó tiếp tục đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp với yêu cầu trong thời gian tiếp theo.
Thu Hằng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc (0)