Rừng cò Hồ Biềng - thấp thỏm nỗi lo
Tâm huyết giữ rừng cò
Quạc… quạc, quạc… Giữa trưa hè yên tĩnh, bỗng dưng cả khu rừng Hồ Biềng bị khuấy động bởi tiếng cò kêu thất thanh, cả nghìn con bay loạn xạ trên những ngọn cây. Đàn cò càng nháo nhác khi tiếng người quát tháo, tiếng bước chân chạy thình thịch mạnh hơn.
Đó là anh Nguyễn Văn Thuật - con trai chủ rừng cò đang giằng co súng với đám thanh niên lạ mặt cố tình vào săn bắt trộm. Một lát sau, ông Nguyễn Văn Trường, bố của Thuật cũng có mặt ứng cứu kịp thời. Hai bố con ông khá mảnh khảnh, khó mà địch nổi 5-6 thanh niên lực lưỡng, trong tay cầm khẩu súng săn.
- Nếu mọi người cố tình bắt cò, tôi sẽ không ngán đâu - Ông Trường ghì mạnh chiếc gậy xuống đất, giận dữ nói.
- Chim cò là của Trời, không ai có quyền giữ - Một thanh niên vừa xách khẩu súng săn đi lại trước mặt bố con ông Trường, vừa nói tỏ vẻ thách thức.
Giằng co mãi, con trai ông Trường cũng phải buông tay. Đám người lạ dần dần tản ra xung quanh. Tưởng rằng họ sẽ bỏ đi, ai dè mấy thanh niên chỉ di chuyển vài bước chân qua ranh giới giữa rừng cò với một vạt đồi khác kế bên rồi tụ tập lại như cố tình trêu ngươi bố con ông Trường.
“Chúng tôi không đứng trên đất nhà ông nên không ai có quyền đuổi”, một người lớn tuổi nhất đám thanh niên lý giải. Hai bên lại ngồi “thi gan” với nhau suốt vài tiếng đồng hồ, cho đến khi mặt trời khuất dần sau dãy núi.
Ba ngày sau, khi tôi đang ăn cơm trưa, đột nhiên tiếng chuông điện thoại reo vang. “Đám thanh niên lạ mặt lại tới bắt cò. Chúng mang theo mấy khẩu súng săn loại to, mong nhà báo lên giúp cùng ngăn cản”, ông Trường hớt hải nói từ đầu dây bên kia.
Do di chuyển từ TP Bắc Giang lên rừng cò Hồ Biềng khá xa, tôi đành hướng dẫn ông Trường dùng điện thoại ghi hình toàn bộ cảnh các đối tượng mang súng vào rừng săn bắt cò.
Mong muốn trấn an tinh thần ông Trường, sáng hôm sau, trời nắng như đổ lửa, tôi vội đi xe lên thăm vườn cò Hồ Biềng. Sau bữa cơm trưa đạm bạc trong căn nhà cấp bốn giữa bạt ngàn vải thiều sai trĩu quả, tôi được bố con ông chuẩn bị cho một chiếc giường khá rộng để nghỉ ngơi.
- Hai bố con ông không ngủ trưa à- Tôi băn khoăn hỏi khi thấy ông Trường đang lặng lẽ chuẩn bị đồ nghề vào rừng.
- Từ ngày có cò về ở, hầu như không buổi trưa nào bố con tôi được nghỉ ngơi ở nhà. Đây là thời điểm kẻ xấu thường lợi dụng đến săn bắt - Ông Trường giãi bày.
Lời thỉnh cầu của chủ rừng cò
Rừng cò Hồ Biềng rộng khoảng 3 ha, chủ yếu là những cây gỗ quý mọc tự nhiên như lim, táu, trám, dẻ và nhiều cây tre, cây bụi khác, tạo ra thảm thực vật khá dày, thích hợp cho các loài chim về làm tổ. Từ đây cũng tạo nguồn sinh thủy cho hồ Biềng, giúp người dân của thôn có nguồn nước mát phục vụ sản xuất.
Rừng cò Hồ Biềng. |
Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nạn phá rừng tự nhiên diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có xã Nam Dương. Những cánh rừng đại ngàn bị con người đốn dần, trơ sỏi đá. Khi ấy, ông Trường nhận gần 7 ha đất lâm nghiệp. Khu đồi gần Hồ Biềng, ông không trồng cây ăn quả mà bảo vệ, khoanh nuôi cho cây rừng tái sinh.
