Chuyện về gia đình danh giá có 8 anh em là nhà khoa học nổi tiếng Việt Nam
Nguyễn Lân Cường cùng các anh chị em của mình đã noi gương cha làm nên huyền thoại gia đình khoa bảng, xây dựng một gia đình danh giá, tài hoa bậc nhất Việt Nam.
Nhà khoa học sở hữu "đôi bàn tay vàng" làm nên kỷ lục
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung, em trai của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, lặng người ngồi xem lại những bức ảnh gia đình. Ông không giấu được sự xúc động khi nghĩ đến người anh vừa rời xa cõi tạm.
![]() |
Bảy người con của Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân: Nguyễn Lân Tuất, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Cường, Nguyễn Lân Hùng, Nguyễn Lân Tráng, Nguyễn Lân Việt, Nguyễn Lân Trung |
Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung cho biết, sự ra đi của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường là mất mát lớn đối với gia đình ông. Các thành viên vừa đau xót, vừa tiếc nuối khi Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường phát hiện bệnh quá muộn.
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung, khoảng hơn 3 tháng trước, Giáo sư Nguyễn Lân Việt - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam - nhận thấy ông Cường có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe nên đã thúc ép anh trai đi khám bệnh.
"Các xét nghiệm tầm soát phát hiện anh trai tôi bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Gia đình nghe tin ai cũng buồn. Dẫu vậy, anh Cường vẫn động viên mọi người "không sao đâu", anh còn kể những chuyện vui để gia đình không nghĩ ngợi, lo lắng.
Có lẽ, anh tôi tin tưởng vào khoa học và luôn lạc quan rằng, bệnh tật cũng sẽ qua đi. Chúng tôi rất tiếc khi gia đình mình là gia đình y học mà anh lại phát hiện bệnh ở giai đoạn nguy hiểm quá rồi", Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung tâm sự.
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung, trong số các anh chị em, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường là người sôi nổi nhất. Ông luôn mang lại tiếng cười cho các thành viên trong gia đình và gắn kết anh em trong nhà. Ai cũng yêu mến ông bởi sự vui vẻ và tinh thần lạc quan.
Ngoài 80 tuổi nhưng Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường vẫn phóng xe máy đi làm. Khi con cháu ngỏ lời chở ông đi cho an toàn thì ông "tếu táo" nói "không gì quý hơn độc lập, tự do, tự thân vận động vẫn là vui nhất".
![]() |
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường từng công bố nhiều nghiên cứu giá trị về sọ người, di cốt cổ. |
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường là một nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với ngành nhân chủng học. Ông từng được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao tặng bằng kỷ lục Việt Nam "Người nghiên cứu các di cốt người cổ của Việt Nam nhiều nhất (1.093 cá thể)".
Hàng chục năm đam mê với công việc, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường không ngại nắng gió, mưa sa, lặn lội đến nhiều di tích, vùng miền, hang động để lượm tìm dấu tích người xưa, nhằm phục dựng, bảo tồn các giá trị quá khứ.
Sau những nhọc nhằn trên công trường khảo cổ, những đêm trắng miệt mài trong phòng làm việc, ông lại có những giây phút thăng hoa cùng âm nhạc trong vai trò của một nhạc sĩ. Ở ông, người ta nhìn thấy một nhà khoa học tận tâm, kiên trì, trung thực, chân thành; một nhạc sĩ cháy hết mình với đam mê.
Với Phó Giáo sư Nguyễn Lân Trung nói riêng và giới chuyên môn nói chung, Phó Giáo sư Nguyễn Lân Cường là người có "đôi bàn tay vàng" khi đã tỉ mỉ phục dựng hàng nghìn bộ sọ, di cốt cổ.
Nhiều bộ sọ bị vụn hàng trăm mảnh phải ghép lại để nghiên cứu, nhiều bộ ông mất hàng tháng trời phục dựng nhưng lại phải gỡ ra vì khi ghép đến mảnh ở đỉnh đầu thì không vừa...
![]() |
Từ trái qua phải: Phó Giáo sư Nguyễn Lân Trung, Giáo sư Nguyễn Lân Việt, Tiến sĩ Nguyễn Lân Tráng, nhà khoa học Nguyễn Lân Hùng, Phó Giáo sư Nguyễn Lân Cường, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng |
Công việc khó khăn ấy vẫn được Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường hoàn thành và đóng góp nhiều nghiên cứu giá trị cho khoa học Việt Nam. Các nhà khoa học vì thế đánh giá cao sự tỉ mỉ, nhẫn nại của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường.
