Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX: Nóng chất vấn về xử lý, sắp xếp tài sản dôi dư
Các đại biểu dự phiên họp sáng 12/12. |
Rà soát, thống nhất lại số liệu về các thiết chế văn hóa ở cơ sở
Theo gợi ý của chủ tọa kỳ họp, mở đầu, các đại biểu chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực văn hóa - xã hội. Đại biểu Hà Văn Bé, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Yên Dũng đặt câu hỏi về tình trạng còn nhiều thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở chưa đạt chuẩn. Điển hình như diện tích không bảo đảm, thiếu các công trình phụ trợ, dụng cụ luyện tập thể dục, thể thao...
Trả lời nội dung này, ông Trương Quang Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, một số nơi chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của cấp trên. Ở một số địa phương, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi như Lục Ngạn, Sơn Động... việc quy hoạch đất để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao gặp khó khăn do địa hình đồi núi dốc, không có mặt bằng nên quy mô, diện tích nhỏ hẹp, vị trí không thuận lợi.
Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp về vai trò, vị trí, lợi ích quan trọng, thiết thực của các thiết chế văn hóa, thể thao trong việc rèn luyện sức khỏe,nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
Về nội dung các thiết chế văn hóa ở cơ sở tuy đã được đầu tư nhưng đa số còn chưa sử dụng hết công năng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Trong đó, tập trung đổi mới phương thức tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Ông Trương Quang Hải trả lời chất vấn. |
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về quản lý và tổ chức hoạt động tại thiết chế văn hóa, thể thao cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa, thể thao cơ sở và các đối tượng quản lý trực tiếp để tổ chức tốt các hoạt động sát với nhu cầu của người dân.
Đại biểu Hoàng Huy Việt, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lạng Giang nêu câu hỏi: Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều trụ sở nhà văn hóa, khu thể thao dôi dư sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập xã, thôn, tổ dân phố, song việc rà soát, lên phương án xử lý, sắp xếp hiện nay khá chậm và lúng túng, đề nghị cho biết giải pháp trong thời gian tới?
Về nội dung này, ông Nguyễn Đình Hiếu, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Nguyên nhân là do UBND các huyện, TP còn chậm trong việc trình cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng để xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sắp xếp lại.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn ở cấp huyện còn chậm, chưa hiệu quả trong việc rà soát các trụ sở dôi dư đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng để tham mưu trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc xin ý kiến các cơ quan, đơn vị và đang hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2021/NĐ-CP) của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các địa phương trong sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất dôi dư. Khi Nghị định mới được ban hành, Sở Tài chính sẽ tham mưu cấp thẩm quyền triển khai bảo đảm theo quy định.
Ngoài ra, đơn vị tham mưu tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Kết luận số 123-KL/BCSĐ ngày 25/9/2023 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu thầu mua sắm tài sản phục vụ hoạt động thường xuyên và quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu Ngô Sỹ Long nêu câu hỏi chất vấn. |
Đại biểu Ngô Sỹ Long, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực TP Bắc Giang nêu vấn đề, trên địa bàn TP Bắc Giang hiện nay có khá nhiều trụ sở các cơ quan nhà nước cũ không còn sử dụng. Một số công trình đã được UBND TP làm thủ tục xin chuyển đổi để xây dựng nhà văn hóa cho các tổ dân phố nhỏ hẹp song chưa được xem xét chấp thuận.
Ông Nguyễn Đình Hiếu cho biết, trên địa bàn TP Bắc Giang hiện có 28 cơ sở nhà đất dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định. Tính đến thời điểm hiện tại còn 26 trụ sở chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất do nhiều nguyên nhân.
Thời gian tới, đơn vị sẽ đôn đốc, hướng dẫn UBND TP đẩy nhanh tiến độ lập phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.
