Bắc Giang: Khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó với bão số 3
BẮC GIANG - Chiều 5/9, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai biện pháp ứng phó với bão Yagi (bão số 3). Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT, tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì.
Yagi là cơn bão rất mạnh, đến 14 giờ chiều 5/9 vẫn duy trì cường độ đạt cấp siêu bão, dự báo tiếp tục duy trì cấp 9 đến 12, giật cấp 13, cấp 14 khi đi vào đất liền. Nguy cơ tàn phá của bão rất cao, hơn 20 năm qua mới xuất hiện cơn bão mạnh như vậy.
Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn Bắc Giang, dự báo bão sẽ ảnh hưởng đến tỉnh từ gần sáng 7/9, các địa phương có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng cấp 7, giật cấp 9.
Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. |
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, các nơi trong tỉnh xảy ra đợt mưa to đến rất to và dông. Mưa lớn gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực có địa hình dốc; làm giảm tầm nhìn khi lái xe, gây ra trơn trượt; có thể làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, ách tắc giao thông do ngập úng đường; có thể gây ngập úng cây trồng, làm đất trở nên bão hòa nước hoặc làm cây bị đổ gây thiệt hại cho mùa màng. Ngoài ra, mưa lớn có thể kèm theo các hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng.
Để ứng phó, các tỉnh, thành phố ven biển dự báo bị ảnh hưởng của bão đã chủ động rà soát, chuẩn bị phương án sẵn sàng ứng phó.
Các đại biểu dự ở các điểm cầu trong cả nước. |
Tỉnh Bắc Giang đã ban hành các công điện chỉ đạo ứng phó với bão số 3. Đến sáng 5/9, các địa phương, đơn vị thủy nông đã chuẩn bị vật tư, phương tiện, huy động lực lượng trực ban nghiêm túc, bảo đảm các điều kiện sẵn sàng xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Trần Hồng Hà cho biết, cơn bão đang bổ sung năng lượng với cường độ cao, rất khó dự báo.
Đồng chí cũng đánh giá cao việc cung cấp thông tin dự báo, qua đó phát huy vai trò của các thành viên ban chỉ đạo PCTT quốc gia, cơ quan chuyên môn.
Phó Thủ tướng yêu cầu, trước hết cần làm tốt công tác dự báo, cơ quan truyền thông, cơ quan dự báo cố gắng đưa thông tin thật gần gũi với người dân. Cơ quan dự báo phải làm việc trách nhiệm, tăng tần suất dự báo, trao đổi cơ quan khí tượng thủy văn các nước. Trong 24 giờ tới cần tăng cường tuyên truyền thông điệp ảnh hưởng của bão, cung cấp số liệu đầy đủ, chính xác hơn.
Cơ quan thông tin, truyền thông, cơ quan dự báo có trách nhiệm công khai thông tin một cách kịp thời nhất để người dân có biện pháp chủ động phòng ngừa.
Đồng chí nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo, Việt Nam đã có kinh nghiệm quý báu trong ứng phó với mưa bão song không được chủ quan. Cần phân công rõ người, rõ việc gắn với kiểm tra, rà soát thực hiện ở cơ sở. Tăng cường lực lượng cứu hộ, cứu nạn để xử lý các tình huống xấu.
Giai đoạn hoàn lưu bão là rất nguy hiểm, có thể xuất hiện lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nên cần cung cấp bản đồ dự báo lũ ống, lũ quét. Cưỡng chế người dân cố tình không di dời khỏi vùng nguy hiểm. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia cần kiểm tra, nắm tình hình thực hiện một số địa phương. Thực tế, nếu phòng ngừa tốt thì tính mạng người dân, tài sản được bảo đảm, giảm thiệt hại.
Căn cứ chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Lê Ô Pích nêu rõ, cơn bão số 3 hết sức nguy hiểm, xuất hiện vào thời điểm mùa thu, diễn biến không theo quy luật, tại Bắc Giang có thể xuất hiện gió giật cấp 8. Những năm qua, tỉnh ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai, có thể người dân có tâm lý chủ quan. Đồng chí đề nghị, các huyện, thị xã, TP bám sát công điện của tỉnh, nắm tình hình thực tế chỉ đạo từng phương án sát thực; thông tin kịp thời mức độ nguy hiểm của cơn bão để người dân nắm được, vào cuộc ứng phó.
Bắc Giang có 3 con sông, khả năng cao lũ lên báo động 1, báo động 2. Cùng đó, trên địa bàn có nhiều đoạn đê, kè, cống xung yếu, có công trình xuống cấp, vì vậy Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, nắm bắt tham mưu có phương án xử lý cho từng tình huống.
Ngoài ra, việc tiêu nước cho khu đô thị, khu dân cư hiện nay chủ yếu phải thực hiện bơm cưỡng bức, cần xem xét bơm nước đệm ở khu bơm tiêu, bảo đảm tiêu úng kịp thời. Công ty Điện lực Bắc Giang cần bảo đảm nguồn điện phục vụ việc tiêu úng.
Những huyện miền núi nguy cơ xảy ra sạt lở cao, cần tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá, di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Để bảo đảm an toàn, đề nghị ngành Giáo dục cho học sinh nghỉ học vào ngày thứ 7, tùy tình hình thời tiết, nếu trưa 6/9, gió lớn, mưa xảy ra có thể cho các em nghỉ từ chiều thứ 6. Đồng chí yêu cầu, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu thành lập 4 tổ công tác kiểm tra công tác ứng phó với bão tại các địa phương.
Tin, ảnh: Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)