Doanh nghiệp dựng “lá chắn” phòng hỏa hoạn
BẮC GIANG - Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng sản xuất kéo theo nhu cầu sử dụng điện gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Để đề phòng hỏa hoạn, hạn chế thiệt hại do cháy, nổ gây ra, việc xây dựng, duy trì hiệu quả lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở với phương châm “4 tại chỗ” là rất quan trọng và cần thiết.
Chỉ trong mấy ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy là kho của hai doanh nghiệp. Điển hình như sáng 11/5, tại kho chứa hàng khoảng 400 m2 (chủ yếu là đồ gốm sứ đựng trong hộp giấy) của bà Hoàng Thị Thu Hương, tổ dân phố Giáp Tiêu, phường Dĩnh Kế (thành phố Bắc Giang) xảy ra cháy, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
![]() |
Đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở của Công ty trách nhiệm hữu hạn Umec Việt Nam tổ chức diễn tập phương án chữa cháy. |
Thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ cháy, nổ gây thiệt hại hơn 2,2 tỷ đồng, trong đó có 3 vụ tại doanh nghiệp. Việc phát hiện, xử lý sự cố cháy, nổ ngay từ khi phát hiện của đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở tại doanh nghiệp là rất quan trọng; góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản. Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Người đứng đầu doanh nghiệp có trách nhiệm thành lập đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và trực tiếp duy trì hoạt động theo chế độ chuyên trách hoặc không chuyên trách.
Toàn tỉnh hiện có 27.800 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy; trong đó có 8.905 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp đã thành lập đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở với 44.341 đội viên. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, phần lớn các doanh nghiệp đã có ý thức chấp hành quy định về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Thành lập đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở với đủ số đội viên theo quy định nhất là tại khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. Chủ động xây dựng phương án “4 tại chỗ” và có tổ chức diễn tập định kỳ.
Toàn tỉnh hiện có 27.800 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy; trong đó có 8.905 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp đã thành lập đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở với 44.341 đội viên. |
Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất TMVI ở phường Xương Giang (thành phố Bắc Giang) hiện có hơn 2.400 công nhân, nhân viên. Bà Lê Thị Hạnh, Giám đốc sản xuất chia sẻ: “Sự cố cháy xảy ra năm 2022 là bài học đắt giá đối với tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân công ty. Sau sự cố đó, công ty đã xem xét kiện toàn lại đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở với 60 thành viên; tổ chức thực hiện các phương án diễn tập để nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý cháy nổ. Duy trì đoàn kiểm tra nội bộ, yêu cầu công nhân chấp hành quy định, quản lý nguồn điện, nguồn nhiệt hiệu quả. Đội thường xuyên phân công cán bộ trực kiểm tra hệ thống điện, thiết bị chữa cháy; hướng dẫn kiến thức phòng cháy cho công nhân”.
Không chỉ cử cán bộ, công nhân tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do Công an tỉnh tổ chức, các doanh nghiệp cũng thường xuyên tự tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn để nâng cao năng lực xử lý sự cố cho lực lượng tại chỗ; bố trí người phụ trách trực tiếp, đồng thời đầu tư thiết bị tương đối đầy đủ và đồng bộ như: Hệ thống báo cháy tự động, bình chữa cháy, họng nước chữa cháy trong và ngoài nhà xưởng...
Điển hình như Công ty trách nhiệm hữu hạn Umec Việt Nam ở Khu công nghiệp Quang Châu (thị xã Việt Yên), ngay từ khi mới đi vào hoạt động (năm 2009), công ty đã thành lập đội phòng cháy chữa cháy với 28 đội viên được lựa chọn kỹ lưỡng trong số hơn 500 cán bộ, nhân viên. Đây đều là những người có sức khỏe, có trách nhiệm trong công việc, nhiệt tình với hoạt động chung và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. “Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện nên đơn vị hiểu việc bảo đảm an toàn phòng cháy là rất cần thiết. Bởi vậy, mỗi năm, ngoài việc bổ sung hàng trăm triệu đồng cho hệ thống trang thiết bị phòng cháy, công ty còn tổ chức 2 đợt diễn tập lớn”- bà Phạm Thị Chung, Trưởng phòng EHS thông tin.
Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp lơ là trong việc kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ trang thiết bị dẫn đến nguy cơ thiết bị không hoạt động hiệu quả khi có sự cố. Việc thực hiện công tác phòng cháy còn đối phó; chưa quan tâm đúng mức đến công tác huấn luyện, kiểm tra thiết bị và diễn tập thực tế. Ngoài ra, người phụ trách công tác phòng cháy, chữa cháy ở nhiều doanh nghiệp vẫn là kiêm nhiệm, không có chuyên môn sâu, thiếu thực tế... dẫn đến việc tham mưu, tổ chức triển khai còn hạn chế.
Việc kiểm tra, bảo trì hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy chưa được thực hiện định kỳ, có nơi chưa đầu tư đầy đủ phương tiện chữa cháy. Từ năm 2024 đến nay, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã kiểm tra 2.157 lượt cơ sở, qua đó xử phạt 71 trường hợp với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: Không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống phương tiện phòng cháy và chữa cháy định kỳ; không kiểm tra hệ thống chống sét; không niêm yết biển cấm tại khu vực, nơi nguy hiểm theo quy định của pháp luật.
Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) nhấn mạnh, yếu tố then chốt trong bảo đảm an toàn phòng cháy ở doanh nghiệp chính là nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu. Trước tiên phải thành lập đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở đúng quy định, bố trí đủ nhân lực. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ định kỳ để nâng cao kỹ năng xử lý tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Đầu tư đầy đủ hệ thống và trang thiết bị bảo đảm hoạt động tốt như: Hệ thống báo cháy tự động, bình chữa cháy, họng nước chữa cháy, đèn thoát hiểm, lối thoát nạn...
Mỗi doanh nghiệp tự xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để nâng cao khả năng xử lý tại cơ sở, từ khi mới phát sinh cháy. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các thiết bị. Sẵn sàng hoạt động với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ).
Ý kiến bạn đọc (0)