Cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi: Chủ động tiếp cận, động viên kịp thời
Thời thanh niên, anh Nguyễn Huy H (SN 1976) ở thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) đã chơi bời lêu lổng dẫn đến phạm pháp. Đến khi lập gia đình, anh vẫn không từ bỏ được tật xấu của mình, lại “dính” thêm ma túy nên phải đi tù nhiều lần. Sau mỗi lần đó, anh cảm thấy bi quan, bế tắc.
Được sự động viên của người thân, sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh dần thay đổi cách sống. Hơn 1 năm nay, anh tự nguyện tham gia đều đặn uống methadone tại cơ sở y tế. Để bảo đảm kinh tế gia đình, hiện anh cùng vợ kinh doanh bán đồ ăn vặt.
Cán bộ công an thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) gặp gỡ đối tượng diện quản lý tại địa phương. |
Cách đây 2 năm, anh Bùi Văn Đ (SN 1977) ở tổ dân phố Châu Xuyên, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) phạm tội tổ chức đánh bạc phải nhận mức án 13 tháng tù. Hết thời gian chấp hành án, anh trở về địa phương. Mặc cảm về quá khứ lỗi lầm nên thời gian đầu anh sống khép kín.
Hiểu được tâm tư đó, cán bộ công an phường thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của anh Đ. Trung tá Nguyễn Công Nam, Trưởng Công an phường Lê Lợi cho biết: Anh Đ là lao động chính trong gia đình.
Các con đang tuổi ăn học nên để ổn định cuộc sống, sau khi lập hồ sơ quản lý, Công an phường đã phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục, động viên anh sớm hòa nhập cộng đồng. Hiện anh Đ đang làm lái xe tải giao hàng tại chợ đầu mối hoa quả. Nhiều năm qua, anh chấp hành tốt nội quy nơi cư trú, không tái phạm, chuyên tâm lao động chăm lo cho gia đình.
Không riêng anh Đ, trên địa bàn phường Lê Lợi hiện có 6 đối tượng đang chấp hành án phạt và 21 đối tượng đã chấp hành xong án đang được lực lượng công an và các hội, đoàn thể quan tâm, giúp đỡ. Năm qua, các đối tượng diện quản lý, theo dõi thực hiện tốt việc báo cáo, kiểm điểm, trình diện khi cần. Đặc biệt, không có trường hợp nào tái phạm khi chưa hết thời gian thử thách.
Việc tái hòa nhập cộng đồng, trước tiên phải từ chính người lầm lỗi. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, họ cần có nghị lực để xóa bỏ mặc cảm. Bên cạnh đó là sự quan tâm, giúp đỡ từ gia đình, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương cũng rất quan trọng.
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, tính đến hết tháng 12/2020, toàn tỉnh có hơn 180 đối tượng chấp hành án treo và 65 trường hợp chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ tại các xã, phường, thị trấn. Đối với người chấp hành xong án phạt tù, khi trở về địa phương, lực lượng công an cơ sở đều đến gặp gỡ, hướng dẫn làm thủ tục trình diện với chính quyền sở tại; phân công cán bộ cùng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể như: MTTQ, hội cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn thanh niên, nông dân nhằm giáo dục, giúp đỡ kịp thời.
Tiêu biểu như đoàn thanh niên với mô hình “1+2” (mỗi đoàn viên giúp đỡ 2 thanh niên chậm tiến). Hội Phụ nữ các cấp thành lập các CLB "Phụ nữ tự lực", "Thắp sáng niềm tin" làm điểm tựa cho phụ nữ yếu thế, hoặc trước đây từng vướng vòng lao lý. Ngoài ra, còn có các mô hình tổ liên gia tự quản ở khu dân cư; xe ôm tự quản...
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, tính đến hết tháng 12/2020, toàn tỉnh có hơn 180 đối tượng chấp hành án treo và 65 trường hợp chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ tại các xã, phường, thị trấn. |
Đơn cử như Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Vôi (Lạng Giang) đang phụ trách giúp đỡ 4 đối tượng là hội viên lầm lỡ. Năm qua, Hội đã giúp 2 hội viên có cơ hội hoàn lương, được tạo việc làm mới. Trường hợp chị Lê Thị T (SN 1984), ở tổ dân phố Toàn Mỹ là một ví dụ. Nhận thức pháp luật hạn chế, chị T mắc vào lao lý với tội chứa mại dâm.
Sau khi chấp hành xong án phạt tù, năm 2019, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn cử tham gia học nghề may và giới thiệu vào làm việc tại một cơ sở may uy tín trên địa bàn.
Cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng là việc làm mang tính nhân văn sâu sắc. Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối tượng lầm lỗi tại địa phương cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở.
Với vai trò lực lượng nòng cốt, công an cấp xã cần làm tốt công tác nắm tình hình, hỗ trợ thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân tiếp cận đối tượng được giao quản lý, giám sát. Từ đó nâng cao hiệu quả giáo dục, sớm phát hiện những biểu hiện nghi vấn, bất thường để kịp thời có biện pháp phòng ngừa đối tượng tái phạm tội.
Tuệ An
Ý kiến bạn đọc (0)