Bắc Giang: Họp báo công bố số liệu thống kê KT-XH năm 2023
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Thống kê thông tin, với sự thống nhất cao trong lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cùng sự đoàn kết, quyết tâm, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự đồng thuận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN) nên Bắc Giang đã từng bước vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu trong phát triển KT-XH.
Nổi bật là kinh tế đạt mức tăng trưởng 13,45% so với năm 2022. Đây là tốc độ tăng cao nhất cả nước năm 2023. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng.
Thu ngân sách ước đạt 15.943 tỷ đồng, vượt 6% dự toán, bằng 78,6% năm 2022. Tổng chi ngân sách dự kiến cả năm ước 37.868,6 tỷ đồng, bằng 94,6% so với năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 2,63%, hộ cận nghèo là 3,4%. Dân số trung bình toàn tỉnh khoảng 1,9 triệu người…
Quang cảnh buổi họp báo.
|
Tại buổi họp báo, các nhà báo đặt câu hỏi đề nghị Cục Thống kê và các cơ quan, đơn vị làm rõ một số nội dung. Làm rõ câu hỏi về nguyên nhân khiến số DN giải thể, tạm dừng hoạt động, đại diện lãnh đạo Cục Thống kê cho biết, năm 2023 toàn tỉnh có 134 DN giải thể, 783 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 30% so với năm 2022 và có gần 1,1 nghìn DN không hoạt động tại trụ sở đăng ký. Số DN tạm dừng hoặc giải thể chủ yếu quy mô nhỏ, siêu nhỏ hoạt động không hiệu quả, thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Với nhiều giải pháp đồng bộ trong thu hút đầu tư, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 1,9 nghìn DN và 145 chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới, tăng 37,5% so với năm 2022; tổng vốn đăng ký hơn 26,6 nghìn tỷ đồng, bằng so với cùng kỳ. Trong năm, có 437 DN quay trở lại hoạt động.
Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT trao đổi tại họp báo.
|
Liên quan đến diện tích cây cam giảm mạnh (giảm gần 1,5 nghìn ha so với năm 2022), đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT nêu nguyên nhân là do một số diện tích trồng giống cây không rõ nguồn gốc, chất lượng cây giống không bảo đảm làm tăng nguy cơ lây nhiễm sâu bệnh hại; tình trạng người dân trồng tự phát, không theo quy hoạch hoặc trồng với mật độ quá dày, chăm sóc không đúng kỹ thuật... dẫn đến khả năng sinh trưởng, phát triển của cây kém, năng suất giảm.
Vì vậy, tại nhiều nơi bà con dần chặt bỏ cam, chuyển hướng sang trồng cây ăn quả khác. Thời gian tới, diện tích trồng cam có xu hướng giảm nhẹ. Ngành Nông nghiệp chỉ đạo, hướng dẫn bà con các vùng trồng tập trung nâng cao diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP để nâng cao giá trị đối với diện tích trồng cam còn lại.
Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm, không riêng cây cam, năm nay, diện tích lúa giảm gần 2 nghìn ha do các địa phương chuyển đổi đất nông nghiệp sang phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, khu công nghiệp.
Tuy diện tích một số cây trồng giảm song giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác tăng so với cùng kỳ, năm 2023 đạt 138 triệu đồng/ha, tăng so với cùng kỳ năm trước (năm 2022 là 135 triệu đồng/ha; dự báo năm 2024 tiếp tục tăng khoảng 140 triệu đồng/ha). Sở Nông nghiệp và PTNT đã và đang tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ "tam nông"; tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp phù hợp với tình hình mới; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nâng cao giá trị các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp còn dư địa...
Cũng tại hội nghị, Cục Thống kê thông tin các chỉ số về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, lao động việc làm, lĩnh vực du lịch, dịch vụ; dự báo xu hướng và một số giải pháp để tỉnh Bắc Giang tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Ý kiến bạn đọc (0)