Việt Yên - thị xã trong tầm mong
Nhớ lần đầu đến Việt Yên năm ấy, đồng hành với tôi có anh Đào Trọng Ca lúc đó là Phó trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện, một người ca quan họ nổi tiếng. Anh cho tôi biết huyện có 80 đội quan họ. Cuộc chơi quan họ được nối từ năm này qua năm khác, thập kỷ này qua thập kỷ khác, thế kỷ này qua thế kỷ khác để có một ngày được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quan họ, đó là cuộc chơi trữ tình dân dã nhưng chẳng kém phần sang trọng của các liền anh, liền chị. Một cuộc chơi bất tận dẫu rằng đời người thì hữu hạn, vô thường làm sao.
Yêu nhau không lấy được nhau/ Mượn dao mượn kéo gọt đầu đi tu. Đó là quan họ của vùng Kinh Bắc, của sông Cầu nước chảy lơ thơ. Quan họ vẫn còn, sông Cầu vẫn chảy mà người đồng hành với tôi trong chuyến đi ấy đã về mây trắng. Tôi hết sức sững sờ khi hay tin Đào Trọng Ca đã mất. Ký ức trỗi dậy mạnh mẽ, nỗi nuối tiếc dâng tràn, tôi rưng rưng thốt lên mấy câu quan họ từng nghe: Mấy vạn năm nay tính hãy còn/ Cớ sao khi khuyết lại khi tròn/ Ba mươi, mồng một đi đâu vắng/ Hay có tình riêng với nước non… Có lẽ, người quan họ Đào Trọng Ca đang dạo chơi trong cảnh nước non Việt Yên nói riêng và Bắc Giang nói chung rất hữu tình. Chỉ tiếc là anh không còn được chứng kiến sự đổi thay mau lẹ của huyện nhà và trong tầm mong không mấy dài nữa, Việt Yên sẽ trở thành thị xã. Một thị xã trẻ trung và năng động.
Thị trấn Bích Động (Việt Yên). Ảnh: Việt Hưng. |
Việt Yên, tôi nghĩ, dù ở tầm vóc nào thì những dấu vết, trầm tích văn hóa đặc sắc vẫn không bao giờ bị mờ nhòa, phai nhạt. Những giá trị truyền thống cốt lõi in dấu sâu sắc trên mảnh đất này. Trong hành trình tiến về phía trước, dẫu có biết bao đổi thay về cảnh sắc, biến động xã hội; từ một huyện thuần nông đã, đang và sẽ lấy sản xuất công nghiệp - dịch vụ làm chính, tạo nền tảng cho Việt Yên sớm trở thành đô thị loại 4 thì những gì đặc sắc của quá khứ vẫn được giữ gìn và tôn trọng. Trong cuộc đi thực tế lần này, điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là đền thờ Thân Nhân Trung - một danh sĩ sống vào thế kỷ XV, đứng địa vị Phó soái Tao đàn Nhị thập bát Tú của Lê Thánh Tông. Ông từng đỗ Tiến sĩ, làm quan nhà Hậu Lê dưới hai đời vua Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông, từng giữ các chức Đông các Đại học sĩ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, kiêm Thượng thư Bộ Lễ, Trưởng Hàn lâm viện sự, Thượng thư Bộ Lại, nhập nội phụ chính. Trong đền thờ có treo tấm bảng gỗ khắc ghi câu nói nổi tiếng của ông: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Tôi nghĩ, câu nói ấy mãi mãi còn nguyên giá trị; thời đại nào, xã hội nào cũng rất cần người hiền tài. Có nhiều hiền tài giúp nước thì lo gì non sông không sáng sủa, vững mạnh. Ngược lại vận nước sẽ ảm đạm, suy vong khi hiền tài bị xem thường, rẻ rúng hay bị ngược đãi.
