Bước đột phá trong nông nghiệp
Phát triển tiềm năng cây ăn quả
Huyện Lục Ngạn có gần 27.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó vải thiều là cây chủ lực với 15.200 ha. Xác định vải thiều là cây ăn quả mang thế mạnh đặc trưng của địa phương nên Huyện ủy, UBND huyện đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Chương trình sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung chuyên canh, nâng cao chất lượng vải thiều. UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân, vận động người dân chăm sóc cây vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Trang trại cam, bưởi ở xã Kiên Lao (Lục Ngạn). Thành Đạt |
Cùng với sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương trong việc xúc tiến thương mại, hỗ trợ công nghệ, khoa học kỹ thuật, hoạt động sản xuất, tiêu thụ đã giúp cho thương hiệu vải thiều Lục Ngạn ngày càng vươn xa. Năm 2018, ngoài tiêu thụ ở thị trường truyền thống trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, vải thiều Lục Ngạn còn được xuất khẩu đi nhiều thị trường lớn như Mỹ, Úc, Anh, Pháp…
Ngoài cây vải thiều, nhiều giống cây ăn quả khác có giá trị kinh tế cao cũng được chú trọng thâm canh. Đó là các loại cây có múi như cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt, táo Đài Loan… Thực hiện quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả huyện Lục Ngạn đến năm 2020, mỗi năm UBND huyện hỗ trợ nông dân hàng trăm triệu đồng để mua cây con giống, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Tháng 3-2018, Trạm Khuyến nông huyện triển khai mô hình sản xuất, chăm sóc bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 2ha tại gia đình anh Nguyễn Văn Hữu, thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải. Đến nay, mô hình có hiệu quả vượt trội, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, mang lại giá trị thu nhập cao cho nông dân. Thời gian tới, UBND huyện tập trung chỉ đạo triển khai mở rộng và hướng đến 100% diện tích cây ăn quả áp dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
Gian trưng bày của xã Quý Sơn tại Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn năm 2018. Danh Lam |
Đến nay huyện Lục Ngạn có hơn 6,4 nghìn ha cây ăn quả có múi, tập trung nhiều ở các xã vùng thấp như Thanh Hải, Hồng Giang, Tân Quang, Tân Mộc, Trù Hựu, Phượng Sơn, Quý Sơn, Nghĩa Hồ…. Trong đó, cam ngọt, cam lòng vàng 3,7 nghìn ha, bưởi ngọt Lục Ngạn 1.695 ha. Năm 2018, tổng sản lượng cây có múi ước đạt hơn 53 nghìn tấn quả.Tính chung cả năm, tổng sản lượng quả tươi đạt hơn 200 nghìn tấn, giá trị thu từ cây ăn quả gần 3.400 tỷ đồng.
Đầu tư nguồn lực phát triển KT - XH
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả trên địa bàn, năm 2018, huyện Lục Ngạn đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình, kế hoạch. UBND tỉnh, huyện đã có những chính sách khuyến khích các công ty, doanh nghiệp, cơ sở thương nghiệp tư nhân mua và ký hợp đồng với nông hộ, thu mua nông sản trên địa bàn. Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm quả gắn với tiểu vùng du lịch sinh thái của địa phương cũng được đặc biệt quan tâm. Đơn cử như Hội chợ cam bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn đã thu hút hàng nghìn lượt du khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan, thu mua, tiêu thụ. Thông qua hội chợ, nông sản, các sản phẩm đặc trưng của huyện được nhiều người biết tới.
Để bảo đảm thị trường tiêu thụ, giữ vững giá trị của sản phẩm vải thiều cùng các loại cây ăn quả khác, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân phát triển các mô hình liên kết, hợp tác về sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả. Xây dựng các kênh thị trường thông qua các phương thức hội chợ, tiếp thị, quảng cáo, xúc tiến thương mại...
Thương nhân Trung Quốc mua vải thiều tại xã Phượng Sơn. Việt Hưng |
Khi sản xuất nông nghiệp hàng hóa đang trở thành mục tiêu phát triển KT-XH của huyện thì giao thông là yếu tố quan trọng. Chính vì vậy, việc cứng hóa, làm mới những tuyến đường được chính quyền các cấp quan tâm triển khai thực hiện. Với phương châm “làm đâu chắc đó”, tạo thuận lợi tối đa để cứng hóa các tuyến đường liên thôn, UBND huyện bố trí kinh phí hỗ trợ 100% chi phí vận chuyển xi - măng từ các nhà máy đến chân công trình; hỗ trợ thêm 150 triệu đồng/km ở thôn, xóm đặc biệt khó khăn và 100 triệu đồng/km ở các thôn, xóm khác.
Đối với các xã phấn đấu về đích nông thôn mới làm đường, triển khai lồng ghép với các chương trình khác, tổng chiều dài mặt đường được cứng hóa trong năm khoảng 30km. Năm 2018, người dân huyện Lục Ngạn đăng ký cứng hóa hơn 276 km đường giao thông nông thôn theo chương trình hỗ trợ xi - măng của HĐND tỉnh.
Năm 2019, triển khai các chính sách của tỉnh về ưu tiên hỗ trợ phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, Lục Ngạn sẽ phát động mạnh mẽ phong trào thanh niên khởi nghiệp; tạo chuyển biến căn bản về công tác quản lý đất đai và vệ sinh môi trường; tiếp tục ưu tiên hàng đầu cho chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông; khai thác các tiềm năng, lợi thế vô cùng đa dạng để phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ...
10 dấu ấn nổi bật năm 2018 1. Kinh tế phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng các ngành đạt 17%, cao nhất từ trước tới nay, gấp 2 lần so với năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 66,3 triệu đồng/năm. 2. Sản lượng các loại trái cây đạt hơn 200.000 tấn, bình quân mỗi người dân Lục Ngạn sản xuất ra gần 1 tấn trái cây các loại, giá trị thu từ cây ăn quả đạt hơn 3.399 tỷ đồng. 3. Kết cấu hạ tầng KT-XH, đặc biệt là giao thông nông thôn có bước phát triển đột phá với 326,8 km đường được cứng hóa. 4. Thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2.980 tỷ đồng. 5. Công tác quản lý và phát triển đô thị có chuyển biến rõ nét. 6. Hoạt động xúc tiến thương mại có nhiều đổi mới và gặt hái được nhiều thành công, góp phần xây dựng thương hiệu, kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ. 7. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn huyện đạt kết quả cao nhất tỉnh (98,4%). 8. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh từ 14% năm 2017 xuống còn 10,55% (giảm ở 7 xã và 16 thôn). 9. Hoàn thành xây dựng phương án, đề án sáp nhập các cơ quan, đơn vị, trường học, các xã, thôn; sắp xếp, tinh gọn cán bộ không chuyên trách cấp xã. 10. Giải quyết nhiều vấn đề tồn tại trong thời gian dài đạt kết quả tích cực như: Giao rừng và đất lâm nghiệp tại thôn Đèo Gia, xã Đèo Gia; ngăn chặn tình trạng xe chở quá khổ, quá tải ở các tuyến trọng điểm... |
Nguyễn Thanh Bình
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn
Ý kiến bạn đọc (0)