Thu hồi vũ khí, vật liệu nổ: Hội cựu chiến binh là nòng cốt
BẮC GIANG - Triển khai Đề án 01 về “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội viên cựu chiến binh tỉnh Bắc Giang trong hoạt động tự quản bảo đảm an ninh trật tự từ cơ sở giai đoạn 2022-2025”, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã tích cực thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, ngăn chặn tội phạm trên địa bàn.
Tình trạng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép để giải quyết mâu thuẫn hoặc thực hiện hành vi phạm tội có diễn biến phức tạp. Đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, thói quen lưu giữ vũ khí tự chế để săn bắn hoặc phòng thân vẫn còn phổ biến. Là những người đã kinh qua quân đội, có hiểu biết về vũ khí, vật liệu nổ, các cựu chiến binh nắm được tính năng cũng như sự nguy hại của những vật dụng này, vì vậy, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng đặc biệt là công an triển khai Đề án 01.
![]() |
Nhiều vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo được Hội Cựu chiến binh xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang thu hồi. |
Đại tá Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là vận động người dân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, tránh để chúng rơi vào tay kẻ xấu. Đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của những người lính đã từng cầm súng bảo vệ Tổ quốc”. Qua thực tế triển khai thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Hội Cựu chiến binh các cấp đã áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt. Đơn cử như Hội Cựu chiến binh huyện Sơn Động, thay vì chỉ dựa vào biện pháp hành chính, các cựu chiến binh đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, trò chuyện thân tình để thuyết phục người dân giao nộp.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Thanh Hương, xã Long Sơn chia sẻ: “Là người trong thôn nên chúng tôi nắm rõ nhà ai lưu giữ súng tự chế phục vụ săn bắn. Vì vậy, Chi hội đã tổ chức đến từng nhà giải thích rõ hậu quả của việc tàng trữ vũ khí. Nhờ đó, trong 3 năm qua, các hộ đã giao nộp 11 súng tự chế, 16 kíp nổ”. Cùng với gặp gỡ, trao đổi trực tiếp, những hộ nghi ngờ còn lưu giữ các loại vũ khí, vật liệu nổ, Hội Cựu chiến binh xã Dương Hưu đã tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhất là trên hệ thống loa truyền thanh ở các thôn, lập các trang, nhóm zalo, facebook, tiktok kết nối các hộ dân trên địa bàn để tuyên truyền. Từ năm 2023 đến nay, người dân trong xã đã giao nộp 27 khẩu súng, 2 nòng súng, 8 quả pháo.
Để khuyến khích người dân tự nguyện giao nộp, mỗi khẩu súng tự chế được Hội Cựu chiến binh huyện Sơn Động hỗ trợ 500 nghìn đồng, mỗi viên đạn 20 nghìn đồng, mỗi quả lựu đạn 200 nghìn đồng (nguồn kinh phí trao thưởng được trích từ quỹ hội ở cơ sở)... Cùng với đó, người dân không bị truy cứu trách nhiệm nếu tự nguyện giao nộp. Chính sách này xóa bỏ tâm lý e ngại, tạo niềm tin để người dân hợp tác. Bên cạnh đó, Hội Cựu chiến binh huyện còn phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quân sự và nông dân để tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, pano, áp phích, tờ rơi. Đặc biệt, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ có hiệu lực từ 1/1/2025 đã được tóm lược đơn giản, tích cực tuyên truyền giúp người dân dễ hiểu và chấp hành.
Đối với Hội Cựu chiến binh huyện Lạng Giang, một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao là thông qua các mô hình dân vận khéo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tổ tự quản trong hội cựu chiến binh các cấp để tuyên truyền những nội dung về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đến người dân, nhất là các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Hội Cựu chiến binh các xã, thị trấn đã thành lập "điểm tiếp nhận" ngay tại địa phương giúp người dân dễ dàng báo tin hoặc đến giao nộp.
Ông Trần Văn Ngọc (sinh năm 1975) tổ dân phố số 3, thị trấn Kép cho biết: “Trước đây, do thói quen nên tôi lưu giữ và sử dụng một số vũ khí tự chế để săn bắn. Sau khi được các bác cựu chiến binh đến vận động, giải thích rõ việc chấp hành nghiêm Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ nên tôi đã hiểu và mang đến điểm giao nộp toàn bộ súng, đạn tự chế”. Trong thời gian qua, các cấp hội cựu chiến binh huyện Lạng Giang đã vận động thu hồi được 106 khẩu súng tự chế các loại; 68 lựu đạn; 7.934 viên đạn, 87 quả pháo; 43 kíp nổ và liều phóng. Số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ này được bàn giao cho Công an huyện, Ban Chỉ huy quân sự huyện để xử lý, tiêu hủy theo đúng quy định.
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động hàng nghìn vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo được người dân tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng. Kết quả từ khi thực hiện Đề án 01 đến nay, toàn tỉnh đã thu hồi 3,5 kg thuốc nổ, 120 nụ xòe, 15 kíp mìn, 530 pháo nổ, 19,5 mét pháo, gần 1 nghìn súng các loại, 16.944 viên đạn, 1 đạn cối, 1 bom bi, 70 lựu đạn, 82 linh kiện lắp giáp súng, 30 kíp nổ, 1.556 dao kiếm…
Theo kế hoạch, Hội Cựu chiến binh tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác rà soát, lập danh sách hộ dân còn tàng trữ vũ khí cũng được ưu tiên; phối hợp với lực lượng công an xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. “Chúng tôi tin rằng, với sự đồng lòng của người dân và sự nhiệt huyết của các cựu chiến binh, công tác thu hồi vũ khí sẽ tiếp tục đạt kết quả cao, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn” - Đại tá Nguyễn Đức Thuận khẳng định.
Những hội viên Hội Cựu chiến binh tỉnh đang viết tiếp câu chuyện về tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ” bằng hành động thiết thực. Họ chính là lực lượng nòng cốt, những chiến sĩ tiên phong trong việc vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
Ý kiến bạn đọc (0)