Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX: Chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế, pháp chế
Quang cảnh kỳ họp. |
Kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ
Đại biểu Trần Thị Vượng, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Yên Thế phản ánh, việc đầu tư bên ngoài các khu, cụm công nghiệp còn nhiều dự án chậm tiến độ, một số dự án gia hạn nhiều lần nhưng đến nay chưa hoàn thành; có dự án đã hết thời gian thực hiện nhưng chủ dự án không thực hiện thủ tục gia hạn theo quy định, có biểu hiện giữ chỗ... Cơ quan chức năng không kịp thời kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm.
Trả lời nội dung này, bà Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Sở đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, TP rà soát, báo cáo UBND tỉnh về tình hình sử dụng đất của các dự án đầu tư ngoài ngân sách ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chỉ rõ 103 dự án chậm tiến độ và đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh có công văn chỉ đạo xử lý cụ thể. Tuy nhiên, việc thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ nêu trên gặp nhiều khó khăn.
Thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thực hiện động bộ các giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao chất lượng công tác hậu kiểm, thông qua đó tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư và xử lý kiên quyết đối với các dự án vi phạm.
Đại biểu Ngô Quang Tuấn, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Hiệp Hòa đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết tại sao năm 2022 tỉnh bố trí kế hoạch vốn 20 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng chỉ thực hiện được 2 tỷ đồng? Năm 2023 đã bố trí kế hoạch vốn 5 tỷ đồng nhưng vừa qua Sở lại đề nghị điều chỉnh giảm 3 tỷ đồng?
Bà Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn. |
Trả lời câu hỏi trên, bà Bùi Thị Thu Thủy cho biết: Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, TP tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 11/1/2021 về việc phê duyệt danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, bao gồm 40 dự án thuộc 5 nhóm.
Để hỗ trợ các dự án, UBND tỉnh đã bố trí 20 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương năm 2022 và 5 tỷ đồng năm 2023. Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 16 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Tuy nhiên, nội dung quy định này không phù hợp với Luật Đầu tư, không được coi là quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Do đó, các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện thủ tục đầu tư chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư mới đủ căn cứ để thực hiện thủ tục thuê đất và triển khai xây dựng các dự án.
Đại biểu Đặng Hồng Chiến nêu câu hỏi. |
Trong danh mục các dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt, có 5 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư. Căn cứ tình hình triển khai và tiến độ thực hiện dự án đã được chấp thuận tại quyết định chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu bố trí vốn 20 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương năm 2022 để dự kiến thực hiện hỗ trợ cho 5 dự án.
Tuy nhiên, chỉ có dự án “Nhà máy chế biến gỗ ván ép và sản phẩm từ gỗ xuất khẩu” của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Hưng Thịnh Bắc Giang đủ điều kiện để thanh toán với số tiền hỗ trợ là 2 tỷ đồng nên Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị điều chỉnh giảm 18 tỷ đồng.
Đối với kế hoạch vốn năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư dự kiến chuyển tiếp hỗ trợ 4 dự án còn lại đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, sau khi rà soát, đánh giá chỉ có 1 dự án đủ điều kiện hoàn thành với mức hỗ trợ là 2 tỷ đồng; các dự án khác gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng không có khả năng hoàn thành trong năm 2023. Do vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị điều chỉnh giảm 3 tỷ đồng để chuyển vốn cho các mục tiêu cần thiết khác của tỉnh.
Nâng cao công tác phòng ngừa tội phạm
Liên quan đến thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 28/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại biểu Đặng Hồng Chiến, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Hiệp Hòa cho biết: Thời gian qua, công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, qua công tác kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho thấy, vẫn còn không ít hạn chế, thiếu sót của cơ quan điều tra cấp huyện trong công tác này.
Trả lời nội dung này, Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Nguyên nhân là do nhiều vụ việc người bị hại từ chối giám định, không yêu cầu giám định, hai bên thoả thuận bồi thường dân sự cho nhau. Trong khi đó, cơ quan điều tra cấp huyện không thực hiện quyết liệt các biện pháp theo quy định của pháp luật để củng cố hồ sơ tài liệu ngay từ ban đầu làm căn cứ giải quyết triệt để vụ việc.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Công an tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Đại tá Nguyễn Quốc Toản trả lời chất vấn. |
Về việc tội phạm liên quan đến việc sử dụng công nghệ cao và mạng viễn thông tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, Giám đốc Công an tỉnh thông tin: Mặc dù lực lượng Công an tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai nhiều biện pháp trong phòng ngừa, đấu tranh và đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn tình trạng một số người dân bị lừa đảo. Nguyên nhân chủ yếu là người bị hại thường có mong muốn kiếm tiền nhanh chóng, không tìm hiểu hoặc không có kiến thức về đầu tư tài chính, thích việc nhẹ lương cao, may rủi, đỏ đen, cũng như nhẹ dạ, cả tin, tiếp cận nhiều nguồn thông tin không chính thống qua các nền tảng mạng xã hội hoặc qua những cuộc gọi nặc danh.
Lực lượng công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan đến viễn thông để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trao đổi về công tác phòng, chống cháy nổ, đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý, qua đi khảo sát tại một số nhà trọ khu vực huyện Việt Yên cho thấy, cơ bản các nhà trọ có trang bị thiết bị phòng cháy nhưng còn mang tính hình thức, đối phó. Các nhà trọ đều xây hết diện tích đất nên không còn diện tích để làm cầu thang thoát hiểm hoặc nếu làm thì sẽ dẫn đến vi phạm hành lang an toàn giao thông. Từ thực tế nêu trên, ngành công an cần nghiên cứu để sớm có giải pháp khắc phục.
