Bắc Giang: Đề xuất công nhận 69 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 2 năm 2022
Theo Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT), đến ngày 15/11, Tổ giúp việc Hội đồng đã nhận được văn bản đề nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm của 10 huyện, TP với tổng số 71 sản phẩm. Trong đó có 50 sản phẩm đăng ký mới, 1 sản phẩm đăng ký nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao và 20 sản phẩm đánh giá, phân hạng lại.
Quang cảnh hội nghị. |
Có 63 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 6 sản phẩm nhóm đồ uống và 2 sản phẩm thuộc nhóm dược liệu. Về chủ thể tham gia đợt này có 43 HTX (chiếm 82,7%), 6 doanh nghiệp (chiếm 11,5%) và 3 cơ sở sản xuất (chiếm 5,8%).
Điểm mới trong đánh giá, phân hạng đợt này là Tổ giúp việc áp dụng phần mềm đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, qua đó giúp việc đánh giá nhanh hơn nhưng vẫn bảo đảm công khai, minh bạch, chính xác.
Căn cứ hồ sơ minh chứng đối với từng sản phẩm, Tổ giúp việc đánh giá có 2 sản phẩm đạt từ 70 đến 90 điểm (tương đương 4 sao), 67 sản phẩm đạt từ 50 đến dưới 70 điểm (tương đương 3 sao) và 2 sản phẩm không đánh giá, phân hạng.
Tại hội nghị, thành viên Tổ giúp việc thông tin, hai sản phẩm không được tham gia đánh giá, phân hạng là do tên gọi trong hồ sơ và trên bao bì không đồng nhất. Về đề nghị hạ từ 4 sao xuống 3 sao đối với 9 sản phẩm đánh giá, phân hạng lại là do các sản phẩm này được công nhận trước khi có Quyết định số 781 ngày 8/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số phụ lục Quyết định số 1048 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định mới, các sản phẩm đạt 4 sao cần đáp ứng một số tiêu chí cứng bao gồm: Năng lực sản xuất; bảo vệ môi trường; tính hoàn thiện của bao bì; câu chuyện sản phẩm; có chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến (ISO, GMP, HACCP)...
Trao đổi tại hội nghị, thành viên Hội đồng đồng tình với đề xuất của Tổ giúp việc, đồng thời lưu ý chất lượng hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm của các chủ thể còn sơ sài, chưa sắp xếp trình tự khoa học theo hướng dẫn; minh chứng về các chỉ tiêu đánh giá còn thiếu, chưa đánh giá đầy đủ các tiêu chí của sản phẩm, chưa bám sát các tiêu chí dẫn đến việc chấm điểm còn hình thức.
Đồng chí Lã Văn Đoàn phát biểu ý kiến. |
Theo đồng chí Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP cần siết chặt hơn việc đánh giá, phân loại ngay từ cấp huyện, tránh tình trạng hồ sơ gửi lên Hội đồng tỉnh vẫn còn lỗi sót, thiếu đồng nhất về tên gọi. Cùng đó, cần siết chặt việc đánh giá, phân hạng lại, nếu bảo đảm thì tiếp tục công nhận và kiên quyết không công nhận lại đối với sản phẩm thiếu các tiêu chí.
Về đánh giá đối với từng sản phẩm, có ý kiến đề nghị Tổ giúp việc nêu rõ những thiếu sót của từng sản phẩm, lý do sản phẩm bị hạ điểm... để các chủ thể nắm, khắc phục trong thời gian tới. Đối với 23 sản phẩm được công nhận từ năm 2019 song không có hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng lại cần có quyết định thu hồi quyết định công nhận OCOP, đồng thời yêu cầu chủ thể không được sử dụng tem nhãn, bao bì gắn sao để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đồng chí Dương Thanh Tùng kết luận hội nghị. |
Kết luận Hội nghị, đồng chí Dương Thanh Tùng nhấn mạnh, qua trao đổi, thành viên Hội đồng thống nhất đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh công nhận 69 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao gồm: Ổi Tân Yên của HTX Nông nghiệp Quyên Phong; Xúc xích xông khói Hải Thịnh của Công ty TNHH Hải Thịnh Bắc Giang (Hiệp Hòa).
Đồng chí yêu cầu Tổ giúp việc sớm tham mưu Hội đồng hoàn thiện tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh công nhận có sản phẩm được công nhận đợt này; thu hồi quyết định đối với 23 sản phẩm đã hết hạn song không đăng ký tại. Tổ giúp việc thông tin đến Hội đồng cấp huyện cũng như các chủ thể về những tồn tại trong hoàn thiện hồ sơ, đề xuất công nhận đối với từng sản phẩm. Chi cục Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch, đề xuất tổ chức trao giấy chứng nhận cho các chủ thể tại hội nghị triển khai chương trình OCOP năm 2023.
Tin, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)