"Nhiều nhà khoa học, cán bộ của Viện Khảo cổ học đều công nhận, anh tôi là người xuất sắc trong mảng nghiên cứu hộp sọ, di cốt người cổ. Anh cũng là người phát hiện ra hình thức tượng táng khi nghiên cứu nhục thân hai vị sư tại chùa Đậu và đứng đầu nhóm các nhà khoa học tu bổ hai bức tượng này vào năm 2003…
Gần đây nhất cuốn sách Bộ xương người nói với chúng ta điều gì? của anh đã đoạt giải B Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII năm 2024", Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung kể về niềm say mê khoa học và những đóng góp của anh trai.
Ít tháng trước khi phát hiện căn bệnh hiểm nghèo, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường vẫn lăn lộn ở Di chỉ Vườn Chuối (ở Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) để khai quật hàng trăm bộ hài cốt.
Khu nghĩa địa cổ này tập hợp các mộ táng thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên muộn, Đồng Đậu sớm - khoảng 4.000 năm trước) và Đông Sơn (khoảng 2.000 năm trước). Với những nghiên cứu tại đây, ông kỳ vọng sẽ giải mã lịch sử, chứng minh về sự có mặt từ rất sớm của con người trên khu vực Hà Nội ngày nay.
Phần lớn cuộc đời dành cho khoa học, những phút rảnh rỗi, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường lại phiêu trên những nốt nhạc bay bổng.
Ông Nguyễn Lân Trung chia sẻ, ngày trẻ, anh trai ông nổi tiếng trong giới học sinh Hà thành khi từng là "thủ lĩnh" của dàn hợp xướng Trường phổ thông 3A Lý Thường Kiệt (nay là Trường Trung học phổ thông Việt Đức), sớm có những sáng tác đoạt giải các cuộc thi trong giới học sinh, sinh viên.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung kể, các anh em ông đều có đam mê âm nhạc, nhưng ngoài người anh cả Nguyễn Lân Tuất thì Phó Giáo sư Nguyễn Lân Cường là người sáng tác nhiều nhất.
"Anh tôi được trao tặng 20 giải thưởng quốc gia về âm nhạc và còn giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội. Mấy năm nay, anh tôi vẫn xuất hiện trên nhiều sân khấu của Hà Nội. Điều đó cho thấy, anh là một tâm hồn rất trẻ, rất vui, luôn luôn mang nhiệt huyết, sự tươi tắn, vui vẻ đến cho mọi người", Phó Giáo sư Nguyễn Lân Trung nói.
Phó Giáo sư Nguyễn Lân Trung cũng cho biết, ông có rất nhiều kỷ niệm với người anh của mình. Một trong những kỷ niệm ông không thể nào quên là lần "giải cứu" anh khi bị "mắc kẹt" ngoài biển.
Lần ấy, Phó Giáo sư Nguyễn Lân Cường khai quật một hang động ngoài biển ở Quảng Ninh nhưng không may bị ngã. Ông liền gọi điện cho Phó Giáo sư Nguyễn Lân Trung mà không hề biết rằng em mình khi ấy cũng đang ở Quảng Ninh. Ông Trung liền nhờ mối quan hệ của bạn bè đưa thuyền ra đón anh vào đất liền để đi cấp cứu.
Trên thuyền vào bờ, dù chân bị thương nghiêm trọng (sau này xác định là gãy xương mác) rất đau đớn nhưng Phó Giáo sư Nguyễn Lân Cường vẫn say sưa nói về hang động, về các hiện vật thu thập được… Lúc ấy, Phó Giáo sư Nguyễn Lân Trung vừa thấy thương, lại vừa khâm phục người anh đam mê, hết lòng vì khoa học của mình.
Người con tuyệt vời trong gia đình huyền thoại khoa bảng Việt Nam
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường là người con thứ 4, còn Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung là con thứ 8 của Nhà giáo Nhân dân (NGND) Nguyễn Lân.
Cố Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân, nhà biên soạn từ điển, học giả nổi tiếng của Việt Nam Nguyễn Lân (1906-2003) đã trọn đời cống hiến cho nền giáo dục Việt Nam.
![]() |
Gia đình Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân. |
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân sinh ra trong gia đình nghèo ở huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Sau này khi thi vào trường Bưởi, ông nhận được học bổng toàn phần. Năm 1925, khi còn là học sinh trung học, ông đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên "Cậu bé nhà quê". Ông được xem là người có công lớn trong việc xây dựng bộ môn và khoa tâm lý học, giáo dục học của hệ thống các trường sư phạm ở Việt Nam.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường cùng các anh chị em của mình đã noi gương cha làm nên huyền thoại gia đình khoa bảng, xây dựng một gia đình danh giá, tài hoa bậc nhất Việt Nam. Hiếm gia đình nào có đến 8 người con đều là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học như gia đình của cố Giáo sư Nguyễn Lân.