Cùng đó, chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng kiểm tra hiện trạng các cơ sở nhà đất theo đề nghị phương án sắp xếp lại, xử lý của UBND TP. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, Sở Tài chính có trách nhiệm đôn đốc UBND TP thực hiện xử lý nhà đất theo đúng phương án được duyệt và quy định của pháp luật về tài sản công.
Liên quan đến nội dung trên, bà Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị, Sở Tài chính và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, thống nhất lại số liệu về các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Các huyện, TP trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng để thực hiện có hiệu quả phương pháp xử lý, sắp xếp.
Sớm xử lý các cơ sở nhà đất để hoang hóa gây lãng phí và ô nhiễm môi trường
Liên quan đến vấn đề các đại biểu nêu về việc chậm xử lý và biện pháp khắc phục đối với các cơ sở nhà đất của các cơ quan, đơn vị không còn sử dụng để hoang hóa gây lãng phí đất đai và ô nhiễm môi trường, ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin: Trên địa bàn tỉnh hiện có 287 cơ sở nhà đất của các trụ sở công sản, khu tập thể, với tổng diện tích hơn 267.500 m2 không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Ông Bùi Quang Huy trả lời chất vấn. |
Thời gian tới, đơn vị yêu cầu các huyện, TP báo cáo kê khai đối với tất cả các cơ sở nhà đất đang quản lý, sử dụng thuộc phạm vi phải sắp xếp lại, xử lý; đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các đơn vị có liên quan lập phương án sắp xếp, xử lý đối với các cơ sở nhà đất do địa phương quản lý gửi Sở Tài chính giải quyết theo quy định.
Trả lời về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các nhà văn hóa, khu thể thao tại một số địa phương còn chậm, tỷ lệ đạt thấp (Sơn Động, Lục Ngạn, Hiệp Hòa …); ranh giới giữa nhà văn hóa, khu thể thao liền kề với đất sinh hoạt của các hộ dân xung quanh, không có tường bao rất dễ xảy ra lấn chiếm, khiếu kiện (nhất là các huyện miền núi), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, nguyên nhân là do các địa phương, nhất là UBND cấp xã chưa thực sự quan tâm đến công tác rà soát, kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các đối tượng này theo quy định của pháp luật đất đai. Ngoài ra, một số còn có nguồn gốc do các địa phương tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng chưa làm các thủ tục về đất đai...
Về nội dung này, bà Lâm Thị Hương Thành yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, TP để tham mưu trong việc tháo gỡ khó khăn về quản lý tài sản công.
Đại biểu Dương Thị Thủy, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Tân Yên phản ánh, tại xã Cao Xá có 5 hộ dân đã sử dụng đất thuộc Trại giống cũ (nay là Công ty cổ phần Giống chăn nuôi Bắc Giang) từ năm 1982. Họ đã làm nhà ở từ hàng chục năm trước, đến nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các hộ đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Chính quyền cơ sở không quản lý được đất đai của đơn vị này.
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện trạng khu đất này đang được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, có một phần diện tích chưa phân định được ranh giới.
Để UBND huyện Tân Yên có cơ sở xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, Công ty cổ phần Giống chăn nuôi Bắc Giang phải thực hiện lập phương án sử dụng đất (thể hiện rõ phần diện tích Công ty giữ lại sử dụng, phần diện tích Công ty trả lại cho địa phương quản lý), hoàn thiện hồ sơ thuê đất để xác định rõ ranh giới sử dụng đất của Công ty.
Trong cuối buổi sáng nay, một số đại biểu cũng nêu câu hỏi chất vấn về hỗ trợ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và xóa các điểm trường lẻ trên địa bàn tỉnh. Các câu hỏi trên đã được Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo trả lời, làm rõ.
Chiều nay (12/12), kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn; đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh sẽ làm rõ thêm về những nội dung chất vấn, trả lời chất vấn và thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2024.
Báo Bắc Giang sẽ tiếp tục thông tin về kỳ họp.
Tin, ảnh: Nhóm PV Nội chính
Ý kiến bạn đọc (0)