Chú trọng đối thoại, nâng chất lượng giải quyết án hành chính
Theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015, hầu hết các vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh. Cụ thể những khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, chủ tịch UBND cấp huyện do TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm (trước đây do TAND cấp huyện giải quyết).
Thẩm phán Tòa Hành chính (TAND tỉnh) trao đổi hướng giải quyết vụ án. |
Số liệu thống kê, trong 2 năm qua (2020, 2021), TAND tỉnh đã giải quyết, xét xử 320 vụ án hành chính. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thụ lý hơn 160 vụ. Theo ông Nguyễn Hải Vinh, Chánh tòa Hành chính, TAND tỉnh, nguyên nhân dẫn đến án hành chính gia tăng là do thời gian gần đây các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh triển khai thu hồi đất xây dựng các dự án trọng điểm phát triển KT-XH, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân, dẫn đến số lượng đơn thư khiếu kiện phát sinh.
Những vướng mắc thường gặp khi giải quyết, xét xử án hành chính đó là: Nhận thức pháp luật của người dân chưa cao; một số cơ quan, tổ chức liên quan cung cấp, giao nộp hồ sơ không đầy đủ, chậm muộn...
Giải quyết các vụ án hành chính vừa là hoạt động mang tính chất chung của tòa án, vừa mang tính đặc thù của giải quyết khiếu nại về hành chính theo thủ tục tư pháp. Khắc phục những bất cập trên, TAND tỉnh đã quan tâm thực hiện tốt Quy chế phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh.
Theo đó, hằng quý TAND thống kê các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền chậm trễ trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, cử người tham gia tố tụng; nêu quan điểm giải quyết vụ việc hoặc không phối hợp trong việc định giá, giám định thông báo tới cá nhân có thẩm quyền, tổ chức vi phạm và yêu cầu xử lý trách nhiệm theo quy chế của cơ quan, đơn vị.
Nguyên nhân dẫn đến án hành chính gia tăng là do các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh triển khai thu hồi đất xây dựng các dự án trọng điểm về phát triển KT-XH, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân, dẫn đến số lượng đơn thư khiếu kiện phát sinh. |
Trực tiếp tham gia xét xử nhiều vụ án hành chính, thẩm phán Hà Văn Nâu, TAND tỉnh chia sẻ: "Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, thời gian giao nộp văn bản ý kiến, tài liệu chứng cứ là 10 ngày kể từ ngày nhận thông báo thụ lý án và người đại diện theo pháp luật là người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu chỉ có thể ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng.
Người được ủy quyền phải tham gia toàn bộ quá trình giải quyết và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người bị kiện. Tuy nhiên, trong một số vụ án người được ủy quyền lấy lý do bận công tác không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, dẫn đến phải hoãn xét xử. Khi thực hiện tốt Quy chế phối hợp đã hạn chế được việc kéo dài thời gian giải quyết án. Những vụ việc liên quan đến thực hiện trưng cầu giám định chữ ký, dấu vết vân tay theo yêu cầu của Tòa án cũng được thực hiện kịp thời, bảo đảm quy định pháp luật".
Để nâng cao chất lượng giải quyết án hành chính, TAND tỉnh còn quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thẩm phán thông qua việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm. Trong quá trình giải quyết án, khuyến khích các thẩm phán thực hiện tốt khâu tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện để các bên thống nhất cách giải quyết. Phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan mở các buổi tập huấn về pháp luật tố tụng nhằm nâng cao kiến thức, trách nhiệm cho các cá nhân thực thi nhiệm vụ.
Từ các giải pháp trên, tỷ lệ giải quyết án hành chính trong những năm gần đây đều đạt từ 75% trở lên, nhiều vụ án phức tạp, kéo dài được tập trung chỉ đạo giải quyết. Ví như các vụ án: Hơn 130 hộ dân khởi kiện quyết định hành chính liên quan đến đất lâm nghiệp tại huyện Yên Thế; một số hộ dân khởi kiện quyết định thu hồi đất liên quan đến tuyến đường Tây Yên Tử; vụ việc khiếu kiện trong lĩnh vực quản lý đất đai ở Tân Yên...
Thời gian tới, TAND tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thẩm phán trong nghiên cứu, thu thập chứng cứ. Bên cạnh đó, TAND tỉnh cũng rất cần có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các cơ quan quản lý có liên quan trong quá trình giải quyết, xét xử. Các cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước cần thực hiện đúng quy định về trình tự thủ tục thu hồi đất, bảo đảm công khai, dân chủ cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân để hạn chế khiếu kiện. Khi có khiếu nại của người dân, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần quan tâm xem xét kịp thời, đúng quy trình, thủ tục.
Bài, ảnh: Vân Anh
Ý kiến bạn đọc (0)