Bắc Giang: Phát triển KT-XH bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chính sách hướng về vùng DTTS
Giai đoạn 2014-2019, Bắc Giang triển khai thực hiện hơn 63 chính sách của T.Ư và địa phương, trong đó chính sách do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 10 nhóm với tổng nguồn lực gần 10 nghìn tỷ đồng, bao phủ toàn diện trên các lĩnh vực KT-XH, cơ sở hạ tầng, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm an sinh xã hội.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vi Thanh Quyền tặng Giấy khen cho học sinh DTTS tiêu biểu năm 2020. |
Đáng chú ý là Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) và các xã ATK với tổng số vốn 454 tỷ đồng; Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững với huyện nghèo Sơn Động hơn 150 tỷ đồng; Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS theo Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức nước ngoài viện trợ cho 42 chương trình, dự án với tổng kinh phí tiếp nhận hơn 781 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới (NTM); các chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế, cho vay tín dụng, hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo và chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho 36 thôn, bản ĐBKK nhất tỉnh...
Thông qua thực hiện các chính sách, cùng sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền và người dân, diện mạo vùng DTTS và miền núi của Bắc Giang có nhiều chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng KT-XH được tăng cường đầu tư xây dựng, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc giảm bình quân 5,2%/năm, ở các xã ĐBKK giảm bình quân 7,2 %/năm.
Bà con DTTS xã Bảo Sơn (Lục Nam) tích cực trồng dứa, tăng thu nhập. |
Đến cuối năm 2019, Bắc Giang đã có 113/188 xã vùng DTTS và miền núi đạt tiêu chí xã NTM. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng được quan tâm. Ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân điển hình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đang được nhân rộng. Huyện vùng cao Sơn Động, các xã vùng ĐBKK ở huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế... có bước tiến vượt bậc trong công tác giảm nghèo, cơ sở hạ tầng đổi thay rõ nét.
Vùng DTTS và miền núi của Bắc Giang chiếm 72,8% diện tích tự nhiên với gần 26 vạn người DTTS, tương đương 14,26% dân số của tỉnh. Tỉnh có 45 thành phần DTTS, trong đó 7 thành phần dân tộc dân số đông, sống tập trung thành cộng đồng, gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Cao Lan, Sán Chí, Dao, chiếm 97,78% tổng số người DTTS, còn lại 38 thành phần dân tộc khác. Tỉnh có 188 xã miền núi, trong đó 58 xã khu vực I; 90 xã khu vực II và 40 xã khu vực III, với 407 thôn, bản ĐBKK. |
Tuy nhiên, do vùng DTTS và miền núi của tỉnh địa bàn rộng, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, kết quả giảm nghèo thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, khoảng cách giàu - nghèo và chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng DTTS với các vùng khác, giữa các thành phần dân tộc còn khác biệt.
Các dự án, chính sách dân tộc được triển khai thực hiện nhiều năm nhưng mức đầu tư còn thấp, đối tượng nhiều nhưng nguồn vốn phân bổ chưa đáp ứng nhu cầu.
Đơn cử, nguồn vốn Chương trình 135 giảm dần qua các năm, chỉ bằng 70-80% của giai đoạn trước. Các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, y tế, văn hoá - thông tin - thể dục, thể thao còn rất hạn chế. Cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển sản xuất và đời sống nhân dân.
Tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực
Để từng bước khắc phục những khó khăn trên, đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi theo hướng bền vững, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu cho tỉnh, phối hợp các ngành, chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ.
Trong đó chú trọng củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, điều hành của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị về công tác dân tộc; bồi dưỡng kết nạp, phát triển đảng viên là người DTTS. Tiếp tục xây dựng chính sách đặc thù riêng của tỉnh để hỗ trợ hộ DTTS nghèo xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, chính sách giảm nghèo.
Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và mức sống cho người dân, gắn với nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo bền vững; bảo vệ phát triển rừng và môi trường, sinh thái vùng DTTS và miền núi; thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi.
Tăng cường công tác truyền thông, tạo chuyển biến về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quan tâm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và vùng miền gắn với phát triển du lịch. Phát triển toàn diện nguồn nhân lực vùng DTTS; kết hợp chặt chẽ việc đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, quản lý, sắp xếp sử dụng cán bộ là người DTTS.
Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang
Ý kiến bạn đọc (0)