Bước ngoặt cuộc kháng chiến chống Mỹ
![]() |
Nữ du kích Dầu Tiếng trong những ngày Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968. |
Tình thế mới trên chiến trường
Sau chiến lược chiến tranh đặc biệt thất bại, năm 1966, Mỹ quyết định thay đổi chiến tranh cục bộ, quân Mỹ và đồng minh trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam. Hàng chục vạn quân Mỹ và lính đánh thuê ồ ạt vào Việt Nam, triển khai thực hiện chiến lược hai gọng kìm "Tìm diệt" và "Bình định" với ảo tưởng nhanh chóng giành thắng lợi trong vòng 18 tháng. Bắt đầu từ mùa mưa năm 1965, quân Mỹ gấp rút triển khai chiếm lĩnh những địa bàn chiến lược trọng yếu, thiết lập hệ thống căn cứ quân sự và hậu cần, mở hàng loạt cuộc hành quân lớn, nhỏ, bom đạn, chất độc hóa học được sử dụng ngày càng nhiều, huy động cả máy bay ném bom chiến lược B52 đánh phá vùng giải phóng.
Ở miền Bắc, Mỹ dựng lên sự kiện "Vịnh Bắc Bộ" rồi tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân quy mô ngày càng mở rộng, cường độ ngày càng gia tăng. Đối với hai nước láng giềng của Việt Nam, Mỹ đẩy mạnh "chiến tranh đặc biệt" ở Lào, sử dụng sức ép về quân sự và ngoại giao hòng buộc Chính phủ vương quốc Campuchia từ bỏ thái độ trung lập. Trên trường quốc tế, Mỹ triệt để lợi dụng bất đồng trong phong trào cộng sản quốc tế để cô lập Việt Nam.
![]() |
Nhân dân huyện Châu Thành (Tây Ninh) tải đạn và lương thực ra tiền tuyến (1968). Ảnh tư liệu. |
Có thế thấy rằng, tương quan lực lượng trên chiến trường miền Nam nghiêng hẳn về phía Mỹ-Ngụy. Mỹ đưa sang chiến trường Việt Nam các loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất. Tính đến tháng 12-1967, 480 nghìn quân Mỹ đã có mặt tại chiến trường miền Nam và lên quá nửa triệu quân vào đầu năm 1968, chưa kể hơn 7 vạn quân đồng minh của Mỹ. Số quân Ngụy thuộc quân lực Việt Nam Cộng hòa gần 60 vạn tên. Tại các căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Lan, Nhật Bản, Philipin, Guam có gần 20 vạn quân Mỹ sẵn sàng yểm trợ về không quân, địch có hơn 2.000 máy bay chiến đấu và 3.300 trực thăng các loại... Cũng trong năm 1967, chi phí của nước Mỹ cho chiến tranh Việt Nam lên đến 30 tỷ USD so với 4,7 tỷ USD hai năm 1965 và 1966.
Trước tình thế đó, tháng 10-1967, Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư họp quyết định chuyển hướng tiến công vào các đô thị miền Nam. Tháng 1-1968, Hội nghị lần thứ 14, Ban chấp hành T.Ư (Khóa III) nhận định: Địch bị thất bại một bước rất cơ bản trong chiến lược chiến tranh cục bộ, đang lúng túng, bị động về chiến lược, chiến thuật, do đó, ta phải tranh thủ thời cơ "Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Nhiệm vụ cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định".
Để thực hiện quyết tâm chiến lược của T.Ư Đảng, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư, các chiến trường miền Nam gấp rút bắt tay chuẩn bị lực lượng, xây dựng phương án tác chiến, phương án vận động quần chúng nổi dậy, bảo đảm hậu cần, thông tin liên lạc, chuẩn bị cơ sở giấu, ém lực lượng và bàn đạp, xuất phát tiến công ở vùng ven và trong các đô thị.
