Thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới: Áp dụng phương pháp giáo dục linh hoạt
Tăng cường tập huấn, chủ động gỡ khó
Nếu như những năm trước, toàn bộ học sinh trong tỉnh chỉ học một bộ SGK duy nhất thì từ năm học 2020-2021, ngành Giáo dục Bắc Giang cùng với cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 với nhiều bộ sách khác nhau, bắt đầu thực hiện với hơn 38 nghìn học sinh lớp 1.
Trường Tiểu học Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 6 năm học 2021-2022. |
Sự thay đổi này nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy trong công tác quản lý, giảng dạy, thay đổi từ truyền đạt một chiều, nặng về lý thuyết sang giáo dục toàn diện phẩm chất, năng lực, phát huy tính chủ động, sáng tạo. Trong mỗi nhà trường, thầy cô được khuyến khích thay đổi, áp dụng linh hoạt mọi phương pháp giáo dục nhằm hướng tới mục tiêu giúp người học dễ nhớ, dễ hiểu, vận dụng kiến thức lý thuyết với thực tiễn đời sống.
“Vạn sự khởi đầu nan”, trong năm đầu triển khai chương trình có nhiều khó khăn, thách thức nảy sinh từ thực tiễn. Lường trước thực tế này, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tập trung tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Từ tháng 6 đến tháng 9/2020, toàn ngành có hơn 11 nghìn lượt cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 1 được tập huấn. Các thầy cô đã nắm được những điểm mới, khắc phục khó khăn ban đầu khi giảng dạy bằng phương pháp giáo dục linh hoạt.
Tại huyện Lục Nam, ông Vũ Thanh Hải, Trưởng Phòng GD&ĐT cho biết: "Trong năm học, ngành duy trì song song 2 chương trình giáo dục hiện hành với lớp 2,3,4,5 và chương trình giáo dục phổ thông đối với lớp 1 tại 32 trường. Năng lực của đội ngũ giữa các địa bàn, các trường chưa đồng đều nên Phòng thành lập tổ giáo viên cốt cán gồm những thầy cô giàu kinh nghiệm thường trực giải đáp vướng mắc".
Phòng GD&ĐT huyện Lục Nam đã tổ chức 4 buổi sinh hoạt chuyên môn toàn huyện với gần 200 lượt thầy cô tham gia. Các trường tổ chức tập huấn theo hướng nghiên cứu bài học, lưu lại thành tài liệu dưới dạng video gửi đến giáo viên để cùng nhau chia sẻ, học tập kinh nghiệm. Nhờ đó, khi bộ môn Tiếng Việt xuất hiện từ ngữ đa nghĩa, khó hiểu với học sinh lớp 1, giáo viên đã linh hoạt điều chỉnh bằng ngữ liệu phù hợp.
Tại các địa phương khác như Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế, sau một năm theo học chương trình, sách giáo khoa mới, học sinh được đánh giá có sự chủ động, mạnh dạn hơn trong các hoạt động ở lớp, ở trường, khả năng đọc, viết, tính toán, sử dụng học liệu điện tử tốt hơn học sinh học ở chương trình lớp 1 trước đây.
Quan tâm hỗ trợ học sinh học tập
Sách giáo khoa mới lớp 6 năm học 2021-2022. |
Theo ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, nhiều bài học kinh nghiệm được ngành chỉ ra sau năm đầu thực hiện chương trình, SGK mới đó là: Bám sát lộ trình đổi mới của Bộ GD&ĐT đề ra để chủ động xây dựng kế hoạch. Các huyện, TP ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học như: Xây dựng thêm phòng học, bổ sung thiết bị dạy học thông minh (smart tivi, loa, máy vi tính…); nâng cấp đường truyền Internet tốc độ cao giúp giáo viên, học sinh thuận lợi khi khai thác học liệu điện tử...
Đặc biệt, qua thực tế, toàn ngành ghi nhận sự tiến bộ rõ rệt từ thụ động sang chủ động khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy của nhiều thầy cô giáo.
Năm học 2021-2022, chương trình SGK, giáo dục phổ thông mới tiếp tục triển khai với 38 nghìn học sinh lớp 2 và hơn 30 nghìn học sinh lớp 6 trên địa bàn tỉnh. |
Năm học 2021-2022, chương trình SGK, giáo dục phổ thông mới tiếp tục triển khai với 38 nghìn học sinh lớp 2 và hơn 30 nghìn học sinh lớp 6 trong tỉnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh tác động lớn đến mọi mặt của đời sống, làm thay đổi hoạt động giáo dục tại các nhà trường, Sở GD&ĐT đã chủ trì phối hợp với các ngành liên quan biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương lớp 2 và lớp 6, được Bộ GD&ĐT phê duyệt để kịp sử dụng trong năm học mới.
Hơn 20 nghìn lượt giáo viên được tập huấn quy trình giảng dạy, kiểm tra, đánh giá người học thông qua hình thức trực tuyến, trực tiếp nghe các tác giả viết sách, đại diện nhà xuất bản và chuyên gia từ Bộ GD&ĐT phân tích, đánh giá, chỉ ra những điểm mới. Hiện Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Bắc Giang cung ứng đủ SGK cho học sinh lớp 2, lớp 6.
Để kịp thời ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục chỉ đạo các trường phổ thông xây dựng ở mỗi khối một phòng học trực tuyến, kết hợp với dạy trực tiếp nhằm giúp những học sinh bị nghỉ do cách ly vẫn được học bảo đảm đúng tiến độ của chương trình. Triển khai đa dạng các hình thức hỗ trợ học sinh học tập từ xa như dạy học trên truyền hình, dạy qua youtube, zalo, facebook.
Điển hình như tại Trường THCS Nguyễn Khắc Nhu (TP Bắc Giang) vừa được TP đầu tư xây mới cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại hóa. Đến nay, Trường đã xây dựng 8 phòng học thông minh phục vụ dạy trực tuyến.
Trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh tác động, để bảo đảm thực hiện hiệu quả chương trình, SGK mới, ngành Giáo dục yêu cầu các trường tiếp tục bám sát nhiệm vụ trọng tâm, đổi mới công tác quản lý, khai thác, sử dụng SGK, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn. Tại Sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT các huyện, TP tiếp tục duy trì đội ngũ giáo viên nòng cốt sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho giáo viên trong quá trình giảng dạy.
Bài, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)