Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn và thanh toán cho GPMB Cảng Hàng không quốc tế Long Thành
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) phát biểu tại hội trường. |
Tham gia thảo luận về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) đánh giá cao sự cố gắng, vượt khó của Chính phủ, cấp uỷ, chính quyền tỉnh Đồng Nai, huyện Long Thành, sự đồng thuận của nhân dân khu vực giải phóng mặt bằng của dự án. Tuy nhiên, nếu như nguồn vốn bố trí đã được huỷ dự toán, đại biểu đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương kéo dài để có cơ sở tiếp tục chi trả, hoàn thiện hồ sơ thanh toán, quyết toán dự án GPMB đến hết năm 2024.
Đại biểu đề nghị T.Ư cấp bổ sung vốn cho dự án chia làm 2 đợt, đợt 1 cấp ngay năm 2024, đợt 2 sẽ cấp khi có quyết định phê duyệt quyết toán, số vốn cấp đợt 1 do Chính phủ đề xuất và đưa ngay vào kế hoạch đầu tư công hoặc dự toán chi 2024, giao quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định số vốn cho phù hợp. Vì: (1) Dự án vẫn có thay đổi về số liệu thanh quyết toán do chưa kết thúc công việc chi trả đầy đủ các chính sách bồi thường GPMB; (2) Dự án có sự điều chỉnh về phạm vi GPMB và sử dụng một phần diện tích bồi thường GPMB vào nhiệm vụ tạo quỹ đất phát triển KT-XH của địa phương, ngoài quỹ đất tái định cư cho người dân và bố trí các thiết chế xã hội phục vụ người dân tái định cư.
Với phần vốn còn thiếu do chưa phân bổ đợt 2, đề nghị cho tỉnh Đồng Nai cơ chế sử dụng nguồn vốn tồn dư kho bạc ngân sách địa phương, trường hợp còn thiếu thì sử dụng tồn dư ngân sách T.Ư để thanh toán cho dự án hoặc ứng trước dự toán 2024. Nguồn hoàn ứng ghi rõ là nguồn vốn T.Ư sẽ bổ sung khi quyết toán. Đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho tỉnh Đồng Nai có tồn dư ngân sách cao hơn quy định trong thời gian sử dụng tồn dư ngân sách hoặc tạm ứng ngân sách để chi tiền GPMB cho dự án.
Về thẩm quyền, đề nghị Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung nguồn vốn còn thiếu cho dự án khi có quyết toán dự án hoàn thành. Đại biểu cho rằng phương án này là tối ưu và an toàn cho địa phương, nhất là khi phần diện tích đã GPMB sẽ có một phần được để lại cho địa phương tạo quỹ đất để phát triển KT-XH, sẽ xem xét quyết toán nguồn vốn ngân sách địa phương hay T.Ư một cách rõ ràng, minh bạch hơn.
Thu Hằng
Ý kiến bạn đọc (0)