Bắc Giang: Khắc phục khó khăn về đội ngũ khi giảng dạy sách giáo khoa mới
Sẵn sàng nhập cuộc
Bộ GD&ĐT đã công bố danh mục sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông để các tỉnh, TP lựa chọn đưa vào giảng dạy từ năm học 2022- 2023. Theo đó, có 43 cuốn sách giáo khoa lớp 3, 40 cuốn sách giáo khoa lớp 7 và 44 cuốn sách giáo khoa lớp 10.
Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sở đã tham mưu với UBND tỉnh thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, đồng thời yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức cho cán bộ, giáo viên nghiên cứu, tìm hiểu các bộ sách theo phân môn phụ trách.
Giáo viên Trường Tiểu học Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) tìm hiểu sách giáo khoa mới lớp 3. |
Xác định giáo viên là lực lượng chủ chốt, có vai trò quan trọng trong việc đề xuất lựa chọn sách, các nhà trường đã triển khai cho 100% giáo viên tìm hiểu các bộ sách điện tử do nhà xuất bản gửi để lựa chọn phù hợp với thực tế dạy và học tại Bắc Giang.
Ngoài tham gia các buổi giới thiệu sách do các nhà xuất bản tổ chức trực tuyến, Trường Tiểu học Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) đã tổ chức cho giáo viên thảo luận, đánh giá, bỏ phiếu lựa chọn đầu sách. Trong đó yêu cầu mỗi thầy, cô phát huy tinh thần trách nhiệm để lựa chọn, đề xuất những cuốn sách phù hợp với điều kiện dạy và học, tạo thuận lợi nhất cho học sinh học tập tích cực và đạt hiệu quả cao.
Năm học này, nhà trường có 9 lớp 2 với 406 học sinh, dự kiến năm học tới sẽ có 10 lớp 3. Cô giáo Hà Thị Nhật, Phó Hiệu trưởng cho biết: Nhà trường yêu cầu toàn bộ cán bộ, giáo viên tham gia tìm hiểu, lựa chọn sách giáo khoa mới, trong đó dự kiến bố trí 15 giáo viên văn hóa và 10 giáo viên môn chuyên sẽ giảng dạy khối lớp 3 trong năm học tới.
Việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến của thầy, cô ở tất cả các khối sẽ giúp giáo viên dạy lớp 3 có thêm thông tin tham khảo, trao đổi, mở rộng kiến thức, kỹ năng sư phạm để tiếp cận giảng dạy chương trình mới thuận lợi hơn. Quy trình lựa chọn của nhà trường dựa trên cơ sở đề xuất của giáo viên trực tiếp giảng dạy.
Việc tiếp cận với những bộ sách mới ở khối lớp 7, lớp 10 cũng được các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chủ động nghiên cứu, chuẩn bị tâm thế giảng dạy. Phòng GD&ĐT các huyện, TP và các trường THPT đã quan tâm rà soát, lựa chọn đội ngũ có kinh nghiệm để “đứng lớp” trong năm học sắp tới, sắp xếp, bố trí cơ sở vật chất, phòng học, thiết bị cần thiết phục vụ hiệu quả việc giảng dạy chương trình mới.
Các thầy, cô nhận định điểm mới trong sách giáo khoa lần này là truyền thụ đến học sinh kiến thức thực tiễn, đi sâu thực hành, phát huy tính sáng tạo, linh hoạt, năng lực, phẩm chất của học sinh. Trong quá trình làm bài tập, các em được lựa chọn đề tài thảo luận để tự rèn năng lực, khắc phục tình trạng chỉ chép lý thuyết.
Chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, Trường THCS Mỹ Thái (Lạng Giang) đã xây dựng mới 5 phòng chức năng với đầy đủ trang thiết bị hiện đại để dạy thực hành các môn: Khoa học tự nhiên, công nghệ, tin học, ngoại ngữ, âm nhạc. Năm học tới, nhà trường dự kiến có 5 lớp 7.
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng dạy môn Tiếng Anh nói: “Gần đây, nhà trường đã xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên về phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh và đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới. Chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp cận sách giáo khoa mới, chủ động nghiên cứu nội dung, phương pháp giảng dạy để học sinh tiếp thu kiến thức đầy đủ, hiệu quả nhất. Tôi thấy các bộ sách sắp xếp thứ tự bài học rất logic, lôi cuốn sự tìm tòi, sáng tạo của học sinh”.
Bố trí, sắp xếp nhân lực hợp lý
Thực hiện lộ trình thay sách giáo khoa mới, thời điểm này, các nhà trường đã chủ động bố trí đội ngũ, trang thiết bị dạy học để sẵn sàng giảng dạy. Mặc dù vậy, theo Sở GD&ĐT, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn một số khó khăn do thiếu giáo viên bậc tiểu học và giáo viên ở một số bộ môn như: Tin học, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên. Tỷ lệ giáo viên đứng lớp bậc tiểu học mới đạt 1,39 giáo viên/1 lớp (quy định là 1,5 giáo viên/1 lớp).
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố danh mục 43 cuốn sách giáo khoa lớp 3, 40 cuốn sách giáo khoa lớp 7 và 44 cuốn sách giáo khoa lớp 10 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông để các tỉnh, TP lựa chọn đưa vào giảng dạy từ năm học 2022-2023. |
Từ năm học 2022-2023, Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc trong chương trình học lớp 3 thay vì tự chọn như hiện nay song toàn tỉnh vẫn còn 20 trường tiểu học chưa có giáo viên Tin học.
Đặc biệt chương trình sách giáo khoa lớp 10 có thêm môn học mới là âm nhạc và mỹ thuật nhưng hiện nay, tất cả các trường THPT trên địa bàn tỉnh chưa có giáo viên giảng dạy bộ môn này.
Thầy giáo Bùi Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thái Thuận (TP Bắc Giang) cho biết: “Giáo viên ở các bộ môn cơ bản đủ, chỉ thiếu nhân lực ở hai môn học mới là âm nhạc và mỹ thuật. Năm học tới dự kiến sẽ có 11 lớp 10, nhà trường đề xuất với Sở GD&ĐT sớm bố trí giáo viên ở lĩnh vực này để các trường bảo đảm đội ngũ trước năm học mới”.
Riêng đối với các môn học mới có nội dung tích hợp như: Khoa học tự nhiên, nghệ thuật, lịch sử và địa lý, phần lớn các trường THCS trên toàn tỉnh vẫn chưa bố trí được một giáo viên đảm nhiệm giảng dạy toàn bộ môn học mà phải phân công nhiều thầy, cô giáo tham gia dạy từng phần nội dung.
Chủ động tháo gỡ vướng mắc, trong thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ sắp xếp, bố trí, tuyển dụng mới nhân lực bảo đảm giảng dạy hiệu quả chương trình sách giáo khoa mới. Từ nay đến năm học mới, các nhà trường chú trọng bổ sung trang thiết bị, chọn cử giáo viên có kinh nghiệm và chuyên môn sâu chủ động nghiên cứu kỹ từng bài học, chủ đề trong sách giáo khoa mới để giảng dạy hiệu quả.
Bài, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)