Bắc Giang: Tạo nguồn đảng viên ở chi bộ thôn, tổ dân phố
Chắc từ khâu nắm nguồn
Tốt nghiệp đại học y, Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1997) ở thôn Lãn Tranh 3, xã Liên Chung (Tân Yên) đang học việc tại một đơn vị y tế trong tỉnh. Tại địa phương, Huyền tích cực tham gia các phong trào Đoàn. Sau một thời gian rèn luyện, phấn đấu, đầu tháng 8/2022, Huyền vinh dự được kết nạp Đảng tại nơi cư trú.
Bí thư Chi bộ thôn Lãn Tranh 3, xã Liên Chung (Tân Yên) trao Quyết định kết nạp cho đảng viên mới. |
Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Bí thư Chi bộ thôn Lãn Tranh 3 cho biết: “Chi bộ có 17 đảng viên, trong đó 7 đồng chí được miễn sinh hoạt, số còn lại cơ bản là đảng viên cao tuổi.
Phát triển thêm đảng viên trẻ không chỉ bổ sung về đội ngũ mà còn giúp Chi bộ có thêm sức mạnh để lãnh đạo, triển khai các nhiệm vụ ở địa phương. Hai năm gần đây, nhờ thực hiện tốt công tác rà soát nguồn kết hợp với mạnh dạn giao nhiệm vụ cho quần chúng ưu tú, Chi bộ đều bảo đảm được chỉ tiêu kết nạp đảng viên”.
Thời điểm này, Đảng bộ xã Yên Sơn (Lục Nam) đã phát triển được 4/7 đảng viên mới. Đảng bộ xã có 18 chi bộ, trong đó có 13 chi bộ nông nghiệp. Để có nguồn, Đảng ủy chỉ đạo các chi bộ rà soát, lập danh sách theo dõi, bồi dưỡng, tập trung vào đối tượng là đội ngũ cán bộ cốt cán ở các thôn, bộ đội hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Qua đó một số chi bộ đã phát hiện những quần chúng có ý thức trách nhiệm, nhiệt huyết với công việc và tạo điều kiện để rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên. Đơn cử như Chi bộ thôn Mười Bẩy đã kết nạp được 1 đồng chí là Bí thư Chi đoàn.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tính đến hết tháng 6/2022, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp 831 quần chúng ưu tú vào Đảng, đạt hơn 46% kế hoạch đề ra. Trong đó có 264/356 đảng bộ cơ sở phát triển được đảng viên mới. Trong số này, ở khu vực nông thôn (bao gồm cả người làm nông, lâm, ngư nghiệp; người hoạt động không chuyên trách thôn, bản, tổ dân phố và cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn) có 268 đồng chí.
Trên bình diện chung, công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn, khu dân cư vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu hụt về nguồn phát triển Đảng tại chỗ. Các thôn, tổ dân phố thưa vắng đoàn viên thanh niên vì lực lượng này đi học, đi làm ở xa, số ở lại phần nhiều công việc không ổn định, động cơ phấn đấu chưa tích cực.
Hằng năm, đảng bộ các xã, phường, thị trấn dù hoàn thành kế hoạch kết nạp đảng viên nhưng đa phần từ các chi bộ nhà trường, cơ quan, số đảng viên được kết nạp tại các chi bộ nông nghiệp còn khiêm tốn.
Ngay như Chi bộ Tổ dân phố Tiền Giang, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) có 55 đảng viên, miễn sinh hoạt 23 đồng chí, tuổi đời bình quân đều ngoài 55 tuổi. Hai năm gần đây, Chi bộ không tạo được nguồn kết nạp. Nguyên nhân chính là lực lượng đoàn viên thanh niên cơ bản đều đi học, đi làm xa, số ít là buôn bán, kinh doanh tự do dù được tuyên truyền, giác ngộ nhưng ý thức phấn đấu còn hạn chế.
Tháo gỡ khó khăn
Làm sao để tháo gỡ khó khăn trong phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn? Thực tiễn cho thấy, để khắc phục khó khăn trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên, tùy đặc điểm tình hình từng địa phương, một số huyện ủy, thành ủy đã có nhiều cách làm như: Chỉ đạo cấp ủy cơ sở coi công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới ở chi bộ thôn là nhiệm vụ trọng tâm.
