Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn
Bệnh nhân là Vũ Văn Th (SN 1963) ở xã Đồng Kỳ (Yên Thế) nhập viện trong tình trạng đau các khớp, tứ chi căng cứng, khó vận động, sốt cao, da nổi vân tím, khó đi tiểu.
Hiện bệnh nhân đang được điều trị tích cực, tuy nhiên sức khỏe vẫn diễn biến phức tạp. Đây là ca bệnh hiếm gặp, hằng năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận trung bình từ 4-5 trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
|
Đây là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền từ động vật sang người (chủ yếu từ lợn) do vi khuẩn Streptococcus suis gây nên nhiễm trùng huyết ở người. Bệnh thường có biểu hiện viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, suy hô hấp với diễn biến nhanh, nặng nề và để lại nhiều di chứng như: Giảm thính lực, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm khớp, liệt nửa người. Tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 20% các trường hợp nhiễm khuẩn.
Qua tìm hiểu, liên cầu khuẩn có thể lây truyền sang người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương, trầy xước trên da của những người chăm sóc, giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn ốm hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Phân, các loại thức ăn và nước trong chuồng nuôi lợn có thể trở thành nguồn lây thứ cấp.
Theo các bác sĩ, tiếp xúc với thực phẩm hoặc gia súc mang mầm bệnh là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh liên cầu khuẩn ở người. Người dân có thể chủ động phòng tránh bằng cách ăn chín, uống sôi (tuyệt đối không ăn tiết canh), không sử dụng thực phẩm từ gia súc, gia cầm bị ốm, chết, nhất là thịt lợn có màu đỏ khác thường như xuất huyết, phù nề.
Người giết mổ gia súc, gia cầm cần có các phương tiện bảo hộ đầy đủ, xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh. Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không để bệnh tiến triển nặng gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tin, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)