Cần quy định đầy đủ, rõ ràng về địa điểm công chứng ngoài trụ sở
BẮC GIANG - Sáng 25/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Tham gia ý kiến, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Công chứng và cho rằng hồ sơ dự án Luật đã được Bộ Tư pháp tham mưu giúp Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng; đồng thời có ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật.
Về công chứng (CC) bản dịch, dự thảo Luật không quy định việc chứng nhận tính chính xác, hợp pháp của bản dịch thuộc phạm vi hoạt động CC như Luật CC hiện hành mà chỉ quy định việc CC viên chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang trong phiên làm việc tại hội trường của Quốc hội. |
Đại biểu cho rằng, chức năng xã hội của CC nước ta đã được xác định là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển KT-XH (Điều 3 Luật CC hiện hành).
Để thực hiện tốt chức năng này, CC nước ta được xác định phát triển theo mô hình CC Latinh - CC nội dung, trong đó yếu tố quan trọng là bảo đảm tính hợp pháp, tính xác thực của nội dung giao dịch. Tuy nhiên thực tế cho thấy trong rất nhiều trường hợp thì yêu cầu này không được thực hiện hoặc chưa có cơ chế để có thể thực hiện được, CC viên hầu như chỉ dựa vào giấy tờ, tài liệu do người yêu cầu CC cung cấp để xác định tính xác thực, hợp pháp của hồ sơ yêu cầu CC chứ chưa xác minh thực tế, đánh giá về thực trạng chủ thể, đối tượng, nội dung mà các hợp đồng, giao dịch đề cập.
CC bản dịch là ví dụ điển hình cho tình trạng này. Thực tế cho thấy có tình trạng việc xác định bản dịch thuộc phạm vi CC còn chưa đúng bản chất của CC (thực chất đây là việc thuộc phạm vi chứng thực – chứng thực chữ ký người dịch). Nhiều CC viên chưa đủ, không có kiến thức về ngoại ngữ để xác nhận tính xác thực, hợp pháp của bản dịch; tổ chức hành nghề CC cũng không có đội ngũ cộng tác viên phiên dịch nên đã từ chối thực hiện CC bản dịch.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) phát biểu thảo luận tại hội trường. |
Do đó, thay vì đến tổ chức hành nghề CC, người dân lựa chọn đến UBND để đề nghị chứng thực chữ ký người dịch người dân và trong nhiều trường hợp đã gây ra sự quá tải về chứng thực chữ ký bản dịch tại một số địa phương. Do đó quy định về CC bản dịch của Luật hiện hành chưa thực sự phát huy tác dụng trong thực tiễn và là một trong những tồn tại, hạn chế lớn trong quá trình thực thi Luật này như đã được nêu trong Báo cáo tổng kết Luật, Báo cáo đánh giá tác động chính sách. Từ những lý do này, đại biểu nhất trí với dự thảo Luật - quy định này bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu chứng thực bản dịch. Tuy nhiên đại biểu đề nghị rà soát để quy định rõ trách nhiệm của người phiên dịch đối với tính xác thực, hợp pháp của nội dung bản dịch.
Về đào tạo nghề CC, Điều 9 của dự thảo Luật quy định thời gian đào tạo nghề CC là 12 tháng, trừ những đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 9 thì được giảm ½ thời gian đào tạo là 6 tháng. So với quy định của Luật CC hiện hành, dự thảo Luật đã bỏ quy định một số đối tượng nhất định được miễn đào tạo nghề CC và phải tham dự khóa bồi dưỡng nghề CC.
Đại biểu cơ bản nhất trí với quy định này; tuy nhiên, đối với nhóm đối tượng được giảm ½ thời gian đào tạo, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá tác động đối với việc xác định đối tượng này để vừa đáp ứng nhu cầu được hành nghề CC, phù hợp với năng lực, kinh nghiệm mà họ đã tích lũy được nhưng vẫn phải bảo đảm nâng cao chất lượng của đội ngũ CC viên.
