Bỏ sổ hộ khẩu, công dân giao dịch thế nào?
Phải có giấy xác nhận cư trú
Tháng 8/2021, chị T có hộ khẩu thường trú ở phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) đến Công an phường thực hiện thủ tục chuyển hộ khẩu cho mẹ chồng về quê ở xã Quảng Minh (Việt Yên) và bị thu hồi sổ hộ khẩu giấy. Công an cho biết các thông tin liên quan đến các thành viên trong gia đình đã được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về cư trú.
Giải quyết thủ tục liên quan đến hộ khẩu tại Văn phòng công chứng Trần Đức Hiền (số 555, đường Lê Lợi,TP Bắc Giang). |
Vừa qua, chị T có đến văn phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng nhà đất, công chứng viên đề nghị chị cung cấp sổ hộ khẩu cùng các giấy tờ liên quan để chứng minh mối quan hệ giữa các thành viên trong hộ gia đình. Tuy nhiên sổ của chị đã bị thu hồi trước đó nên hướng dẫn chị đến Công an phường để được cấp giấy xác nhận cư trú.
Được biết, kể từ thời điểm Luật cư trú có hiệu lực (từ ngày 1/7/2021), người dân khi điều chỉnh thông tin hộ tịch, hộ khẩu (tách hộ, nhập hộ, chuyển đến, chuyển đi...) hoặc thay đổi địa chỉ cư trú do điều chỉnh địa giới hành chính, cơ quan công an sẽ thu hồi sổ hộ khẩu giấy.
Được biết, Công an xã, phường, thị trấn sẽ thực hiện cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho người dân. Để được cấp người dân có thể gửi yêu cầu đến cổng dịch vụ công quốc gia hoặc bất kỳ cơ quan quản lý cư trú nào trên cả nước không phụ thuộc vào nơi đăng ký thường trú. Thời hạn giải quyết là 3 ngày.
Để việc triển khai thực hiện quy định của Luật Cư trú được thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, ngày 12/9/2022, Chủ tịch UBND tỉnh có Công văn số 4444/UBND-NC chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP sử dụng 7 phương thức khai thác thông tin công dân thay cho việc yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện các TTHC, giao dịch dân sự.
Cụ thể là: Sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp; thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ CCCD có gắn chíp; thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD; khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sử dụng ứng dụng VneID hiển thị thông tin trên các thiết bị điện tử; giấy xác nhận thông tin về cư trú; thông báo số định danh cá nhân.
Quy định là như vậy nhưng thực tế vẫn có một số cơ quan, đơn vị yêu cầu người dân phải mang sổ hộ khẩu gốc đến để đối chiếu khi làm các thủ tục hành chính về đất đai như chuyển nhượng nhà đất, làm mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tách bìa đỏ hoặc vay vốn, cấp lại giấy khai sinh...
Chị Nguyễn Thị Hồng Bích, công chứng viên Văn phòng công chứng Trần Đức Hiền (số 555, đường Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang) cho biết: “Hiện nay công dân đến để làm thủ tục công chứng liên quan đến hộ gia đình, chúng tôi vẫn yêu cầu phải có sổ hộ khẩu giấy. Trường hợp bị thu hồi thì phải có giấy xác nhận cư trú nhưng vẫn phải kết hợp với các giấy tờ khác.
Điều chúng tôi quan tâm nhất là mặc dù có CCCD gắn chíp thì công chứng viên cũng chưa thể có căn cứ khẳng định thông tin đã quét trên CCCD là chính xác tuyệt đối 100%, trong khi hiện nay tình trạng làm giả giấy tờ rất tinh vi, nhất là liên quan đến hồ sơ đất đai, tài sản có giá trị lớn”. Vì vậy sau ngày 31/12/2022 khi hộ khẩu không còn giá trị sử dụng, ngoài việc chia sẻ dữ liệu kịp thời vẫn cần có thông tin hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nữa”.
Thiếu tá Nguyễn Thị Ngọc Phương, Đội phó Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Bắc Giang thông tin: “Để giải quyết khó khăn vướng mắc trong xác nhận nhân khẩu trước đây đã đăng ký thường trú, Công an TP đã có hướng dẫn công an các phường, xã sau khi nhận đơn đề nghị của công dân, căn cứ sổ sách đang lưu trữ, tàng thư hồ sơ cư trú và thông qua công tác quản lý cư trú tại địa phương để kiểm tra, xác định.
Nếu đủ căn cứ thì tiến hành xác nhận cho công dân. Nếu chưa đủ thì từ chối việc xác nhận và trả lời công dân bằng văn bản”. Theo tìm hiểu, giấy xác nhận cư trú chỉ có giá trị trong 1 tháng, sau thời hạn này phải xin cấp lại cũng gây bất tiện cho người dân. Có trường hợp sai sót không khớp với thông tin chính lại phải đi làm lại; hoặc giao dịch nhiều lần, cứ mỗi lần lại phải đi xin giấy xác nhận... rất phiền phức.
Cao điểm “90 ngày đêm”
Hiện nay ở tất cả các địa phương vẫn còn nhiều công dân chưa làm CCCD gắn chíp; cùng đó còn hơn 180 nghìn công dân từ đủ 14 tuổi đang thường trú, tạm trú chưa được cấp CCCD.
Người dân đến Văn phòng công chứng trên đường Lê Lợi (TP Bắc Giang) giải quyết thủ tục chuyển nhượng nhà đất liên quan đến sổ hộ khẩu. |
Vì vậy, Công an tỉnh đã mở đợt cao điểm “90 ngày đêm” (thời gian đến hết năm 2022) để triển khai các giải pháp nhằm thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Cấp CCCD gắn chíp; bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; tiếp nhận, giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến; cấp tài khoản định danh điện tử; tham mưu, triển khai thực hiện bảo đảm các điều kiện thực hiện quy định của Luật Cư trú và Đề án 06/CP của Chính phủ.
Theo Thiếu tá Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh), để bảo đảm người dân kịp thời có CCCD thực hiện thủ tục hành chính và thực hiện các giao dịch, chứng minh nhân thân, xác định nơi cư trú, Giám đốc Công an tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đẩy mạnh thực hiện công tác thu nhận hồ sơ CCCD kết hợp thu nhận hồ sơ cấp Định danh điện tử lưu động tại trụ sở Công an các xã, phường, thị trấn vào tất cả các ngày (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ) bắt đầu từ 7 giờ - 22 giờ hoặc đến khi hết công dân.
Bên cạnh đó tăng cường thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý tạm trú, bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”…
Để phục vụ nhu cầu của nhân dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh cũng có văn bản yêu cầu các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh và UBND huyện, TP có các thủ tục hành chính liên quan đến việc cần xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú căn cứ vào thông tin trên thẻ CCCD gắn chíp điện tử, Thông báo số định danh cá nhân, xác nhận thông tin về cư trú và nghiên cứu, sử dụng các phương thức ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD để xác định nơi cư trú của công dân trong giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự; tập trung rà soát, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Cư trú năm 2020, không yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để chứng minh nơi thường trú, nơi tạm trú.
Cùng đó bảo đảm về hạ tầng, an ninh, an toàn thông tin hệ thống để triển khai kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm sử dụng thông tin về cư trú của công dân thay cho yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ chứng minh về cư trú trong giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự và công tác chuyên môn.
Bài, ảnh: Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)