Bắc Giang: Linh hoạt điều chỉnh phương án dạy và học để phòng dịch
Nỗ lực để học sinh được học
Thực hiện phương châm ứng phó linh hoạt với dịch bệnh, không để học sinh ngừng học, Trường Tiểu học Tân Sỏi (Yên Thế) đã trang bị 4 phòng học trực tuyến. Thầy cô, học sinh luôn trong tâm thế sẵn sàng thay đổi phương thức dạy và học. Nhà trường đã thành lập đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng kịch bản dự phòng với tình huống khi xuất hiện F0 hoặc người nghi nhiễm trong lớp học, tổ chức diễn tập cách xử lý.
Tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến tại lớp 4A4, Trường Tiểu học Tân Sỏi (Yên Thế). |
Cô giáo Lê Thu Hường, Hiệu trưởng chia sẻ: “Dịch bệnh tác động làm nhiều kế hoạch của trường phải thay đổi nhưng do có kịch bản trước đó nên thầy và trò không bị động. Trong tháng 11, trường xuất hiện học sinh thuộc diện F0, F1, F2, những ngày đầu học sinh tạm dừng đến trường, các lớp học trực tuyến.
Khi các ca nhiễm được sàng lọc, đưa đi điều trị, các trường hợp liên quan thực hiện cách ly, trường được mở cửa trở lại song vẫn chia 2 ca sáng và chiều để giảm số lượng học sinh tập trung. Giáo viên chủ nhiệm theo dõi sát diễn biến của dịch, phối hợp với phụ huynh thống nhất hình thức dạy và học phù hợp, tạo thuận lợi nhất cho học sinh".
Hiện nay, hơn 90% trường học đã bố trí mỗi khối có ít nhất một phòng học trực tuyến, đầy đủ trang thiết bị như camera, mạng Internet, tivi màn hình lớn. Tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên biết khai thác học liệu điện tử, sử dụng thiết bị trong dạy trực tuyến. |
Cũng tại huyện Yên Thế, Trường THCS Hoàng Hoa Thám có 2 lớp dạy và học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tại lớp 7A2, khoảng nửa tháng nay bên cạnh những học sinh học trực tiếp tại lớp có thêm đường truyền kết nối tới em Nguyễn Ngọc Thuỷ (đang mắc kẹt tại vùng dịch ở tỉnh Hưng Yên).
Giữa tháng 11, em Thuỷ theo gia đình về thăm quê song do dịch bệnh nên chưa thể quay lại trường. Với sự hỗ trợ của công nghệ nên dù học từ xa nhưng Thuỷ vẫn chăm chú nghe giảng, sôi nổi phát biểu, thảo luận cùng các bạn trong lớp.
Tại thị trấn Vôi (Lạng Giang), nơi xuất hiện chùm ca bệnh liên quan đến học sinh Trường THCS thị trấn Vôi số 1, từ ngày 30/11, khu bán trú của nhà trường nhanh chóng chuyển làm khu cách ly tập trung. Tâm lý học sinh nhiễm Covid-19 hoặc đang trong giai đoạn theo dõi sức khoẻ rất khó tập trung vào bài giảng nên giáo viên thường xuyên động viên các em.
Theo cô Bùi Thị Thảo, Hiệu trưởng nhà trường, theo kế hoạch, lịch kiểm tra học kỳ I diễn ra cuối tháng 12. Do đó, dù trong khu cách ly, các thầy cô giáo như Nguyễn Thị Thân, Vũ Minh Sơn, Nguyễn Thanh Xoan hằng ngày vẫn lên lớp dạy học trực tuyến, cố gắng giảng phần kiến thức trọng tâm cho học trò. Có lúc mạng wifi chập chờn nhưng nhà mạng chưa thể khắc phục ngay, thầy cô xoay sang đăng ký dịch vụ 4G, chia sẻ đường truyền kết nối tới học sinh để việc học không bị gián đoạn.
Thi đua vượt khó
Gần 2 năm qua, dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và đặt ra nhiều thách thức với ngành Giáo dục. Nhớ lại thời kỳ đầu, nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh hoang mang, lo lắng, lúng lúng với việc dạy và học trực tuyến. Trong khó khăn chung, ngành giáo dục đã bám sát chỉ đạo của trung ương, của tỉnh và nỗ lực tìm giải pháp khắc phục.
Em Hà Mạnh Trí, học sinh lớp 11 A6, Trường THPT Bố Hạ (Yên Thế) được Đoàn trường vận động nhà hảo tâm tặng điện thoại để học trực tuyến. |
Sự liên kết giữa nhà trường với giáo viên chủ nhiệm và gia đình càng thêm chặt chẽ. Hiện nay, hơn 90% trường học đã bố trí mỗi khối có ít nhất một phòng học trực tuyến, đầy đủ trang thiết bị như camera, mạng Internet, tivi màn hình lớn. Tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên cách khai thác học liệu điện tử, sử dụng thiết bị trong dạy trực tuyến.
Tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), bộ phận thường trực liên tục cập nhật thông tin theo sát diễn biến của dịch bệnh hằng ngày. Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin: “Hiện nay, toàn tỉnh có 47 học sinh là F0 và khoảng 14 nghìn giáo viên, học sinh là F1, F2. 14 trường làm khu cách ly tập trung, 19/760 trường cho học sinh nghỉ học, 23 trường tổ chức học trực tuyến, 129 trường kết hợp trực tiếp với trực tuyến, còn lại dạy và học trực tiếp".
Mới đây, khi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 tại Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt của các nhà trường đã áp dụng hiệu quả các giải pháp ứng phó với dịch bệnh, tận dụng tối đa thời gian vàng dạy học trực tiếp; khi có dịch thì linh hoạt chuyển trạng thái dạy học trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Qua đó góp phần bảo đảm an toàn cho học sinh đồng thời đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông mới.
Để hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021 và năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT phát động thi đua trong toàn ngành. Các đơn vị, trường học đang rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện các chương trình, kế hoạch và để có kế hoạch giảng dạy phù hợp.
Tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ chương trình "Sóng và máy tính cho em" để có thêm học trò khó khăn được trang bị phương tiện hỗ trợ học tập trực tuyến. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình có nhiều giải pháp hiệu quả trong dạy và học, phòng, chống dịch.
Bài, ảnh: Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)