Phó Giáo sư Nguyễn Lân Trung chia sẻ, có được điều đó, anh em ông luôn kính trọng và biết ơn người cha của mình.
Ông kể: "Cha tôi chưa bao giờ bắt ép các con mà chỉ đưa ra các gợi ý. Ông cũng chưa bao giờ đánh mắng anh em tôi mà chỉ giải thích điều hay lẽ phải. Trong gia đình, các thành viên đoàn kết và noi gương nhau.
Cha tôi mà ngồi vào bàn làm việc thì anh Lân Dũng cũng tự khắc ngồi vào bàn học, anh Lân Dũng học rồi thì đến Lân Cường, Lân Việt, Lân Trung cũng thấy thế mà tự giác không phải nhắc nhở...
Đến thế hệ các con, các cháu chúng tôi cũng vậy. Các thành viên trong nhà luôn động viên nhau, bảo ban nhau học tập, người đi trước nối tiếp làm gương cho người đi sau. Gia đình lớn trở thành tấm gương cho các gia đình nhỏ".
Tám anh em trong gia đình Nguyễn Lân đều trở thành nhà giáo với mong muốn giúp ích cho đời, tích cực tham gia vào các đoàn hội để đem lại những hoạt động thiết thực cho cộng đồng như lời căn dặn của người cha.
Nhiều người không khỏi thán phục khi biết đến thành tích khoa bảng có một không hai của các anh em Phó Giáo sư Nguyễn Lân Cường - Nguyễn Lân Trung và cho rằng, đại gia đình này có bí quyết đặc biệt về giáo dục.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Nguyễn Lân Trung chia sẻ, gia đình của ông cũng bình thường như bao gia đình khác, tinh thần xuyên suốt các thế hệ là luôn đề cao yếu tố gia đình trong giáo dục, tạo ra những tấm gương trong chính gia đình mình, người nọ nhìn người kia, từ những thói quen tốt tạo thành nền nếp tự nhiên.
"Là con út trong nhà nhưng tôi nhìn bố tôi và anh chị tôi để học hỏi. Có những điều bố không cấm cản nhưng khi thấy bố mình không làm, anh mình không làm thì tôi cũng tự khắc tránh", Phó Giáo sư Nguyễn Lân Trung cho hay.
Ông Trung nhớ mãi thời sinh viên theo học ngành sư phạm, mỗi tháng ngoài tiền học bổng, ông được ông Lân Dũng cho 10.000 đồng, ông Lân Cường cho 5.000 đồng. Người em Lân Việt sau này cũng được các anh đùm bọc như thế.
Sự gắn kết, yêu thương tạo thành truyền thống gia đình khiến các anh em ông luôn trân trọng và biết ơn.
"Truyền thống giáo dục trong gia đình tôi không có gì to tát cả, nhưng người trước làm gương cho người sau và người trước có gì thì chia sẻ, trao đổi một cách bình đẳng với người sau", Phó Giáo sư Nguyễn Lân Trung xúc động kể chuyện đại gia đình và đặc biệt là về người anh vừa qua đời với niềm thương nhớ, lẫn tự hào bởi những gì mà anh đã tận hiến cho khoa học và âm nhạc.
Những người con thành đạt của Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân - Tiến sĩ Nguyễn Lân Tuất (đã qua đời), nguyên Chủ nhiệm khoa lý luận và sáng tác của Nhạc viện Novoxibiec - Nga, người Việt đầu tiên được phong tặng Nghệ sĩ Công huân Nga. - Tiến sĩ Nguyễn Tề Chỉnh (đã qua đời), nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. - Giáo sư - Tiến sĩ- Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng, nguyên Giám đốc Trung tâm vi sinh vật học ứng dụng, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X, XI, XII, giảng viên đại học, giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam. - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Cổ sinh địa tầng Việt Nam, Trưởng ban Kiểm tra Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội. - Nhà khoa học Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Các hội sinh học Việt Nam, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội. - Tiến sĩ Nguyễn Lân Tráng, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội. - Tiến sĩ - Nhà giáo Nhân dân, anh hùng lao động Nguyễn Lân Việt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch - Đại học Y Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam. - Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung, nguyên Hiệu Phó Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Pháp thành phố Hà Nội. Các thế hệ thứ 3, thứ 4 của Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân tiếp tục kế thừa được truyền thống của hai thế hệ trước, với nhiều người thành đạt như: Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu quốc hội, Giám đốc Bệnh viện đại học Y Hà Nội; Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn - Chủ nhiệm khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Lưu Ly, Trường Đại học Ngoại ngữ... Tổng cộng, đại gia đình Nguyễn Lân, tính cả dâu rể, đến nay có khoảng 20 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. |
Ý kiến bạn đọc (0)