Bắc Giang: Chú trọng hòa giải, không để tồn đọng án hành chính
Án hành chính chủ yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh. Năm 2022, Tòa Hành chính thụ lý hơn 240 vụ, việc; nhiều hơn 120 vụ, việc so với cùng kỳ năm 2021. Một số vụ có cùng người bị kiện, người khởi kiện, tòa án đã nhập vụ án nên số vụ việc phải đưa ra xét xử là 90.
![]() |
Thẩm phán, thư ký Tòa Hành chính, TAND tỉnh trao đổi nghiệp vụ. |
Ông Nguyễn Hà Giang, Chánh tòa Hành chính cho hay, những năm gần đây, các địa phương đẩy mạnh thu hồi đất để xây dựng dự án, phục vụ phát triển KT-XH. Quá trình thu hồi, đền bù, một bộ phận người dân không đồng tình do nhận thức pháp luật hạn chế, bị lôi kéo, kích động dẫn đến khiếu kiện đông người. Nhiều vụ việc có tính chất phức tạp.
Đơn cử như các vụ án: 71 hộ dân ở xã Vân Trung, 38 hộ dân xã Quang Châu (Việt Yên); 29 hộ dân ở huyện Yên Thế; 12 hộ dân ở thị trấn Vôi (Lạng Giang); 31 hộ dân huyện Hiệp Hòa… đều liên quan đến khiếu kiện các quyết định hành chính trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Một số người khởi kiện thuê hoặc ký hợp đồng với người đại diện theo uỷ quyền ở trong và ngoài tỉnh nhằm bảo vệ quyền lợi cho mình. Tuy nhiên, những người đại diện này nhìn nhận vụ việc thiếu khách quan, có biểu hiện lợi dụng khiếu kiện để chuộc lợi (như đối tượng Tạ Miên Linh ở TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tự xưng là luật sư, tư vấn khiếu kiện cho một số người dân trên địa bàn tỉnh, làm mất tình hình an ninh trật tự).
Trước tình hình đó, Ban cán sự Đảng TAND tỉnh tăng cường phối hợp với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trong giải quyết các vụ việc. Các thẩm phán, thư ký làm “hết việc chứ không hết giờ”. Sau khi thụ lý, tất cả đơn khởi kiện đều được giải quyết đúng quy định, không có án tạm đình chỉ, quá hạn, kéo dài. Tỷ lệ án bị hủy sửa do nguyên nhân chủ quan của thẩm phán ở mức thấp (0,67%). Việc hòa giải, đối thoại luôn được ưu tiên hàng đầu.
Để tạo thuận lợi cho người dân, Tòa Hành chính nghiên cứu, tham mưu TAND tỉnh ban hành “Quy trình thực hiện Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa Hành chính”, có sơ đồ hướng dẫn cụ thể. Nhiều người khởi kiện được hướng dẫn, lựa chọn hình thức hòa giải, đối thoại. Trong năm 2022, có 22 tranh chấp hòa giải thành, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức cho đương sự, không gây khiếu kiện phức tạp, kéo dài.
Tham gia nhiều phiên hòa giải, ông Hà Văn Nâu, Phó Chánh Tòa Hành chính cho biết: “Khi gửi đơn ra tòa, phần lớn đương sự không giữ được bình tĩnh, muốn phân xử thắng thua. Khi tiếp công dân, chúng tôi nghiên cứu kỹ tài liệu, các quy định, nắm bắt tâm lý của các bên để hòa giải. Đối với những vụ việc phức tạp, tòa án phối hợp với lực lượng công an để bảo vệ từ phiên hòa giải đến xét xử”.
Thực hiện Nghị quyết số 33 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, tòa án hai cấp tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh xét xử trực tuyến đối với tất cả các loại án, trong đó có 7 vụ việc hành chính.
Trong số 90 vụ, việc phải giải quyết, Tòa Hành chính TAND tỉnh đã giải quyết 75 vụ, việc (đạt tỷ lệ 83,3%, vượt chỉ tiêu 18,3%); 15 vụ án còn lại đang giải quyết trong thời hạn. |
Qua đây khắc phục được hạn chế là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người đại diện hợp pháp thường xuyên vắng mặt, bảo đảm phiên tòa được xét xử khách quan, minh bạch, đúng thời hạn theo luật định. Trong số 90 vụ, việc phải giải quyết, Tòa Hành chính đã giải quyết 75 vụ, việc (đạt 83,3%, vượt chỉ tiêu 18,3%); còn lại đang giải quyết trong thời hạn.
Ông Nguyễn Như Hiển, Phó Chánh án TAND tỉnh thông tin, giải quyết án hành chính cũng có những khó khăn nhất định khi nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế; có thời điểm, một số cơ quan, đơn vị cung cấp, giao nộp hồ sơ chậm muộn. Để khắc phục, TAND tỉnh đề nghị UBND các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo đơn vị liên quan làm tốt công tác lưu trữ, quản lý tài liệu, hồ sơ (nhất là về đất đai) vì đây là những căn cứ quan trọng để xem xét, giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát những quyết định hành chính lĩnh vực quản lý đất đai; rà soát văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tế để sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp. Chỉ đạo làm tốt công tác đo đạc, đo đạc lại bản đồ địa chính; đăng ký biến động về quyền sử dụng đất để quản lý chính xác, hiệu quả.
Các cấp, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền quy định của pháp luật về đất đai, các chính sách của T.Ư, tỉnh giúp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Người đại diện hợp pháp của người bị kiện cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham gia đầy đủ các phiên đối thoại, hòa giải, xét xử.
Các đơn vị, địa phương thực hiện tốt quy chế phối hợp đã ký kết, góp phần giải quyết vụ việc kịp thời, đúng quy định, giữ ổn định tình hình, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)