Vô Tranh - vùng "lõi nghèo" chuyển mình
BẮC GIANG - Bằng nguồn lực hỗ trợ, nhiều công trình giao thông, thủy lợi được triển khai tại xã Vô Tranh, huyện Lục Nam (Bắc Giang). Những công trình mới trở thành động lực để bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Đổi mới ở những thôn đặc biệt khó khăn
Ông Bùi Quang Chúc, Chủ tịch UBND xã Vô Tranh đưa tôi về thăm thôn Trại Lán - một trong 7 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của xã ngay sau đợt mưa lũ. Thôn Trại Lán có hơn 70% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống.
Ngầm tràn Trại Lán vừa hoàn thành cuối năm 2023 tạo điều kiện cho người dân thôn Trại Lán đi lại thuận lợi. |
Dừng chân tại ngầm tràn Trại Lán, ông Chúc thông tin, trước đây tuyến đường trục chính vào thôn nhỏ hẹp, nhiều thùng vũng. Mỗi khi mưa lớn thôn lại bị cô lập bởi ngầm tràn bị ngập trong nước, hoạt động sản xuất, trao đổi hàng hóa bị ngưng trệ.
Từ các nguồn vốn hỗ trợ và người dân đóng góp, giai đoạn 2020-2023, xã Vô Tranh đã huy động hơn 56,7 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới và triển khai các dự án giảm nghèo. |
Để giúp Trại Lán giảm nghèo, hơn 3 năm trước, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tuyến đường đất dẫn vào thôn được nâng cấp bằng đường bê tông rộng 3,5 mét. Đến năm 2023, ngầm tràn Trại Lán cũng được xây mới từ nguồn vốn hỗ trợ của T.Ư và tỉnh. Hai công trình này đã mang đến những cơ hội khai thác tiềm năng lợi thế, nâng thu nhập cho người dân. Kết thúc năm 2023, thôn chỉ còn 14 hộ nghèo, giảm một nửa so với năm 2020. “Từ khi có đường bê tông và ngầm tràn, người dân đi lại thuận tiện hơn, ô tô vào tận vườn để thu mua vải thiều, cây lâm nghiệp. Nhờ đó thu nhập của người dân tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm”, ông Bùi Quang Chúc chia sẻ.
Là xã miền núi, đồng bào DTTS chiếm hơn 40%, Vô Tranh từng được coi là “lõi nghèo” của huyện khi tỷ lệ hộ nghèo luôn cao hơn nhiều mức bình quân chung. Vì vậy, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây. Xã đã tích cực triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo như: Chuyển đổi nghề; vay vốn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao...
Lãnh đạo UBND xã Vô Tranh kiểm tra mô hình kinh doanh giống cây lâm nghiệp tại thôn Trại Lán. |
Ghi nhận tại thôn Bắc Máng cho thấy, sau khi ngầm Khe Ngái cùng 200 mét mương dẫn được xây dựng theo chính sách hỗ trợ đầu tư cho thôn ĐBKK, hơn 60 mẫu đất nông nghiệp của thôn chủ động được nguồn nước, bảo đảm cấy 2 vụ lúa cùng 1 vụ màu mỗi năm. Gần đây, người dân đưa vào trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao như: Ngô bao tử, dưa chuột, ớt... Nhờ đó thu nhập tăng, tỷ lệ hộ nghèo của thôn chỉ còn 9,82%, giảm hơn 2% so với năm 2020.
Hay như ở thôn ĐBKK Đồng Mạ, sau khi cầu dân sinh từ tỉnh lộ 293 được hoàn thành cuối năm 2023, thôn không còn bị cô lập mỗi khi trời mưa, đời sống người dân có nhiều thay đổi. Anh Vi Văn Ba, dân tộc Tày, thôn Đồng Mạ chia sẻ: “Dù chỉ cách tỉnh lộ 293 gần 100 m song mỗi khi có mưa lớn, toàn thôn có 24 hộ bị cô lập. Dự án xây dựng cầu, đường dẫn lên cầu dân sinh hoàn thành giúp chúng tôi thoát khỏi tình trạng “ốc đảo” mỗi khi có mưa lớn, nông sản tiêu thụ thuận lợi hơn”.
Đa dạng sinh kế, tăng thu nhập
Nhờ thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ kịp thời và hiệu quả, năm 2023, xã Vô Tranh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả giảm nghèo cũng có bước tiến vượt bậc, thu nhập bình quân năm 2023 ước đạt 41,5 triệu đồng/người/năm (tăng gần 1 triệu đồng/người/năm so với năm 2022), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,01% (vượt mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra đến năm 2025).
Với 63 cơ sở chế biến gỗ, nhiều lao động ở xã Vô Tranh có việc làm, thu nhập ổn định ngay tại địa phương. |
Mặc dù đạt kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo song qua đánh giá, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, đời sống của người dân ở 7 thôn ĐBKK với 6 thôn còn lại của xã vẫn có sự chênh lệch.
Khắc phục những tồn tại này, cùng với tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ của T.Ư, tỉnh, huyện, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nghèo bền vững. Từ đầu năm đến nay, UBND xã tổ chức 7 buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho gần 900 lượt người; hỗ trợ giới thiệu việc làm cho 115 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động. Để phát triển sản xuất, UBND xã phối hợp Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nâng tổng dư nợ vốn vay chính sách lên 71 tỷ đồng.
Cùng đó, UBND xã lựa chọn, hỗ trợ sinh kế (bò sinh sản) cho 13 hộ nghèo, cận nghèo tại các thôn: Ao Sen, Tranh và Ry; mở lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho hơn 40 người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn xã. Đối với hạ tầng cơ sở, UBND xã đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà văn hóa xã, trạm y tế, các trường học, chợ Gàng…
“Dù tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao so với mặt bằng chung song những đổi thay tích cực về diện mạo cũng như đời sống người dân, nhất là tại các thôn ĐBKK đã cho thấy hiệu quả từ những chính sách hỗ trợ. Để tiếp sức cho người dân, UBND xã tiếp tục quan tâm dành nguồn lực hoàn thiện hạ tầng, ưu tiên cho thôn ĐBKK để người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập”, ông Bùi Quang Chúc nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)