Bắc Giang: Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, BHXH
Gia tăng chi phí KCB
Bắc Giang hiện có 55 cơ sở KCB BHYT. Đến tháng 6/2023, toàn tỉnh giám định và thanh toán chi phí KCB cho hơn 1,9 triệu lượt người, tăng 495 nghìn lượt, thanh toán chi phí với số tiền 933 tỷ đồng, tăng 169 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Đến thời điểm này, Chính phủ chưa giao dự toán chi phí KCB BHYT năm 2023 cho các tỉnh, TP. Tuy nhiên, căn cứ vào số thu BHYT và số chi cho thấy Bắc Giang đã vượt quỹ. Dự báo đến hết năm 2023, quỹ tiếp tục bội chi.
Người dân có thẻ BHYT đến khám bệnh tại Phòng khám Đa khoa Khu công nghiệp (xã Hồng Thái, huyện Việt Yên). |
Số lượt người đến khám, điều trị và chi phí KCB tăng ở hầu hết các cơ sở y tế. Một số cơ sở tăng cao như: Bệnh viện Đa khoa Anh Quất có 46 nghìn lượt người dân đến KCB, tăng hơn 23 nghìn người; tổng chi phí KCB BHYT là 14,3 tỷ đồng, tăng hơn 7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Bệnh viện Tâm thần tỉnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Ban Y tế Công an tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Bố Hạ, Trung tâm Y tế các huyện: Lục Nam, Lạng Giang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng có số lượt người đếm khám, điều trị tăng mạnh.
Không chỉ gia tăng chi phí KCB, thời gian gần đây số lượng giấy nghỉ việc hưởng BHXH phát sinh nhiều. Qua phân tích, đối chiếu với cơ sở dữ liệu KCB BHYT cho thấy, các cơ sở KCB đã cấp hơn 32,6 nghìn giấy chứng nhận nghỉ việc, tăng hơn 10 nghìn giấy so với cùng kỳ năm trước. Trong đó hơn 11 nghìn trường hợp (chiếm tỷ lệ 30%) chỉ thực hiện khám, chỉ định cận lâm sàng, cấp giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng BHXH mà không có chỉ định thuốc điều trị.
Nhằm tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, kiểm soát chi phí KCB, kịp thời phát hiện, xử lý, chấn chỉnh việc cấp giấy nghỉ việc hưởng BHXH tràn lan, không căn cứ tình trạng bệnh, BHXH tỉnh đã có văn bản gửi Sở Y tế đề nghị chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện các giải pháp khắc phục gia tăng chi phí KCB xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, xử lý sai phạm trong thực hiện cấp giấy chứng nhận nghỉ việc.
Kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm
Những năm gần đây, quỹ BHYT của tỉnh Bắc Giang luôn bội chi (năm 2022 bội chi gần 200 tỷ đồng). Nguyên nhân là do Bắc Giang là tỉnh có dân số đông, hơn 97% người dân có thẻ BHYT, là tỉnh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ bao phủ BHYT. Đời sống được cải thiện, người dân từ khu vực trung tâm đến miền núi, vùng cao đã quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe. Số cơ sở KCB BHYT tăng hằng năm, nhất là ở cơ sở ngoài công lập. Chất lượng dịch vụ tại các cơ sở ngày càng cải tiến, đầu tư nhiều thiết bị y tế hỗ trợ chẩn đoán, điều trị hiện đại, tuyển dụng nguồn nhân lực có chuyên môn đã thu hút người dân đến KCB, làm gia tăng chi phí KCB BHYT.
Tháng 6/2023, Bộ Y tế ban hành Công văn số 3728/BYT-BH trong đó giao sở y tế các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về BHYT, khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; nâng cao chất lượng KCB, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ BHYT. |
Gần nửa đầu năm 2022 là thời điểm tỉnh Bắc Giang bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân đến KCB thông thường tại các cơ sở KCB không lớn. Năm nay, hoạt động KCB trong toàn tỉnh trở lại bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thời, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết, đơn vị đã tiếp nhận hơn 9,5 nghìn lượt người đến KCB, tăng 4,2 nghìn lượt so với cùng kỳ năm trước. Số bệnh nhân có thẻ BHYT đến với đơn vị tăng kéo theo chi phí KCB tăng theo.
Ban Giám đốc thường xuyên yêu cầu lãnh đạo các khoa, phòng rà soát, thực hiện nghiêm quy trình KCB, bác sĩ không lạm dụng chỉ định xét nghiệm, phục hồi chức năng, dùng thuốc mà không phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Tuy vậy, thời gian gần đây, một số cơ sở KCB cấp giấy ra viện, giấy nghỉ việc hưởng BHXH cho người bệnh không đúng quy định, thiếu thông tin như: Trên giấy ra viện không ký tên và đóng dấu phần thủ trưởng đơn vị; trường hợp con ốm không ghi đầy đủ họ tên của cha mẹ; phần chẩn đoán đối với với trường hợp đình chỉ thai nghén không ghi rõ nguyên nhân…
Ngay khi nắm tình hình, Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn phân tích, xác định nguyên nhân làm gia tăng chi phí KCB BHYT. Xây dựng và hoàn thiện các quy trình KCB, quy định cụ thể tiêu chuẩn nhập viện điều trị nội trú, chỉ định thực hiện các xét nghiệm, thủ thuật, y học cổ truyền, phục hồi chức năng, thuốc hợp lý, phù hợp với diễn biến sức khỏe của người bệnh.
Theo ông Bùi Thế Bừng, Phó Giám đốc Sở Y tế, đơn vị nghiêm cấm các cơ sở KCB tách làm nhiều đợt điều trị đối với một người bệnh; không thu dung người bệnh nhẹ có thể điều trị ngoại trú.Đối với các đơn vị cấp giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH chưa đúng, Sở Y tế yêu cầu phối hợp với BHXH và người bệnh cấp lại, bảo đảm quyền lợi hưởng chế độ BHXH theo quy định.
Mục tiêu nhân văn mà chính sách BHXH, BHYT hướng tới là nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ gánh nặng tài chính khi người dân ốm đau, bệnh tật, tai nạn, rủi ro… Quốc hội, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đã ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn nêu rõ cơ chế quản lý, sử dụng, các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ, ngăn ngừa hành vi cấp giấy nghỉ việc hưởng BHXH tràn lan, lạm dụng, trục lợi chính sách, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị BHXH tỉnh chỉ đạo phòng chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ sở KCB BHYT thực hiện đúng quy định.
Kịp thời phát hiện những “khoảng trống” trong cơ chế, chính sách để đề nghị với cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế. Tăng cường phối hợp với Sở Y tế trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và đề xuất biện pháp xử lý vi phạm theo quy định pháp luật. Đối với BHXH tỉnh, đơn vị quan tâm kiện toàn đội ngũ giám định viên và các tổ nghiệp vụ chịu trách nhiệm thẩm định, thanh quyết toán chi phí, kiên quyết từ chối những đề nghị các khoản chi không hợp lý.
Bài, ảnh: Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)