Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo
BẮC GIANG - Cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở là cầu nối đưa các chính sách đến với người dân. Vì vậy, để nâng cao năng lực cho đội ngũ này, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang chú trọng tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường phổ biến chính sách, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ
Thông tin là một trong 6 dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã và đang tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên của người dân. Cùng đó chú trọng bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) ở cơ sở.
Huyện Sơn Động mới đây đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực công tác xã hội, nghiệp vụ thu thập thông tin người lao động cho cán bộ cơ sở. Hơn 400 người là lãnh đạo UBND, cán bộ LĐTBXH cấp xã và trưởng các ngành, đoàn thể thôn, tổ dân phố được hướng dẫn công tác thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin của người lao động; phổ biến Thông tư số 11/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/6/2022 của Bộ LĐTBXH hướng dẫn một số nội dung thực hiện công tác hỗ trợ việc làm thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó phục vụ công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ kết nối việc làm, tạo điều kiện giúp người lao động tìm việc làm phù hợp, nâng cao thu nhập.
![]() |
Trên địa bàn xã Yên Định (Sơn Động) có nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả. |
Chị Đàm Thị Luyến, công chức LĐTBXH xã Yên Định (Sơn Động) chia sẻ: “Khi tham gia các lớp tập huấn tôi được củng cố kiến thức, nắm vững hơn về chính sách giảm nghèo. Từ đó, căn cứ tình hình thực tế địa phương tôi có thể đề xuất những giải pháp, mô hình phù hợp, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; tham mưu triển khai các dự án, đề án về giảm nghèo bảo đảm đúng quy định”. Hiện nay trên địa bàn xã Yên Định có nhiều mô hình sản xuất tập trung cho giá trị kinh tế cao, tạo việc làm cho hàng trăm lao động như: Hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp Thiện Lợi trồng rau an toàn; Hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp Yên Sơn sản xuất cây giống lâm nghiệp... Năm 2023, xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 43,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 7,07%, hộ cận nghèo 5,6%.
Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh, Sở LĐTBXH vừa tổ chức xong 10 lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cho khoảng 1,5 nghìn người là lãnh đạo, cán bộ phòng LĐTBXH phụ trách công tác giảm nghèo của 10 huyện, thị xã, TP; đại diện UBND, cán bộ LĐTBXH các xã, phường, thị trấn. Theo ông Nghiêm Xuân Tuấn, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTBXH), từ kiến thức được tập huấn, các đại biểu sẽ truyền đạt, giải đáp thắc mắc, nhắc nhở đội ngũ điều tra viên cơ sở nắm vững chính sách, bám sát quy trình, hạn chế thấp nhất sai sót. Đặc biệt, trong quá trình tập huấn, cán bộ được nhấn mạnh về kỹ năng, nghiệp vụ rà soát; trong đó, không chỉ nghe gia đình cung cấp mà còn quan sát, thậm chí tìm hiểu thêm từ những hộ lân cận để việc điền thông tin vào phiếu phản ánh đúng tình hình của hộ theo các tiêu chí, bảo đảm công bằng, đúng đối tượng. Kết quả điều tra chính xác, khách quan bao nhiêu thì việc đánh giá tình hình địa phương sẽ sát thực tế bấy nhiêu. Từ đó, làm cơ sở để hoạch định chính sách giảm nghèo, nhất là hỗ trợ hộ nghèo theo chiều thiếu hụt bảo đảm hiệu quả.
Từ đầu năm đến nay, Sở LĐTBXH tổ chức kiểm tra việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn 5 huyện. Qua đó kịp thời nhắc nhở các huyện khắc phục những hạn chế trong tổ chức thực hiện và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án để người nghèo sớm được thụ hưởng chính sách. Sở cũng phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức giải báo chí với chủ đề "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" nhằm phản ánh kịp thời các nhân tố mới, điển hình tiên tiến của các địa phương, tập thể, cá nhân, hộ gia đình nổi bật trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đồng thời phổ biến các kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình giảm nghèo hiệu quả để phát huy và nhân rộng, tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng.
Cánh tay nối dài truyền thông chính sách
Cán bộ cơ sở là những người tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, thường xuyên gặp gỡ, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai thực hiện các chương trình, dự án, mô hình cụ thể. Bởi vậy việc tổ chức các lớp tập huấn nhằm trang bị cho cán bộ những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả.
![]() |
Cán bộ LĐTBXH xã Thanh Vân (Hiệp Hòa) và cán bộ thôn Thanh Lay gặp gỡ hộ nghèo trên địa bàn. |
Ông Nguyễn Văn Thu, Trưởng thôn Thanh Lay, xã Thanh Vân (Hiệp Hòa) cho biết: “Muốn tuyên truyền chính sách giảm nghèo đến người dân được tốt thì cán bộ phải nắm vững chính sách. Bởi vậy mỗi khi có chương trình tập huấn tôi đều tích cực tham gia. Qua đó được trang bị thêm nhiều kiến thức liên quan đến công tác giảm nghèo, khi về địa phương có thể triển khai hỗ trợ cho những gia đình khó khăn”.
Nhờ quan tâm, tìm nhiều cách để vận động, tuyên truyền, hỗ trợ người dân thoát nghèo, hiện nay thôn chỉ còn 2 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo. Ông Thu cùng cán bộ thôn luôn quan tâm tư vấn, hướng dẫn người dân thực hiện những mô hình, việc làm phù hợp để cải thiện cuộc sống. Với mỗi gia đình, ông và các đồng chí trong ban lãnh đạo thôn đều đến tận nơi, tìm hiểu kỹ nguyên nhân nghèo để đề xuất hướng hỗ trợ phù hợp. Những hộ đủ điều kiện sẽ được tham gia dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Ngoài ra, còn hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm trong các doanh nghiệp hoặc xuất khẩu lao động.
Theo lãnh đạo Sở LĐTBXH, sau những lớp tập huấn về công tác giảm nghèo, cán bộ cơ sở được trang bị nhiều kiến thức trọng tâm, để tiếp tục cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho người dân. Thời gian tới, Sở và các địa phương tiếp tục mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ ở cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)