Bắc Giang: Hội thảo về xây dựng văn hóa, con người Bắc Giang
Đồng chí Ngô Chí Vinh chủ trì hội thảo. |
Dự thảo Báo cáo nêu rõ sự cần thiết, mục tiêu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu, tổng kết; kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện xây dựng văn hóa, con người Bắc Giang từ năm 2010 đến nay; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới và những kiến nghị, đề xuất.
Theo đó, nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò của văn hóa được nâng lên; công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường; công tác an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân không ngừng cải thiện và nâng cao.
Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy; hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển mạnh từ tỉnh tới cơ sở, đã làm phong phú, lành mạnh đời sống văn hóa ở cơ sở.
Theo đánh giá của các đại biểu, dự thảo báo cáo khoa học, nội dung thực hiện công phu, logic, đáp ứng được yêu cầu của báo cáo nghiên cứu.
Tuy nhiên cần nêu rõ văn hóa đặc trưng, nổi bật của Bắc Giang so với một số địa phương khác; chưa đánh giá vai trò của một số cơ quan, đơn vị trong xây dựng, phát triển văn hóa.
Đồng chí Nguyễn Thế Chính, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu: Bắc Giang là vùng trọng điểm về công nghiệp nhưng báo cáo chưa đề cập vấn đề xây dựng văn hóa trong khu công nghiệp, trong đội ngũ công nhân; cần bổ sung văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân.
Nhấn mạnh vấn đề này, đồng chí Trần Đức, Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang cho rằng, báo cáo cũng bỏ qua vùng đô thị, khu vực mới nổi về kinh tế. Những nơi này tập trung, giao thoa bởi nhiều dân tộc, văn hóa đa dạng. Cần xác định những yếu tố xung đột bản sắc văn hóa giữa các vùng miền ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu vực đô thị, khu công nghiệp; xử lý nghiêm những vi phạm về văn hóa, tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân để tiếp tục xây dựng, phát triển vùng Kinh Bắc là cái nôi của văn hóa Việt.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa, Viện hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, báo cáo cần xác định rõ con người Bắc Giang là ai? Đó không phải là một khối đồng nhất, mà có sự đa dạng về tộc người, nhóm người (người bản địa, di cư, công nhân, người nước ngoài…). Vì vậy, khi đánh giá cần theo sự đa dạng đó.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh cần tìm được điểm nhấn để phát triển văn hóa Bắc Giang, đó chính là Tiến sĩ Thân Nhân Trung (1419-1499). Ông có câu nói nổi tiếng khắc trên bia Văn Miếu, Quốc Tử Giám (TP Hà Nội): "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia…”. Đồng thời phải đưa được những “di sản” thành “tài sản” và phát triển tài sản đó phục vụ cho con người.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm phát biểu tại hội thảo. |
Nội dung báo cáo cũng cần có sự sánh, đánh giá, đối chiếu với các mục tiêu, chỉ tiêu của từng nhiệm kỳ, từng giai đoạn, từng chính sách. Báo cáo cũng cần có tính chiến đấu cao hơn, những tồn tại, hạn chế, chỉ tiêu chưa đạt được cần nêu rõ để đề ra phương hướng giải quyết.
Trong thời gian tới, các đại biểu đề xuất Bắc Giang cần quan tâm đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao quốc tế và trong nước, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân địa phương.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, đồng chí Ngô Chí Vinh, Chủ tịch các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang đề nghị tổ soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tin, ảnh: Trung Anh
Ý kiến bạn đọc (0)