Hát đúng lúc, đúng chỗ
BẮC GIANG - Tình trạng người dân hát karaoke tại nhà với âm lượng lớn đã trở thành "cơn ác mộng" đối với nhiều gia đình trên địa bàn thành phố Bắc Giang thời gian qua. Tìm hiểu ở nhiều khu dân cư, các buổi hát karaoke tự phát thường diễn ra vào buổi tối, kéo dài đến tận đêm khuya; thậm chí nếu là thứ Bảy, Chủ nhật diễn ra cả ngày.
Người dân sống trong khu vực này phải chịu đựng âm thanh chát chúa, vượt ngưỡng cho phép từ những chiếc loa kéo công suất lớn phát ra liên tục, làm xáo trộn đời sống sinh hoạt. Nhiều người già, trẻ nhỏ không ngủ đủ giấc, học sinh, sinh viên không thể tập trung học tập.
Không ít đồng nghiệp và bạn tôi chia sẻ: Đi làm cả tuần vốn đã căng thẳng, mệt mỏi, cuối tuần cần được nghỉ ngơi, thư giãn nhưng lại phải hứng chịu những trận "tra tấn âm thanh" từ việc hát karaoke của hàng xóm, kéo dài 4-5 tiếng. Những ca từ, giai điệu nỉ non, đau buồn được cất lên khiến người nghe càng thêm "sầu não". Chạy sang nhắc nhở thì bị họ nói khó nghe, thậm chí xảy ra xô xát.
Khổ nhất là các gia đình sống cạnh cửa hàng, hộ kinh doanh cà phê, giải khát có dịch vụ "hát cho nhau nghe". Có thời điểm đắt hàng, khách hát hầu như cả ngày với âm thanh cực lớn. Nhiều nhà đóng cửa nhưng vẫn không chịu nổi tiếng ồn.
Hành vi hát karaoke không kiểm soát âm thanh không những ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn gây tổn hại về mặt tinh thần đối với người dân, vi phạm quy định về tiếng ồn ở đô thị. Theo nghiên cứu khoa học, tiếng ồn liên tục ở mức cao có thể dẫn đến các vấn đề như căng thẳng, mất ngủ, đau đầu, thậm chí là tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Hơn nữa, từ đây có thể nảy sinh mâu thuẫn giữa những hộ gia đình với nhau.
Karaoke là hình thức giải trí phổ biến, hoạt động văn hóa lành mạnh, nhu cầu chính đáng của mọi người song cần được thực hiện một cách văn minh, có ý thức, tuân thủ pháp luật.
Theo Nghị định 144/2021 của Chính phủ, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Nghị định 45/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Điều 22 quy định về vi phạm tiếng ồn quy định các mức phạt từ cảnh cáo đến mức cao nhất lên tới 160 triệu đồng.
Để giải quyết tình trạng trên, chính quyền, ngành chức năng cần có giải pháp hữu hiệu. Đó là tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến dưới nhiều hình thức như: Gặp gỡ, nhắc nhở , trao đổi trực tiếp, thông qua hệ thống loa truyền thanh để người dân, các hộ kinh doanh dịch vụ hiểu, chấp hành các quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kịp thời nhắc nhở, xử phạt nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức và cách ứng xử, hát đúng lúc, đúng chỗ để mỗi lời ca, tiếng hát mang lại sự thư giãn, niềm vui cho bản thân, không ảnh hưởng tới người xung quanh.
Ý kiến bạn đọc (0)