Đại biểu Leo Thị Lịch: Xem xét bổ sung quy định đặc thù về HTX nông nghiệp
Đại biểu Leo Thị Lịch thảo luận tại hội trường. |
Đại biểu đánh giá: Sau 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012 cho thấy chúng ta cũng đã đạt được một số thành tựu đáng kể. HTX góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị tại cộng đồng.
Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện Luật đã bộc lộ một số hạn chế như: Một số quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác; quy định chưa đầy đủ về nguyên tắc cơ bản của HTX, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu hướng phát triển của thế giới; vốn và các nguồn lực từ thị trường khó huy động, năng lực quản trị hạn chế, trang thiết bị lạc hậu, sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hiệu quả thấp; nhiều HTX quy mô nhỏ thiếu sự liên kết với nhau; việc tiếp cận thị trường và hưởng thụ chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước còn ít...
Trước thực tế trên, đại biểu Leo Thị Lịch đề xuất: Giữ nguyên phương án tên gọi của luật hiện hành là Luật HTX. Vì như vậy phản ánh đúng bản chất mối quan hệ của mô hình kinh tế với nội hàm về mối quan hệ hợp tác, bình đẳng, chặt chẽ trong nền kinh tế thị trường, tránh xáo trộn trong nhiều luật khác có liên quan.
Dự thảo Luật đã cơ bản bám sát 8 nhóm chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW Đảng đã đề ra về: Hoàn thiện các quy định bản chất HTX, phát triển thành viên HTX; mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển; hoàn thiện và nâng cao công tác quản trị, điều hành HTX; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.
Hiện nay, trong cả nước có 70% HTX là HTX nông nghiệp nhưng dự thảo Luật chưa đề cập việc quy định tính đặc thù cho lĩnh vực nông nghiệp. Do vậy, Luật cần xem xét bổ sung quy định cho HTX nông nghiệp hoặc Luật giao Chính phủ quy định cơ chế đặc thù cho HTX nông nghiệp. Mặt khác, đề nghị cần tiếp tục rà soát một số nội dung chính sách cụ thể hóa trong luật này.
Đồng thời đối chiếu các quy định của dự thảo Luật này với các văn bản luật khác như Bộ luật dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản… để tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
Trong các nhóm chính sách này chưa quy định cụ thể các chính sách đặc thù ưu tiên đối với các tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, địa bàn có đông thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Leo Thị Lịch đánh giá, vai trò kinh tế HTX có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho các thành viên, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên phạm vi cả nước nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng.
Từ những vấn đề trên, đại biểu đề nghị các chính sách vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần được quy định cụ thể rõ hơn trong dự thảo Luật như: Xây dựng chính sách BHXH cho cán bộ, người lao động, quan tâm đào tạo lao động tại chỗ, cán bộ là con em đồng bào dân tộc thiểu số để đáp ứng yêu cầu phát triển địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Có chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế, vốn, phí, lệ phí để thu hút các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, làm đầu tàu thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tạo điều kiện, tập trung tháo gỡ những khó khăn, giúp các tổ chức kinh tế, các HTX phát triển bền vững…
Tiến Hòa
Ý kiến bạn đọc (0)