Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Bắc Giang: Bố trí hợp lý nguồn lực để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Đại biểu Nguyễn Việt Oanh thảo luận tại hội trường. |
Theo đại biểu Nguyễn Việt Oanh, sau 5 năm thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2016 – 2020, KT-XH của tỉnh có những bước phát triển, nhiều mục tiêu chính vượt yêu cầu của Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.
Đối với huyện Lục Ngạn, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu từ 21% (năm 2015) xuống còn 4,01% (năm 2020 theo chuẩn cũ), giảm bình quân 3,53%/năm. Tất cả các xã, thôn đều có đường ô tô đến trung tâm. Giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư; 14/29 xã về đích nông thôn mới. Đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt và thực chất.
Ngày 12/7/2022, tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Bắc Giang ban hành Nghị quyết về phân bổ kế hoạch vốn đầu tư đối với 3 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là chương trình mới đặc thù, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai các chương trình gặp một số khó khăn. Như việc cuối tháng 5/2022, T.Ư mới giao vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 các chương trình MTQG cho các địa phương, với nhiều tiêu chí và nội dung mới, tiêu chuẩn cao hơn. Do vậy ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn.
Số lượng các văn bản hướng dẫn, triển khai của T.Ư nhiều, do nhiều cơ quan ban hành. Đối với các huyện miền núi, năng lực của cán bộ làm công tác quản lý, điều hành chương trình MTQG ở cấp huyện, cấp xã còn một số hạn chế. Danh mục các dự án và dự kiến tổng mức lập năm 2021, đầu năm 2022 trong khi giá cả biến động nhiều nên cần điều chỉnh ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.
Cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa đủ mạnh để tạo sinh kế, thu hút, khuyến khích người dân tham gia.
Trên cơ sở nghiên cứu các dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh dự kiến thông qua tại kỳ họp, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, đại biểu Nguyễn Việt Oanh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, huyện, TP rà soát, đánh giá, tránh trùng lắp về nội dung hỗ trợ, địa bàn và đối tượng thụ hưởng của từng chương trình vì một người có thể là đối tượng thụ hưởng của cả 3 chương trình. Từ đó, tối ưu hóa các giải pháp triển khai cụ thể từng dự án, tiểu dự án; khơi dậy ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân, nhất là tại các huyện miền núi.
Bố trí nguồn lực hợp lý giữa các chương trình MTQG, giữa các dự án và tiểu dự án; ưu tiên nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các mô hình hiệu quả, tạo sinh kế cho người dân.
Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tính chất đột phá; trọng tâm là hỗ trợ các dự án cứng hóa đường giao thông đến trung tâm xã và kết nối giữa các xã; nâng cấp cơ sở vật chất các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đặc biệt, nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng để góp phần bảo đảm sinh kế cho người dân.
Bên cạnh đó, khi Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách T.Ư thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được ban hành, đề nghị UBND tỉnh sớm bố trí đủ kinh phí đối ứng. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các huyện miền núi để sớm cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.
Nhóm PV XDĐ-NC
Ý kiến bạn đọc (0)