Thăm đình Đông nhớ lễ tế cờ của nghĩa quân Yên Thế
Cổng vào đình Đông. |
Đình Đông tọa lạc trên một gò đất cao, thuộc tổ dân phố (TDP) Đông, phường Bích Động (thị xã Việt Yên), cách TP Bắc Giang khoảng 10 km. Tổng diện tích khu di tích đình Đông rộng khoảng 2 ha, được bao quanh bởi những vạt đồi thông, bạch đàn và cây ăn quả.
Theo hồ sơ lý lịch của di tích do Bảo tàng tỉnh Bắc Giang lưu giữ, khu di tích này được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Đình Đông có quy mô bề thế, gồm 1 tòa tiền tế 5 gian 2 chái nối với tòa hậu cung 3 gian. Trước đình còn hai dãy tả vu và hữu vu, mỗi dãy 3 gian. Ngoài những giá trị kiến trúc nghệ thuật, nơi đây còn ghi dấu tích nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc.
Đến năm 1911, ông Thống Luận (theo cuốn Lịch sử Hà Bắc ghi) thu đình nhỏ lại còn 3 gian 2 chái, làm nơi thờ Thánh tôn nghiêm. Nay di tích vẫn giữ được dáng vẻ uy nghiêm cổ kính cùng những đường nét kiến trúc nghệ thuật tinh xảo mang phong cách thời Nguyễn (đầu thế kỷ XX).
Đình Đông được bao quanh bởi đồi thông xanh, bạch đàn và cây ăn quả. |
Ngôi đình có kết cấu kẻ truyền con chồng, vật liệu bằng gỗ lim, lợp ngói mũi hài, nền lát gạch vuông, tường xây gạch và đắp đất. Cửa đóng kiểu bức bàn, 2 bên có 2 cửa nách. Thềm trước xây 7 tấm đá xanh lớn.
Đình Đông thờ Đức Thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát), là hai vị tướng giỏi của Triệu Quang Phục tiêu diệt giặc Lương (thế kỷ thứ VI) mang lại cuộc sống yên bình cho Nhân dân.
Đình Đông còn gắn liền với khởi nghĩa Yên Thế. Theo cuốn Lịch sử Hà Bắc, năm 1892, Đề Nắm bị sát hại, cuộc Khởi nghĩa Yên Thế chuyển sang giai đoạn mới. Đề Thám nhận chức tổng chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Để lấy danh nghĩa và khôi phục lại uy thế, sáng 19/12/1892 (tháng 11 năm Nhâm Thìn), Đề Thám đã tập hợp hơn 400 nghĩa quân tại đình làng Đông, xã Quỳnh Đông (nay là TDP Đông, phường Bích Động) tổ chức lễ tế cờ chính thức nhận chức chỉ huy cuộc Khởi nghĩa Yên Thế.
Người dân dâng hương trước bàn thờ Hoàng Hoa Thám. |
Cũng từ sự kiện lịch sử đó, đình Đông trở thành di tích quan trọng gắn liền với cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Theo trí nhớ của các cụ cao niên địa phương, trong lễ tế cờ này, làng Đông có nhiều người được đứng trong hàng ngũ của nghĩa quân, trong đó có các ông: Gộp, Lĩnh Trí, Tuấn Phôi, Cai Huấn, Quản Công, Đốc Bình…
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Đông là địa điểm liên lạc vùng giáp ranh giữa Việt Minh và vùng địch chiếm. Năm 1958, UBND huyện Việt Yên (nay là thị xã Việt Yên) dùng địa điểm này làm nơi thường trực.
Từ năm 1964 - 1967, Đoàn ca múa nhạc dân tộc T.Ư về sơ tán, đóng tại đình. Từ năm 1968 - 1969, bộ đội phòng không dùng đình làm kho để vũ khí. Giai đoạn 1976 - 1977, đình Đông được dùng làm thư viện của Trường Cán bộ vật tư (nay là Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại, thuộc Bộ Công Thương - PV).
Tứ trụ nghi môn trước ngôi đình cổ. |
Với các dấu tích lịch sử ấy, trong các thời kỳ kháng chiến, đình Đông là một trong những mục tiêu tàn phá của kẻ địch. Do vậy mà nhiều đồ thờ cúng quý hiếm, bản thân tích, sắc phong trong đình đã bị thất lạc.
Đến những năm 90 của thế kỷ 20, cán bộ và nhân dân thôn Đông đã đóng góp sức người, sức của để tu sửa, tôn tạo ngôi đình. Nhờ đó, đến nay, đình Đông còn lưu giữ được những tài liệu hiện vật có giá trị nghiên cứu khoa học và giáo dục trực tiếp cho mọi thế hệ. Đó là các bức đại tự, câu đối, hương án, bài vị, đồ thờ bằng những chất liệu khác nhau. Những tài liệu hiện vật này có giá trị về mặt kinh tế, tinh thần cũng như nghệ thuật.
Ông Đặng Văn Biên, Tổ trưởng TDP Đông chia sẻ, năm 1994, chính quyền và nhân dân địa phương đã lập bàn thờ Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám trong ngôi đình linh thiêng này.
Ban thờ chính và nét hoa văn kiến trúc trong đình Đông. |
Hằng năm, để tưởng nhớ công lao của Đức Thánh thờ trong đình và nghĩa quân cuộc Khởi nghĩa Yên Thế, vào ngày mồng 10 tháng Giêng và 13 tháng 9 (Âm lịch), Nhân dân địa phương lại long trọng tổ chức lễ hội truyền thống của làng tại khu vực đình Đông. Trong ngày hội, ngoài phần lễ trang nghiêm, còn nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc được tổ chức, thu hút rất đông người tham dự.
Với những ý nghĩa to lớn về lịch sử và văn hóa, năm 2012, đình Đông là một trong 23 điểm nằm trong hệ thống Di tích lịch sử những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Để giúp du khách dễ tìm hiểu, tra cứu thông tin về ngôi đình, năm 2024, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thị xã Việt Yên đã xây dựng công trình “Tìm hiểu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đình Đông thông qua mã QR” treo trước cổng và trong khuôn viên đình. Qua đó, góp phần đưa đình Đông trở thành điểm tham quan, thu hút du khách bốn phương.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)