“Có lần tôi mơ thấy đàn cò ở đâu bay về làm tổ quanh hồ Biềng. Không ngờ, mấy năm sau, tự dưng từng đàn cò kéo về, mỗi lúc một nhiều hơn, giờ đã lên đến hàng nghìn con. Vì thế, sống chết mình cũng phải giữ lấy rừng. Năm nay, tôi lại được huyện đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng giải thưởng môi trường”, ông Trường phấn khởi.
Mặc dù giữa tháng Năm, nhiệt độ có lúc lên đến gần 40 độ C nhưng khi bước chân vào rừng cò Hồ Biềng lại có cảm giác mát lạnh bởi lớp cây lá rừng rậm rạp, cộng thêm gió thổi từ lòng hồ đem hơi nước mát điều hòa không khí. Trên ngọn cây rừng, chi chít tổ cò đan xen vào nhau như những tấm mạng nhện khổng lồ. Ở đó có nhiều cặp cò bố mẹ đang thay nhau ấp trứng. Phía dưới là vô vàn vỏ trứng cò đã nở…
- Cò ở đây dạn nhỉ, thấy người mà không bay đi - Tôi tò mò khi phát hiện những con cò đậu trên cành cây gần đó.
- Loài cò có đặc tính quý, không bao giờ bỏ con, cho dù nguy hiểm đến đâu. Cò bố mẹ thay nhau kiếm mồi về và bảo vệ đàn con mới nở - Ông Trường nói.
Gia đình ông Trường đã có ý thức giữ gìn rừng cò. Tuy nhiên, để rừng cò được bảo vệ tốt, duy trì lâu dài thì rất cần chính quyền địa phương tích cực vào cuộc, đồng hành cùng người dân trong công tác này”. Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. |
Cũng theo ông Trường, chính vì lý do này, vào mùa cò sinh sản, đám thợ săn thường kéo đến săn bắn nhiều. Nếu không có người trông giữ, mỗi lần đi săn, họ sẽ bắn được hàng chục con cò. Họ bắn xuyên qua tổ, kiểu gì cũng trúng cò bố mẹ đang ấp trứng. “Nếu cò bố mẹ bị bắn chết, chắc chắn đàn con cũng chết theo vì không có thức ăn. Chúng tôi quyết không để những đối tượng xấu làm hại đàn cò” - Nguyễn Văn Thuật, con trai ông Trường quả quyết như vậy.
Theo quy luật, từ tháng 4 đến hết tháng 8 âm lịch là mùa cò bay về rừng Hồ Biềng làm tổ trú ngụ, sinh sản. Đến đầu mùa đông, chúng di cư đi nơi khác tránh rét, đến mùa xuân ấm áp, chúng lại quay về.
Ông Trường sinh ra và lớn lên ở thôn Biềng, năm nay bước sang tuổi 53. Sau khi đi bộ đội và xuất ngũ trở về địa phương, ông lấy vợ và sinh được 5 người con, ba gái, hai trai. Thật trớ trêu, khi con út mới 4 tuổi, vợ ông đi xuất khẩu lao động, rồi không quay về nữa. Từ đó, ông Trường một mình ở vậy nuôi con, làm kinh tế vườn đồi và trông giữ rừng cò. Hiện ba con gái đã lấy chồng, con trai út đang làm công nhân trong khu công nghiệp của tỉnh, ở nhà chỉ còn ông và Thuật.
- Để rừng cò được bảo vệ tốt, điều quan trọng nhất là gì?- Tôi hỏi.
- Lo nhất là ngày càng có nhiều thanh niên dùng súng đến săn bắn. Mong sao cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương có biện pháp răn đe, ngăn chặn, giữ bình yên cho đàn cò - ông Trường buồn rầu nói.
Những khẩu súng săn loại mới có cỡ nòng to, đạn bằng chì, dùng lực đẩy là khí ga, không phát ra tiếng nổ, nhưng có độ sát thương lớn. Loại súng này được nhập lậu từ nước ngoài, rất khó kiểm soát.
Nắng cuối chiều chạy dài trên mặt hồ Biềng gợn sóng tạo ra những ánh bạc lấp lánh. Từng đàn cò trắng sải cánh rộng, chao lượn trên thảm xanh cây rừng. Ngắm rừng cò từ xa, tôi chợt nghĩ, nếu bố con ông Trường làm căng với đám thanh niên lạ mặt trong tay lăm lăm khẩu súng thì thật nguy hiểm. Rừng Hồ Biềng vẫn đang oằn mình để che chở cho đàn chim có chốn đi về…
Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)