Bảo đảm tiêu chuẩn đo lường cho hàng đóng gói sẵn
Toàn tỉnh có hàng chục nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trong đó chủ yếu là hàng đóng gói sẵn. Vừa mua hàng xong tại siêu thị Winmart, chị Đặng Thị Huyền, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) nói: “Tôi thường mua nhiều mặt hàng đóng gói sẵn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho gia đình song chủ yếu quan tâm tới nguồn gốc xuất xứ, thành phần, hạn sử dụng của sản phẩm, ít để ý tới trọng lượng thực tế giống hay khác so với định lượng ghi bên ngoài bao bì”. Đó cũng là tâm lý chung của đại đa số người tiêu dùng.
![]() |
Người dân mua sản phẩm là hàng đóng gói sẵn tại cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị Winmart, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang). |
Để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chân chính, nâng cao công tác quản lý nhà nước, Sở Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo, hướng dẫn Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn trên địa bàn.
Năm 2022, Chi cục phối hợp kiểm tra 24 cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn trên địa bàn 9 huyện, TP (trừ huyện Sơn Động). Cơ quan chức năng định lượng 51 lô hàng bằng phương tiện đo đã được kiểm định hiệu chuẩn. Kết quả, 38 lô hàng của 16 đơn vị đạt yêu cầu; 13 lô hàng của 8 đơn vị không đạt. Các lỗi liên quan đến cách thức ghi lượng không đúng mẫu, chiều cao tối thiểu của số và chữ sai quy cách, chưa xuất trình được giấy chứng nhận kiểm định một số phương tiện đo đang sử dụng, chênh lệch nhỏ giữa trọng lượng thực tế với trọng lượng ghi trên bao bì. Một số vi phạm khác như nhãn hàng hóa thiếu thông tin xuất xứ, cảnh báo; chưa duy trì đóng phí sử dụng mã vạch.
Những lô hàng vi phạm này nếu được lưu thông trên thị trường sẽ vi phạm các quy định về đo lường, ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng và các doanh nghiệp đo đúng đếm đủ. Căn cứ kết quả kiểm tra, Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng đã yêu cầu 8 đơn vị vi phạm tạm dừng lưu hành sản phẩm, nhanh chóng khắc phục hậu quả.
![]() |
Dây chuyền đóng gói xúc xích của HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh, xã Danh Thắng (Hiệp Hoà). Ảnh: SỸ QUYẾT. |
Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng, nguyên nhân của các vi phạm trên là do một số cơ sở chưa kiểm soát tốt quy trình đóng gói sản phẩm; hoạt động bảo đảm đo lường có thời điểm chưa được chú trọng; sử dụng phương tiện đo phạm vi lớn để định lượng hàng hóa khối lượng nhỏ; chưa chủ động, thường xuyên tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Trên thực tế, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn lớn, trong khi việc kiểm tra theo định kỳ, các đơn vị được kiểm tra còn khiêm tốn. Vì thế, Sở Khoa học và Công nghệ xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước nhằm ngăn ngừa vi phạm ngay từ đầu.
Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục khảo sát, vận động nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình bảo đảm về đo lường để được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là những đơn vị sản xuất mặt hàng chủ lực của địa phương. |
Thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh, năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ một số doanh nghiệp thuê đơn vị khảo sát, tư vấn, xây dựng kế hoạch bảo đảm hoạt động về đo lường (đào tạo nhân lực, chuẩn bị cơ sở vật chất, chuẩn hóa quy trình đóng gói…).
Đầu năm 2023, Công ty TNHH Nấm dược liệu ADENCO ở xã Dương Đức (Lạng Giang) đã đăng ký tham gia chương trình bảo đảm về đo lường. Tới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục khảo sát và vận động những doanh nghiệp khác tham gia để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, nhất là những đơn vị sản xuất mặt hàng chủ lực.
Ông Triệu Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “Để thực hiện có hiệu quả đề án cần có nhiều cơ chế, chính sách hơn nữa tạo thuận lợi cho hoạt động đo lường; tăng cường phát triển hạ tầng đo lường của tỉnh. Mặt khác, cần có sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cơ quan thẩm quyền, sự phối hợp tích cực từ các tổ chức kiểm định. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật; đề xuất, kiến nghị những bất cập về tiêu chuẩn đo lường để được hướng dẫn, giải đáp kịp thời".
Bài, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)