Trong 5 tiêu chuẩn để trở thành thị xã, hiện huyện Việt Yên đã đạt 4 còn 1 tiêu chuẩn đang thực hiện. Chặng đường lên thị xã của huyện có lẽ không còn xa xôi mấy nữa. Năm 2023 là năm “bản lề” để Việt Yên được công nhận thị xã vào năm 2024. Thị xã Việt Yên - tôi tin đó là thị xã đẹp, thị xã tràn đầy sức sống, năng động ở vùng Bắc sông Cầu. |
Chúng tôi chọn thị trấn Nếnh là điểm đến tiếp theo. Nếu huyện Việt Yên trở thành thị xã thì mặc nhiên Nếnh sẽ trở thành một trong những trung tâm đô thị mới. Anh Đỗ Văn Luận, Chủ tịch UBND thị trấn Nếnh chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn của địa phương khi huyện được công nhận thị xã vào năm 2024 (trước một năm so với kế hoạch). Theo anh, khi Việt Yên trở thành thị xã thì cơ cấu dân số ở thị trấn Nếnh sẽ lớn hơn và như tiêu chí đề ra đất giáo dục phải đạt 2,7 m2/người (hiện thị trấn mới đạt 2 m2). Quá trình đô thị hóa nhanh đòi hỏi kết cấu hạ tầng tương ứng, ví dụ hệ thống thu gom nước thải phải được xây dựng quy củ để sử dụng hiệu quả. Ngập úng đang là bài toán khó giải của không ít đô thị lớn ở Việt Nam hiện nay như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thậm chí cả Đà Nẵng được mệnh danh là “nơi đáng sống” và Đà Lạt - xứ sở mộng mơ nổi tiếng… Về vấn đề này, thị xã Việt Yên trong tương lai gần phải được tính toán, lo liệu từ bây giờ. Không còn cách nào khác, thị trấn Nếnh cũng như các xã trên địa bàn huyện bây giờ phải quan tâm phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng, giữ gìn an ninh trật tự, tiếp tục chăm lo công tác giáo dục và xây dựng cuộc sống văn minh, hiện đại ở các khu công nghiệp, khu dân cư…
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Bích Sơn (Việt Yên). Ảnh: Danh Lam. |
Để nắm kỹ càng và toàn diện hơn về hành trình tiến lên thị xã, chúng tôi có buổi trò chuyện với anh Trần Đỗ Thảo, Trưởng phòng Nội vụ huyện. Anh Thảo là thường trực Ban Chỉ đạo Phát triển huyện Việt Yên lên thị xã nên nắm rất chắc các thông tin liên quan. Trong 5 tiêu chuẩn để trở thành thị xã, hiện huyện Việt Yên đã đạt 4 còn 1 tiêu chuẩn đang thực hiện. Chặng đường lên thị xã của huyện có lẽ không còn xa xôi mấy nữa. Năm 2023 là năm “bản lề” để Việt Yên được công nhận thị xã vào năm 2024. Thị xã Việt Yên - tôi tin đó là thị xã đẹp, tràn đầy sức sống, năng động ở vùng Bắc sông Cầu. Và thị xã của dân ca quan họ - thị xã công nghiệp này là “nơi đáng sống” đối với nhiều người. Cũng như bây giờ, đó đây, gần xa tôi đã nghe không ít người nói tới vùng đất “đáng sống” có tên gọi Bắc Giang. Chắc cũng như tôi sau mỗi lần lên Bắc Giang trở về lại bâng khuâng, xao xuyến. Cái bâng khuâng, xao xuyến khó nói thành lời. Thao thức trong đêm xa tôi đã viết nên bài thơ gửi về nơi yêu dấu đó: Bắc Giang, anh yêu cái nhấp nhô/ của đồi núi sau dáng thon Kinh Bắc/ gió cũng như anh mượn sông Cầu để gặp/ mắt lá răm sau canh hát Thổ Hà…
Vâng, Bắc Giang, Việt Yên của hiện tại năng động và tương lai tươi đẹp. Khát khao ấy dần trở thành hiện thực, không xa nữa tôi sẽ được gọi tên thị xã Việt Yên.
Bút ký của Nguyễn Hữu Quý
Ý kiến bạn đọc (0)