Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh, Đoàn Bắc Giang góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, Điều 28, điểm c, khoản 1 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao.
Theo Luật Đầu tư năm 2020, khoản 22, Điều 3 quy định: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là cổ đông hoặc thành viên. Như vậy, nếu theo dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngoài khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao của các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không được thực hiện.
Ngoài ra, quy định tại điểm c cũng chưa logic với điểm d và h khi cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh thảo luận tại hội trường. |
Điều 33, điểm b, khoản 3 quy định: Tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê để thực hiện dự án có mục đích kinh doanh, trường hợp chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì phải nộp cho Nhà nước một khoản tiền tương ứng với số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã được miễn, giảm tại thời điểm giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Đại biểu Thịnh đánh giá: Quy định này khi áp dụng sẽ có vướng mắc: Thứ nhất, tất cả các trường hợp thuê đất để thực hiện dự án có thời gian xây dựng công trình thì đều được hưởng miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng. Thứ hai, các dự án BOT, các dự án kinh doanh thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế (như trường học, bệnh viện) đều được miễn, giảm tiền thuê đất nên khi chuyển nhượng cho các nhà đầu tư khác tiếp tục thực hiện dự án sẽ bị vướng mắc vì bị truy thu lại toàn bộ số tiền miễn, giảm.
Theo Điều 46, khoản 2 của dự thảo Luật, tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất được bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê khi có đủ các điều kiện sau đây, trong đó có điều kiện quy định tại điểm b là: Đã ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà chưa khấu trừ hết vào tiền thuê đất phải nộp.
Quy định như trên chưa hợp lý khi có tình huống tổ chức thuê đất đã qua giai đoạn khấu trừ hết tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) đã ứng trước và hàng năm đã nộp tiền thuê đất hoặc đối với những dự án tổ chức được thuê đất thông qua đấu giá đất sạch của Nhà nước và nộp tiền thuê đất hàng năm thì đều không đủ điều kiện được bán tài sản trên đất và quyền thuê đất. Trong khi tinh thần chung của Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là quyền thuê đất được phép chuyển nhượng, kể cả đối với quyền thuê đất nộp tiền thuê đất hàng năm.
Đối với Điều 93 đang quy định theo hướng việc tách riêng dự án bồi thường GPMB sẽ theo Luật Đầu tư công. Luật Đầu tư công năm 2020 mới quy định đối với dự án nhóm A trở lên. Thực tế, hiện nay ở địa phương đều đã có Quỹ phát triển đất với nguồn vốn dồi dào; việc tách riêng dự án bồi thường GPMB sẽ giúp cho địa phương chủ động sử dụng nguồn vốn Quỹ phát triển đất, khắc phục nghịch lý là thời gian chuẩn bị mặt bằng có khi còn gấp nhiều lần thời gian thi công công trình. Ngoài ra, ngay chính bản thân dự án nhóm A khi giao nhiệm vụ tái định cư cho địa phương có thể cũng sẽ xuất hiện dự án xây dựng hạ tầng phục vụ tái định cư của địa phương nhưng dự án có quy mô nhỏ nên chỉ tách như Luật Đầu tư công vẫn có thể dẫn đến không đồng bộ đối với ngay cả dự án đầu tư công nhóm A.
Vì vậy, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, Điều 93 nên sửa theo hướng giao cho HĐND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định việc tách riêng dự án bồi thường GPMB đối với các dự án đầu tư công, dự án đầu tư hạ tầng tạo quỹ đất thuộc thẩm quyền để vừa phát huy hiệu quả Quỹ phát triển đất, vừa nâng cao hiệu quả đầu tư công và đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm của địa phương…
Điều 79 quy định về thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia công cộng và Điều 254 quy định chuyển tiếp về thu hồi đất. Theo như dự thảo Luật và Điều 254 sẽ dẫn đến tình huống là toàn bộ các dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, điểm dân cư do Nhà nước đầu tư để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc dự án xây dựng khu dân cư hoàn chỉnh đã xong các bước phê duyệt dự án đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư nhưng chưa có thông báo thu hồi đất hoặc thông báo thu hồi đất nhưng chưa hết phần diện tích đất thực hiện dự án thì nay chưa biết phải thực hiện như thế nào vì Điều 79 không đề cập đến các loại dự án này. Đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị sửa đổi bổ sung khoản 27, Điều 79 như một số ý kiến đại biểu đã đề xuất, nếu không sẽ gặp vướng mắc khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành.
Thu Hằng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc (0)