Tập trung phát hiện, bồi dưỡng quần chúng từ nguồn ban chấp hành các đoàn thể thôn, khu phố, nhất là ban chấp hành chi đoàn thanh niên, bộ đội xuất ngũ; quan tâm tuyên truyền, giác ngộ với các trường hợp là sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng chưa đi làm. Một số nơi linh hoạt trong tổ chức lớp học nhận thức về Đảng, bồi dưỡng lý luận chính trị vào ngày Chủ nhật để không ảnh hưởng đến thời gian làm việc của người lao động...
Đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Lạng Giang chia sẻ: “Nội dung phát triển đảng viên mới được Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên đôn đốc thông qua các cuộc họp giao ban hằng tháng, quý. Năm 2021, qua rà soát, Đảng bộ huyện có 106 chi bộ có từ 3 năm trở lên chưa kết nạp được đảng viên mới. Để khắc phục, Ban Tổ chức Huyện ủy thành lập các đoàn công tác trực tiếp làm việc với cấp ủy cơ sở và các chi bộ.
Để làm tốt công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn hiện nay đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ. Nhiều ý kiến cho rằng, các tổ chức cơ sở đảng cần chú trọng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cấp ủy cơ sở, nhất là người đứng đầu cấp ủy về công tác phát triển đảng. Bên cạnh đó, giải pháp bền vững, lâu dài là đẩy mạnh phát triển KT-XH, tạo việc làm ổn định "giữ chân" người lao động, tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên yên tâm ở lại địa phương. Các cấp ủy cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, nâng cao tính chiến đấu, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. |
Chỉ đạo các chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên sâu về nội dung này, từ đó chủ động xác định đối tượng kết nạp Đảng, có kế hoạch bồi dưỡng, giáo dục trước khi giới thiệu cho tổ chức xem xét quyết định. Hằng tháng, các đảng viên được phân công theo dõi, giúp đỡ báo cáo kết quả phấn đấu của quần chúng tại kỳ sinh hoạt của chi bộ”.
Từ sự chỉ đạo sát sao đó, sau hơn một năm thực hiện đã có 62/106 chi bộ tạo được nguồn và kết nạp được ít nhất một đảng viên mới. Điển hình như chi bộ các thôn: Biếc (xã Đại Lâm); Bằng (xã Nghĩa Hòa); Đông Thắm ( xã Đào Mỹ).
Đề cập đến vấn đề kết nạp đảng viên ở nông thôn, đồng chí Vũ Mạnh Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Canh Nậu (Yên Thế) bày tỏ đây là khó khăn chung của rất nhiều địa phương, tuy vậy không phải không có cách tháo gỡ.
Đảng ủy xã Canh Nậu có cách làm riêng đó là ngoài nắm chắc nguồn để cử đi học các lớp nhận thức về Đảng, với những quần chúng ưu tú vì lý do nào đó còn e ngại, chưa tự tin, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã sẽ trực tiếp gặp gỡ để lắng nghe tâm tư, đồng thời tuyên truyền, giải đáp những băn khoăn.
Đến thời điểm này, Đảng bộ xã đã kết nạp được 6/8 đảng viên, dự kiến từ nay đến cuối năm có thêm 4 quần chúng ưu tú được xem xét giới thiệu kết nạp vào Đảng. Trong số này đều là những đảng viên đang tham gia cấp phó các tổ chức hội, đoàn thể ở các thôn”.
Thực tiễn cho thấy, để làm tốt công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn hiện nay đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ. Nhiều ý kiến cho rằng, các tổ chức cơ sở đảng cần chú trọng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cấp ủy cơ sở, nhất là người đứng đầu cấp ủy về công tác phát triển đảng.
Bên cạnh đó, giải pháp bền vững, lâu dài là đẩy mạnh phát triển KT-XH, tạo việc làm ổn định "giữ chân" người lao động, tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên yên tâm ở lại địa phương. Các cấp ủy cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, nâng cao tính chiến đấu, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Bài, ảnh: Tuệ An
Ý kiến bạn đọc (0)