Tiến công trên khắp chiến trường miền Nam
Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị: Giờ G nổ súng mở màn cuộc Tổng tiến công là 0 giờ, ngày 31-1-1968, giao thừa theo lịch miền Nam. Đêm 29, rạng sáng 30-1-1968 (đêm giao thừa Tết Mậu Thân theo lịch miền Nam, mồng Một Tết theo lịch miền Bắc), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tiếp tục diễn ra ở khắp các tỉnh, TP, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam từ Sài Gòn - Gia Định, Huế, Đà Nẵng tới Cà Mau. Bộ binh, pháo binh, đặc công, biệt động ta đánh mạnh, đánh trúng các mục tiêu trọng yếu của địch. Trong khí thế sôi sục Tổng tiến công và nổi dậy, Ủy ban toàn quốc Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình miền Nam ra lời kêu gọi quốc dân đồng bào “đứng lên giành chính quyền, giành độc lập, hoà bình, tự do và cuộc sống ấm no”. Lời kêu gọi đó đã thôi thúc mọi tầng lớp nhân dân nổi dậy cùng quân giải phóng xốc tới, tiến công vào hang ổ địch trên khắp miền Nam.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, ta đã đánh vào 4 trong TP lớn, 37 trong 44 thị xã, hàng trăm thị trấn, quận lỵ. Quân giải phóng đã tiến công đồng loạt 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong số 11 Bộ Tư lệnh sư đoàn cùng nhiều trung đoàn, lữ đoàn, chi khu của quân lực Việt Nam Cộng hoà. Quân ta đã tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch, giải phóng thêm 100 xã với 1,6 triệu dân. |
Sài Gòn - Gia Định được Bộ Tổng Tư lệnh xác định là trọng điểm lớn nhất của cuộc tổng tiến công. Để bảo vệ trung tâm đầu não chỉ đạo Bộ máy điều hành chiến tranh tại miền Nam, Mỹ- Nguỵ đã tổ chức một hệ thống phòng thủ vững chắc, nhiều tầng, nhiều lớp với nhiều lực lượng. Theo kế hoạch đúng giờ G, biệt động của ta đồng loạt đánh vào các mục tiêu định sẵn. Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hoà, Bộ Tư lệnh Hải quân, Sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh, Toà Đại sứ Mỹ. Đồng thời với biệt động, các tiểu đoàn mũi nhọn từ các bàn đạp vùng ven nhanh chóng tiến vào nội đô theo các hướng xung quanh Sài Gòn, các căn cứ quân sự, trụ sở của chính quyền Sài Gòn ở Biên Hoà, Bình Dương, Long An... cũng bị tiến công tại Huế, hầu hết các cơ quan đầu não của địch bị ta đánh chiếm, thiết lập chính quyền cách mạng, làm chủ thành phố 25 ngày đêm.
Bị tiến công đồng loạt và bất ngờ, địch choáng váng phải dồn về mặt trận đô thị, bỏ ngỏ vùng nông thôn. Nắm thời cơ, lực lượng vũ trang tại chỗ hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giải phóng nhiều vùng rộng lớn. Tiếp sau đó, ta mở đợt tiến công mùa hè (5-1968) và mùa thu (8-1968). Hai đợt tiến công này tiếp tục giáng một đòn mạnh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.
Mỹ phải đơn phương xuống thang chiến tranh
Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ta đã giáng một đòn mạnh, làm kẻ thù choáng váng. Những phần tử hiếu chiến nhất nước Mỹ phải chùn tay, nhân dân Mỹ phản đối chiến tranh ngày càng mạnh mẽ, nhân loại tiến bộ nhiệt thành ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của Việt Nam. Cuối tháng 2-1968, Tướng Westmoreland, Tổng chỉ huy quân Mỹ ở Việt Nam bị cách chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mac Namara từ chức. Sau 2 tháng, ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Johnson phải tuyên bố: Đơn phương ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pari, không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai.
![]() |
Quân giải phóng tấn công sân bay Tân Sơn Nhất trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. |
Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân diễn ra trong bối cảnh nỗ lực xâm lược của Mỹ ở Việt Nam lên đến đỉnh cao, lực lượng trên chiến trường nghiêng hẳn về phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Quân và dân ta đã đánh đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải đơn phương xuống thang chiến tranh, khởi đầu cho quá trình đi xuống về mặt chiến lược.
Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, ta đã tiêu hao một lực lượng quan trọng quân địch, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh, phá vỡ hệ thống phòng thủ đô thị của chúng trên quy mô toàn miền tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 là một biểu hiện sáng ngời về ý chí, sức mạnh quật cường của dân tộc ta, là kết quả của tính độc lập, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta.
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ Xuân Mậu Thân 1968, biết bao đổi thay đã diễn ra nhưng giá trị lịch sử, những chiến công và hy sinh to lớn của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vẫn khắc sâu trong trái tim những người con của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân thể hiện sức mạnh vô song của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đó là khát vọng “không có gì quý hơn độc lập tự do”, là niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo...
Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vào thời điểm đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt, song còn phải đối mặt với bao thách thức thì tinh thần độc lập sáng tạo, ý chí quyết chiến quyết thắng ấy cần được phát huy để nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn thử thách để phát triển đất nước toàn diện.
Nguyễn Hồng Phương
Ý kiến bạn đọc (0)