Tân Yên: Xây dựng thương hiệu, nâng giá trị nông sản
Quy hoạch vùng phát triển
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, hiện Tân Yên có 72 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, huyện chú trọng phát triển cây ăn quả với 3,6 nghìn ha, trong đó có 1,8 nghìn ha sản xuất theo quy trình VietGAP, 423 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Duy trì và mở rộng vùng sản xuất vải sớm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP bảo đảm chất lượng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ.
Điểm thu mua vải sớm tại thôn Thái Hòa, xã Phúc Hòa (Tân Yên). Ảnh: Thế Đại. |
Các sản phẩm vải sớm, vú sữa, ổi đã có truy xuất nguồn gốc và bao bì đóng gói; xây dựng và phát triển 3 vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao (vải sớm, ổi, bưởi), giá trị sản xuất đạt hơn 400 triệu đồng/ha/năm (tăng 1,5 lần so với sản xuất thông thường). Cùng với cây ăn quả, huyện phát triển cây dược liệu có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như: Cây đinh lăng, gấc, sâm Nam, nghệ.
Ông Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa cho biết: Trước đây, vải và ổi chỉ là loại cây ăn quả trồng phân tán, nhỏ lẻ, không có sự đầu tư về kỹ thuật, chưa được quy hoạch. Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, xã đã xây dựng các vùng, khu vực trồng tập trung với gần 700 ha vải thiều và 70 ha ổi. Nhờ vậy khâu chăm sóc, tiêu thụ thuận lợi hơn. Giá trị quả vải, quả ổi cũng được nâng lên, thu nhập và đời sống người dân ngày càng cao hơn.
Trước hiệu quả kinh tế từ sâm Nam núi Dành mang lại, huyện Tân Yên đã triển khai Đề án “Phát triển sâm Nam núi Dành trên địa bàn huyện, giai đoạn 2022-2027”. Hiện toàn huyện có 82 ha trồng sâm tập trung thành vùng sản xuất tại các xã: Việt Lập, Liên Chung, An Dương, Quang Tiến. Hiện các xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân, HTX mở rộng diện tích, phấn đấu hết năm 2023 trồng mới thêm 31 ha.
Cây lục trúc (một loài tre lấy măng) có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc) đã bén rễ, cho năng suất, chất lượng tốt ở vùng đất Tân Yên. Măng có vị ngọt, giòn được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Từ những diện tích nhỏ lẻ, nay không chỉ Ngọc Châu mà nhiều xã trên địa bàn huyện cũng trồng lục trúc. Tổng diện tích trên toàn huyện hơn 60 ha.
Bà Dương Thị Luyện, chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) Măng lục trúc Lâm sinh (xã Ngọc Châu) cho hay: “Măng lục trúc hiện được HTX chế biến 3 sản phẩm chính gồm: Măng tươi, măng khô, măng ngâm ớt. Mỗi năm HTX tiêu thụ hàng trăm tấn măng tươi”. Được biết, huyện Tân Yên có chủ trương mở rộng diện tích cây lục trúc lên 200 ha và phát triển thành sản phẩm chủ lực của địa phương.
Tăng cường đầu tư nguồn lực
Tân Yên có thế mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Thời gian qua, UBND huyện tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển các loại cây có giá trị cao. Đưa kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Cùng đó, nghiên cứu, quy hoạch các vùng, loại cây con có khả năng ứng dụng công nghệ cao phù hợp điều kiện từng địa phương, tích cực hỗ trợ nông dân kết nối, chuyển giao và áp dụng tiến bộ kỹ thuật; hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Huyện đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông, thủy lợi; hình thành các HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết vào sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Mùa vải thiều năm 2023, toàn huyện có 1,34 nghìn ha vải thiều; sản lượng ước đạt khoảng 17 nghìn tấn (trong đó diện tích vải sớm là 1,17 nghìn ha, sản lượng 15,5 nghìn tấn), giá trị ước đạt 430 tỷ đồng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tiêu thụ nông sản, huyện đã hỗ trợ tổ chức tập huấn; phân tích mẫu, kiểm nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi thu hoạch; tem truy xuất, bao bì đóng gói sản phẩm; chứng nhận chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobGAP; in pano, tờ rơi tuyên truyền giới thiệu, quảng bá sản phẩm vải thiều gắn với sản phẩm OCOP và các điểm du lịch của huyện; hỗ trợ công tác xúc tiến, tiêu thụ vải thiều.
Về lâu dài, huyện Tân Yên tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện có khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. |
Tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp, một số tập đoàn, chuỗi siêu thị trong nước nắm tình hình thị trường tiêu thụ vải thiều năm 2023, đồng thời bàn một số giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, thương nhân vào địa bàn tiêu thụ vải thiều cho nông dân. Trong đó có Công ty cổ phần BEIN, Công ty TNHH MEGA MARKET Việt Nam, Công ty CP xuất nhập khẩu Toàn Cầu. Đặc biệt, tháng 4/2023, huyện ra mắt sàn thương mại điện tử nông sản Tân Yên để người dân tiếp cận, trực tiếp bán sản phẩm. Hiện đã có hơn 30 HTX, hộ sản xuất kinh doanh đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử.
Ông Dương Minh Hiểu, Chủ tịch UBND xã Liên Chung cho biết: Xã có 42 ha sâm Nam núi Dành, tập trung ở các thôn: Lãn Tranh 1, Lãn Tranh 2, Hậu và Hương; có 2 HTX sản xuất, tiêu thụ cây sâm. Để phát triển vùng trồng và nâng giá trị nông sản, UBND xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân thủ tục hành chính khi làm thủ tục chuyển đổi cơ cấu từ trồng khoai, sắn sang trồng sâm. Hỗ trợ quảng cáo giới thiệu sản phẩm tại hội chợ truyền thống, các hội nghị, hội thảo. Chủ động phối hợp với các HTX mời gọi doanh nghiệp có kinh nghiệm, chế biến sản phẩm về thăm vùng nguyên liệu và nghiên cứu phát triển cây sâm theo hướng chiết suất từ củ sâm, hoa sâm.
Về lâu dài, huyện Tân Yên tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện có nhằm khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Từ đó tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, nâng cao giá trị nông sản. Mở rộng diện tích trồng các loại nông sản chủ lực của địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tăng cường hỗ trợ bà con tham gia sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc.
Hoài Thu
Ý kiến bạn đọc (0)