Theo đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng là người công chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp tại Sở Tư pháp; công chức Phòng Tư pháp; Công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã có thời gian công tác từ 05 năm liên tục trở lên bởi những chủ thể này không chỉ đã đáp ứng được trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà còn cả có kỹ năng, kinh nghiệm về hoạt động CC.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các tổ chức hành nghề CC: Điểm b và điểm d khoản 1 Điều 72 của dự thảo Luật quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm “b) Ban hành và triển khai thực hiện Đề án quản lý, phát triển tổ chức hành nghề CC tại địa phương phù hợp với quy định của Luật này, ...”; “d) Ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng CC; …”. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của quy định này để xác định có hay không việc tiếp tục quy định nội dung này.
Theo đại biểu nên theo hướng không nên quy định nội dung như điểm b và điểm d khoản 1 Điều 72 nêu trên, đồng thời đề nghị bổ sung vào Điều 20 điều kiện thành lập Văn phòng CC là phải đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định của Chính phủ vì: việc giao UBND cấp tỉnh ban hành Đề án quản lý, phát triển tổ chức hành nghề CC tại địa phương, các tiêu chí xét duyệt hồ sơ thành lập Văn phòng CC dẫn đến thực trạng vừa hình thành một loại “quy hoạch con”, vừa phát sinh các điều kiện đầu tư kinh doanh, không phù hợp với Luật Quy hoạch và không thống nhất về thẩm quyền quy định điều kiện đầu tư kinh doanh theo khoản 3 Điều 7 của Luật Đầu tư; mặt khác việc CC được xác định là loại hình dịch vụ công, mô hình hoạt động như doanh nghiệp, nên cần có sự cạnh tranh, bảo đảm cung cấp chất lượng dịch vụ tốt nhất cho người dân, nên việc thành lập tổ chức hành nghề CC không cần quy hoạch theo đề án.
Về chuyển giao thẩm quyền chứng thực, điểm e khoản 1 Điều 72 quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm “Xem xét, quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực giao dịch từ Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề CC tại những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề CC đáp ứng yêu cầu CC của cá nhân, tổ chức theo hướng dẫn của Chính phủ”.
Đại biểu cho rằng quy định này có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp, do đó, rất cần thiết phải tiếp tục có đánh giá kỹ lưỡng tác động của quy định này để tránh tình trạng gây khó khăn, phiền hà cho người dân khi có nhu cầu chứng thực, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi có điều kiện đi lại khó khăn. Theo đại biểu nên quy định song song cả việc CC và chứng thực để người dân có quyền lựa chọn, đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân.
Về địa điểm CC, so với quy định của Luật CC hiện hành, Điều 43 của dự thảo Luật đã bỏ quy định cho phép CC ngoài trụ sở vì “có lý do chính đáng khác” và đã bổ sung các trường hợp cụ thể được CC ngoài trụ sở. Đại biểu cho rằng việc cụ thể hóa các trường hợp CC thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề CC - đây là những trường hợp phổ biến trên thực tế thời gian qua - là rất cần thiết nhằm bảo đảm sự công khai, minh bạch, nghiêm túc trong tổ chức thực hiện, tránh tình trạng lạm dụng quy định về “lý do chính đáng khác” như vừa qua để bảo đảm tính nghiêm túc của dịch vụ công.
Tuy nhiên, việc liệt kê các trường hợp cụ thể như dự thảo sẽ khó bảo đảm đầy đủ vì thực tế cuộc sống luôn phát sinh những trường hợp không dự liệu trước được, nếu liệt kê không đầy đủ sẽ dẫn đến cản trở giao dịch dân sự lành mạnh. Mặt khác, quy định trường hợp “nhiệm vụ, công việc đặc thù” như điểm c khoản 2 Điều 43 dự thảo là chưa rõ ràng, chưa minh bạch sẽ gây khó khăn, thiếu thống nhất trong quá trình thực thi. Do đó, đại biểu tiếp tục rà soát, đánh giá thực tiễn để có thể quy định được đầy đủ, cụ thể các trường hợp được CC ngoài trụ sở, đồng thời cần quy định rõ hơn trường hợp “nhiệm vụ, công viêc đặc thù” là như thế nào; cần bổ sung thêm một trường hợp là các trường hợp khác do Chính phủ quy định để bao quát hết các trường hợp có thể phát sinh trong thực tế sau khi Luật được ban hành.
Dương Nhung (ghi)
Ý kiến bạn đọc (0)