Thứ hai, 20/05/2024
Bắc giang 31 °C / 24 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Anh Nguyễn Văn Đại: Năng động ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Cập nhật: 16:08 ngày 05/08/2023
(BGĐT) - Nhờ học hỏi cách thức canh tác nông nghiệp từ Israel, mô hình trồng dưa lưới, dưa bao tử của anh Nguyễn Văn Đại (SN 1990) ở thôn Râm, xã Tự Lạn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp địa phương.

Không ngại khó

Theo học chuyên ngành Quản lý tài nguyên rừng của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, năm 2013, anh Đại là một trong những sinh viên ưu tú của trường có cơ hội thực tập tại Israel, đất nước nổi tiếng về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đến với quốc gia thuộc khu vực khô hạn nhất thế giới, chàng sinh viên trẻ được mở rộng tầm mắt, chứng kiến “sa mạc nở hoa” là có thật. Chính những điều thú vị, tưởng chừng như không thể đã thôi thúc anh không ngừng trau dồi kiến thức để áp dụng vào thực tế.

{keywords}

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của anh Nguyễn Văn Đại.

Ấp ủ ước mơ đưa công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến về làng, năm 2018, được sự giúp đỡ của gia đình cùng chính sách hỗ trợ của địa phương, anh Đại mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của thôn. Khu vực sản xuất rộng khoảng 6 nghìn m2 gồm: Nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt kiểu Isarel, giá thể, hệ thống chiếu sáng, giàn leo… Bằng những kiến thức tích lũy ở nước ngoài và để tiết kiệm vốn, ông chủ trẻ tự tay chọn mua vật liệu, lắp đặt hệ thống vòi tưới cho nông trại của mình.

Ban đầu, anh trồng thử nghiệm một số loại cây như: Tía tô Nhật Bản, dưa lê, dưa hấu… Do chưa nắm chắc kỹ thuật nên cây trồng bị bệnh, cho năng suất thấp khiến anh thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Tự nhủ “không có con đường thành công nào trải đầy hoa hồng”, anh không ngừng học hỏi, thay đổi. Có cơ hội tham quan một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong và ngoài tỉnh, anh vỡ lẽ nhiều điều và quyết định chuyển hướng sang chuyên canh dưa lưới, dưa bao tử.

Mở rộng quy mô sản xuất

Rút kinh nghiệm từ thất bại, áp dụng kiến thức có được từ những lần tham quan các mô hình đã giúp anh thành công trong vụ dưa lưới đầu tiên vào năm 2019. Thu hoạch được gần 5 tấn, chất lượng quả to đều, có mùi thơm và vị ngọt đậm, anh lãi 100 triệu đồng. Nắm chắc quá trình sinh trưởng của cây trồng, ngay khi thu hoạch dưa lưới, anh tiếp tục trồng gối dưa bao tử từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. 

Để quảng bá, anh Đại đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội và tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử Postmart. Bên cạnh đó, anh kết nối đưa nông sản vào tiêu thụ tại các cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng. Sản xuất dần ổn định, mô hình của anh cho lãi khoảng 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương 6-7 triệu đồng/tháng.

Theo anh Đại, cây trồng trong nông trại đều tuân thủ theo quy trình khép kín, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, theo dõi dinh dưỡng, quá trình sinh trưởng cho đến khi thu hoạch. Hạt giống không gieo trực tiếp xuống đất mà trồng riêng từng giá thể đã qua xử lý nhằm hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp những tác nhân có hại trong đất. Bằng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, nước hòa lẫn phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, thân thiện với môi trường được tưới chính xác từng gốc, giúp cây phát triển đồng đều, tiết kiệm nước và công sức.

Để mở rộng quy mô sản xuất, cuối năm 2019, anh Đại cùng 11 thành viên khác trong thôn thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Trường. Hiện nay, HTX có tổng diện tích 1,4 ha nhà màng, chuyên sản xuất các loại dưa lưới, dưa bao tử... theo tiêu chuẩn VietGAP. Nông sản bảo đảm đồng đều cả về số lượng và chất lượng nên có đầu ra ổn định. Năm 2022, sản phẩm dưa bao tử Xuân Trường được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây chính là bước tiến mới khẳng định thương hiệu của HTX.

Từ hiệu quả của mô hình sản xuất, mới đây, anh Đại được Tỉnh đoàn hỗ trợ vay 600 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Nhờ số tiền này, anh đầu tư thêm một số máy móc, nâng cấp hệ thống tưới nhỏ giọt. Thời gian tới, anh dự định mở xưởng sơ chế nông sản và tiếp tục phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đăng ký thương hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc trên từng sản phẩm. 

Từ đó có thể trực tiếp đưa sản phẩm vào chuỗi cung ứng tại các siêu thị tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội mà không cần qua trung gian. Theo anh, đây là hướng đi an toàn, phù hợp với xu thế, cung cấp cho người tiêu dùng thực phẩm an toàn, chất lượng, đồng thời tạo động lực cho bà con nông dân làm giàu từ nông nghiệp sạch.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Bắc Giang: Nhiều hộ dân tái đàn, giá gà giống tăng mạnh
(BGĐT) - Khoảng nửa tháng nay, giá gà giống trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tăng mạnh, thậm chí có thời điểm cung không đủ cầu.
Bắc Giang: Cơ bản hoàn thành gieo trồng vụ mùa, bảo đảm khung thời vụ
(BGĐT) - Thời điểm này, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã cơ bản gieo trồng xong lúa mùa và một số loại hoa màu khác, bảo đảm đúng khung thời vụ.
Bắc Giang: Trồng cây phân tán đạt 93,9% kế hoạch
(BGĐT) - Thực hiện Kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 7, toàn tỉnh Bắc Giang đã trồng được hơn 1 triệu cây phân tán các loại; lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh trồng được hơn 5,7 triệu cây, đạt 93,9 % kế hoạch đề ra.
Nông dân Yên Dũng được mùa sen củ, thu lãi cao
(BGĐT)- Thời điểm này, các diện tích sen lấy củ tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đang cho thu hoạch rộ. Do được chăm sóc tốt nên sản lượng, chất lượng củ sen và giá bán đều ở mức cao.
Hội Nông dân huyện Yên Dũng giành điểm số cao nhất tại hội diễn văn nghệ nông dân tỉnh năm 2023
(BGĐT) - Ngày 29/7, Hội Nông dân (HND) tỉnh Bắc Giang tổ chức hội diễn văn nghệ chào mừng thành công Đại hội đại biểu HND tỉnh Bắc Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc HND Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028. 
Chia sẻ:
anh-nguyen-van-dai-nang-dong-ung-dung-cong-nghe-vao-san-xuat.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...