Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Trao sinh kế để giảm nghèo bền vững
BẮC GIANG - Để giảm nghèo nhanh, bền vững, thời gian qua, huyện Lục Nam (Bắc Giang) quan tâm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Có kiến thức, nhiều hộ có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Thoát nghèo nhờ được đào tạo nghề
Sau nhiều năm làm công nhân tại các khu công nghiệp, năm 2019, anh Tống Văn Liên (SN 1994), dân tộc Cao Lan, thôn Nghè Mản, xã Bình Sơn (Lục Nam) quyết định về quê lập nghiệp. Vay mượn thêm bạn bè, người thân, vợ chồng anh đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 300 đôi chim bồ câu bố mẹ về nuôi.
Có kiến thức về chăn nuôi - thú y, anh Tống Văn Liên (bên phải), thôn Nghè Mản, xã Bình Sơn có thu nhập ổn định từ nuôi chim bồ câu. |
Thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên đàn chim bị bệnh, chết nhiều, không có lãi. Đầu năm 2023, anh đăng ký theo học lớp đào tạo nghề chăn nuôi - thú y do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện phối hợp với UBND xã tổ chức. Có kiến thức, anh mạnh dạn vay 100 triệu đồng vốn ưu đãi chuyển đổi nghề dành cho hộ nghèo của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mở rộng quy mô.
Hiện trên diện tích 300 m2 chuồng nuôi, anh duy trì nuôi 1 nghìn đôi chim bố mẹ cùng 800 con chim thương phẩm. Với giá bán bình quân 70 nghìn đồng/con chim thương phẩm, trừ chi phí mỗi tháng vợ chồng anh thu lãi gần 30 triệu đồng. “Có thời điểm tưởng chừng tôi bỏ cuộc do tỷ lệ chim bị bệnh cao, thị trường tiêu thụ không ổn định. Từ ngày được học nghề, tôi có thêm hiểu biết về công tác phòng và điều trị bệnh nên đàn chim phát triển tốt, thu nhập ổn định. Dự kiến cuối năm nay, vợ chồng tôi sẽ thoát nghèo”, anh Liên chia sẻ.
Là huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo cao, những năm qua, cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển KT-XH, huyện Lục Nam quan tâm nhiều đến công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp tại xã Vô Tranh (Lục Nam) thu hút nhiều học viên tham gia. |
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp tổ chức 19 lớp đào tạo nghề cho hơn 700 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số với các nghề như: Trồng rau an toàn; chăn nuôi - thú y; trồng trọt; sửa chữa máy nông nghiệp; quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
Cùng thời gian, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hoàn thiện hồ sơ, giải ngân vốn vay ưu đãi cho 9 hộ chuyển đổi nghề với tổng vốn cho vay 860 triệu đồng. Có tay nghề, nguồn lực, các hộ mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả. Điển hình, sau khi hoàn thành lớp đào tạo nghề trồng trọt, ông Dương Văn Minh (SN 1966), thôn Nghè Màn, xã Bình Sơn mạnh dạn phát triển mô hình trồng cây ăn quả. Tương tự, từ 100 triệu đồng vốn vay ưu đãi, chị Lục Thị Hải (SN 1979), thôn Ao Vè, xã Vô Tranh đầu tư mô hình chăn nuôi lợn, gà giống. Từ mô hình này, mỗi năm gia đình chị thu lãi gần 100 triệu đồng. “Nhờ được học nghề chăn nuôi - thú y nên tôi chủ động được trong công tác phòng ngừa bệnh trên đàn vật nuôi. Thu nhập ổn định từ chăn nuôi, vợ chồng tôi có điều kiện cải tạo nhà ở, nuôi dạy các con”, chị Hải chia sẻ.
Đào tạo nghề sát thực tế
Thực tế, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đúng đối tượng, có hiệu quả cao, ngay từ đầu năm, cơ quan chuyên môn của huyện chủ động điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, đồng thời dự báo thị trường việc làm, từ đó mở các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương. Ngay khi kết thúc các khóa học, UBND các xã, thị trấn quan tâm hỗ trợ người dân áp dụng nghề mới được đào tạo vào thực tế và tìm kiếm việc làm phù hợp.
Được UBND xã kết nối, nhiều lao động ở xã Bình Sơn có việc làm tại các xưởng chế biến gỗ. |
Ghi nhận tại xã Bình Sơn, từ năm 2022 đến nay, UBND xã phối hợp với Phòng LĐTBXH huyện mở 10 lớp dạy các nghề ngắn hạn cho hơn 300 người. Sau khi người dân được đào tạo và có chứng chỉ sơ cấp nghề, nhiều hộ mạnh dạn vay vốn, đầu tư mở các xưởng sản xuất, trang trại chăn nuôi.
Với những trường hợp không có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, UBND xã liên hệ với các công ty, xưởng gỗ bóc trên địa bàn tiếp nhận vào làm việc, thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Ông Đàm Văn Kim, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn chia sẻ: “Các chính sách liên quan đến đào tạo nghề được triển khai mở ra cơ hội chuyển đổi nghề, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 7,12%”.
Theo thống kê của Phòng LĐTBXH huyện, từ đầu năm đến nay, toàn huyện tạo việc làm mới cho hơn 4,4 nghìn lao động, đạt 104% kế hoạch tỉnh giao năm 2024. Trong đó, 439 người đi xuất khẩu lao động, đạt 97,56% kế hoạch, nâng tổng số lao động của huyện đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài gần 8 nghìn người; tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt hơn 70%.
Để hoàn thành mục tiêu tạo việc làm mới cho hơn 4,6 nghìn lao động trong năm nay, trong đó lao động trong nước là 4,2 nghìn người, những tháng cuối năm, Phòng LĐTBXH huyện chủ động kết nối, mời gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động về địa phương tổ chức xúc tiến thu hút lao động và tư vấn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện mở 18 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; giao các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ người lao động tiếp cận vốn vay ưu đãi, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm mới.
Ông Giáp Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng LĐTBXH huyện cho biết: “Để các lớp đào tạo nghề sát thực tế, phù hợp với nhu cầu của người dân, trước khi mở lớp, chúng tôi về từng thôn khảo sát, nhận đơn đăng ký. Trong thời gian đào tạo, chúng tôi yêu cầu các cơ sở dạy nghề giảm thời gian học lý thuyết, tăng cường thực hành bằng hình thức “cầm tay chỉ việc” ngay tại bờ ruộng, chuồng chăn nuôi”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)