Phát huy hiệu quả hoạt động của tổ đại biểu HĐND
Chú trọng chuyên môn của tổ đại biểu
Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ đại biểu HĐND được quy định tại Điều 112, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và tại Khoản 2, Điều 83 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.
Ông Hà Văn Bé, Tổ đại biểu HĐND huyện Yên Dũng thảo luận về các vấn đề KT-XH tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII. Ảnh: Đỗ Quyên |
Cùng với các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động HĐND, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo các nội dung hoạt động, xây dựng các tiêu chí chấm điểm thi đua, duy trì đều các phiên họp thường trực hàng tháng có sự tham gia của lãnh đạo các Ban, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND. Hàng năm, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức các hội nghị giao ban chuyên đề, thực chất là các cuộc hội thảo, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động chuyên môn của HĐND như kinh nghiệm về tiếp xúc cử tri (TXCT), giám sát, thẩm tra dự thảo nghị quyết trước kỳ họp, chất vấn.
Với sự chỉ đạo sâu sát của Thường trực HĐND tỉnh, hoạt động của các tổ đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ này đã có nhiều đổi mới so với trước. Việc tổ chức cho các đại biểu TXCT không chỉ tiến hành trước mỗi kỳ họp HĐND mà được duy trì nền nếp sau mỗi kỳ họp. Chất lượng tổng hợp ý kiến cử tri sau hội nghị TXCT cũng được nâng cao, bảo đảm rõ nội dung, địa chỉ, không trùng lắp. Ngoài tổ chức TXCT với các thành phần đa dạng, nhiều tổ đại biểu HĐND tỉnh tại các huyện Tân Yên, Lục Ngạn, Hiệp Hòa… còn tổ chức được các hội nghị TXCT theo chuyên đề, qua đó nắm được sâu sát nhiều vấn đề bất cập từ cơ sở và tâm tư, nguyện vọng của cử tri ở địa phương.
Hầu hết các tổ đại biểu HĐND đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tổ chức giám sát kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau mỗi kỳ họp. Các cuộc giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh tại địa phương đều có đại diện tổ đại biểu HĐND tham dự và phát biểu ý kiến. Các cuộc thảo luận tổ tại các kỳ họp HĐND tỉnh luôn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm với nhiều ý kiến phát biểu chất lượng và tâm huyết.
Đặc biệt, chất lượng hoạt động của tổ đại biểu đã được thể hiện rõ nét trong việc phân công, khích lệ các đại biểu HĐND là thành viên của tổ chuẩn bị câu hỏi chất vấn và chất vấn trực tiếp tại các phiên họp. Theo dõi các kỳ họp gần đây cho thấy chất lượng chất vấn của đại biểu ngày càng được nâng cao hơn. Nhiều đại biểu trẻ ở cơ sở đã trưởng thành, tự tin hơn. Ngày càng có nhiều câu hỏi chất vấn đề cập những vấn đề đang được cử tri quan tâm, bức xúc được chuyển tới thủ trưởng các cơ quan chức năng, liên quan đến những bất cập trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, xử lý xe quá khổ quá tải, hoạt động bảo kê, tín dụng đen.
Quy định rõ về vai trò pháp lý và cơ chế tài chính
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là việc tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri hình thức vẫn còn đơn điệu, chưa có sự đổi mới rõ nét. Các hội nghị TXCT theo chuyên đề còn ít. Phần lớn các tổ đại biểu chưa phát huy được tính chủ động trong đề xuất, xây dựng kế hoạch giám sát. Hoạt động giám sát chuyên đề của các tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện do Thường trực HĐND cùng cấp phân công còn ít và mờ nhạt, hiệu quả chưa cao.
Ngày càng có nhiều câu hỏi chất vấn đề cập những vấn đề đang được cử tri quan tâm, bức xúc được chuyển tới thủ trưởng các cơ quan chức năng, liên quan đến những bất cập trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, xử lý xe quá khổ quá tải, hoạt động bảo kê, tín dụng đen. |
Những hạn chế trên, ngoài những nguyên nhân thuộc về chủ quan như: Các đại biểu HĐND chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm (kể cả chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ đại biểu HĐND), thời gian dành cho hoạt động của tổ chưa nhiều, còn có nhiều nguyên nhân mang tính khách quan, tạo rào cản đối với hoạt động giám sát của tổ đại biểu. Trước hết, chức năng, nhiệm vụ của tổ đại biểu HĐND chưa được đề cập nhiều trong các quy định của pháp luật.
Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động của HĐND còn chậm (Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có hiệu lực từ 1/1/2016, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có hiệu lực từ 1/7/2016, song đến ngày 30/1/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới ban hành Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 hướng dẫn một số hoạt động của HĐND).
Đối với hoạt động của tổ đại biểu HĐND, mặc dù đã có hướng dẫn cũng vẫn vướng mắc. Chẳng hạn, tại Khoản 2, Điều 5 của Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 quy định: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của tổ đại biểu HĐND, chữ ký của tổ trưởng, tổ phó tổ đại biểu HĐND là cơ sở xác nhận tính pháp lý của văn bản do tổ ban hành”. Tuy nhiên, văn bản do tổ đại biểu HĐND ban hành, nếu chỉ dựa vào chữ ký của tổ trưởng, tổ phó không đủ hiệu lực pháp lý trên thực tế, nhất là đối với các báo cáo kết quả giám sát.
Về cơ chế tài chính phục vụ hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND, mặc dù tại Điều 90 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã nêu rõ “do ngân sách nhà nước bảo đảm". Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một văn bản nào của trung ương hay tỉnh hướng dẫn cụ thể nên cũng không có trong dự toán hoạt động hàng năm của HĐND cùng cấp.
Thực tiễn hoạt động những năm qua có thể khẳng định: Tổ đại biểu HĐND có vai trò quan trọng, là “cánh tay nối dài” của HĐND, Thường trực HĐND. Để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, ngoài sự nỗ lực của mỗi đại biểu thể hiện tinh thần trách nhiệm trước cử tri, những rào cản trên đây cũng rất cần được các cơ quan chức năng của nhà nước sớm quan tâm, tháo gỡ.
Lê Huyền
Ý kiến bạn đọc (0)