Đại biểu Trần Văn Tuấn: Đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo
Đại biểu Trần Văn Tuấn phát biểu tại hội trường. |
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng và các báo cáo của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao về kết quả công tác năm 2022; nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tiếp theo.
Có thể khẳng định, năm 2022, trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, phức tạp, song Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao và các cấp, các ngành, địa phương đã tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội giao trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng, chống tham nhũng, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Đại biểu nhất trí cao với nội dung đánh giá trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp là: Năm 2022, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý KT-XH và phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng ngày càng được khẳng định, phát huy. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, nghiêm minh. Những kết quả nêu trên đã tiếp tục khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; đã tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, được bạn bè quốc tế ghi nhận.
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các mặt công tác nêu trên trong thời gian tới, đại biểu Trần Văn Tuấn cơ bản đồng tình, nhất trí với các giải pháp, nhiệm vụ được đề ra trong các báo cáo của Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao và của Viện trưởng Viện KSND Tối cao. Trong đó, đại biểu Trần Văn Tuấn kiến nghị:
1. Đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế về quản lý KT-XH và phòng, chống tham nhũng. Trong đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, nhất là Luật Khiếu nại theo hướng: Giao cho tòa án các cấp nhiều trách nhiệm hơn trong giải quyết khiếu nại đối với các hành vi hành chính. Cụ thể là, đối với các trường hợp khiếu nại từ lần thứ hai chỉ xem xét giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng hành chính - đây cũng là nội dung đại biểu đã có ý kiến tại kỳ họp thứ nhất.
Qua đó, nhằm hướng tới 2 mục tiêu là: Nhằm phát huy tốt hơn vai trò kiểm soát quyền lực nhà nước của cơ quan tư pháp đối với các hoạt động hành pháp, góp phần giảm thiểu các hành vi tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được khách quan hơn, tránh sự đùn đẩy, né tránh trong giải quyết; khắc phục tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp như hiện nay.
2. Ngoài các báo cáo nêu trên, tại kỳ họp này, Chính phủ còn có Tờ trình về thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan tới ghi thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu. Đại biểu nhất trí về sự cần thiết bổ sung thông tin “nơi sinh” vào trang nhân thân của hộ chiếu nhằm tạo thuận lợi cho công dân ta trong việc nhập cảnh vào các nước. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì việc Quốc hội quyết định nội dung trên là đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn là việc Chính phủ đề nghị Quốc hội đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam và đưa nội dung trên vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV (trong khi chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, mà đây thực chất là nội dung sửa đổi, bổ sung Luật trên). Và theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể tại Khoản 1, Điều 12 quy định “văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó”.
Như vậy, trong trường hợp này phải ban hành Luật để bổ sung nội dung trên. Tuy nhiên, theo đề nghị của Chính phủ là Quốc hội ban hành Nghị quyết thì có thể vận dụng quy định của Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và phải ban hành Nghị quyết riêng quy định nội dung này, không nên quy định trong Nghị quyết chung của kỳ họp. Đề nghị Quốc hội cân nhắc.
Tiến Hòa
Ý kiến bạn đọc (0)