Khắc phục hiện tượng làm việc cầm chừng, né trách nhiệm
Đại biểu Chu Huy Quyết, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lục Nam đặt câu hỏi: Thời gian qua, xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, né tránh trách nhiệm, dẫn đến tình trạng hiệu quả của công việc không cao. Đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ cho biết Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng trên và giải pháp thời gian tới?
Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Qua công tác theo dõi, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua cho thấy, ý kiến như đại biểu vừa nêu trên là đúng. Thực tế một bộ phận công chức có biểu hiện làm việc cầm chừng, né tránh trách nhiệm. Tuy nhiên, hiện tượng trên không phải là phổ biến, song dẫn đến tình trạng hiệu quả công việc không cao.
Ông Vũ Mạnh Hùng trả lời câu hỏi chất vấn. |
Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Vũ Mạnh Hùng cần tiếp tục tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là lãnh đạo, quản lý, bảo đảm công tâm, khách quan, phản ánh đúng kết quả công tác. Như vậy sẽ khơi dậy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, từ đó khắc phục “bệnh sợ trách nhiệm”, không đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, làm việc cầm chừng.
Cũng trong phiên chất vấn, Giám đốc Sở Tư pháp đã trả lời, làm rõ một số câu hỏi chất vấn của các đại biểu liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Giám đốc Sở Tư pháp Đỗ Thị Việt Hà trả lời chất vấn. |
Đánh giá phần thảo luận trước đó, đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết: Về thảo luận tại tổ, đã có tổng số 43 đại biểu phát biểu (trong đó, 32 đại biểu HĐND tỉnh; 11 đại biểu các ngành, các huyện, TP). Cơ bản các đại biểu đều đồng tình và thống nhất cao với nhận định đánh giá về kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 mà UBND tỉnh trình tại kỳ họp.
Bà Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá kết quả thảo luận của các đại biểu. |
Thảo luận tại hội trường, Thường trực HĐND tỉnh đã quyết định đưa 16 nội dung đăng ký của đại biểu và một số sở, ngành vào phiên thảo luận tại kỳ họp.
Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân trong tỉnh, các đại biểu, thủ trưởng các ngành tham gia phát biểu, trao đổi trực tiếp, các ý kiến thảo luận tại hội trường đi sâu phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhằm quyết tâm triển khai, thực hiện và hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023, mục tiêu năm 2024.
Tập trung 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Phát biểu làm rõ thêm những nội dung chất vấn, trả lời chất vấn và thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023; mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp năm 2024, đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, KT-XH năm 2023 của tỉnh còn không ít khó khăn, hạn chế. Năm 2024 sẽ là năm quyết định cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025, vì vậy, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu quan tâm. |
Để bảo đảm thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ 2024, cùng với thực hiện đồng bộ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã trình với HĐND tỉnh, UBND tỉnh sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trước hết, chỉ đạo phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 14,5%. Theo đó, tập trung cho 4 nhóm động lực tăng trưởng: Ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp; tạo bứt phá về dịch vụ; nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp và phát huy hiệu quả cho động lực tăng trưởng truyền thống là giải ngân vốn đầu tư công và vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Điều hành chặt chẽ thu - chi ngân sách. UBND tỉnh sẽ tập trung cao cho các giải pháp như: Tiếp tục điều hành ngân sách theo phương châm thận trọng, nhịp nhàng giữa thu - chi, phải căn cứ vào khả năng thu ngân sách để triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ, đảm bảo sự phát triển ổn định, an toàn.
Chỉ đạo hoàn thành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; tập trung triển khai thực hiện các nội dung công việc thực hiện chuyển huyện Việt Yên lên thị xã sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; phấn đấu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo và hộ chính sách người có công. Năm 2024, Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng mục tiêu và phấn đấu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo và hộ chính sách người có công. Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, một phần từ ngân sách Nhà nước.
Tập trung cao cho đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là chuyển đổi số. Đặc biệt, từ năm 2024, UBND tỉnh sẽ giao Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đánh giá, chấm điểm chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, TP bảo đảm khách quan, minh bạch.
Đồng chí Lê Ánh Dương cũng nhấn mạnh, riêng với trọng tâm về chuyển đổi số sẽ tập trung cho các nội dung như: Đẩy nhanh tốc độ số hóa, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong số hóa các quy trình, thủ tục hành chính; tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các hệ thống nền tảng số, kho dữ liệu số hiện đại phục vụ việc chia sẻ, kết nối, khai thác và phân tích dữ liệu.
Tiếp tục đầu tư mở rộng và nâng cấp hạ tầng số hiện đại; đồng thời tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức trong việc vận hành, khai thác các hệ thống chuyển đổi số trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ. Đây là yếu tố then chốt, là nền tảng vững chắc để chuyển đổi số đi vào chiều sâu.
Theo chương trình, sáng mai (13/12), kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua 27 dự thảo nghị quyết; tiến hành công tác thi đua khen thưởng năm 2023 và bế mạc kỳ họp.
Báo Bắc Giang sẽ tiếp tục thông tin về kỳ họp.
Ý kiến bạn đọc (0)