Ân tình Việt Hương
BẮC GIANG - Những năm gần đây, thôn Việt Hương, xã Hương Sơn (Lạng Giang) được nhiều người biết đến với các ngôi đền nổi tiếng như Bà Chúa Then, Cổ Ngựa cùng lễ hội mở cửa rừng và nhiều phong tục văn hóa đặc sắc. Đặc biệt, theo các bậc cao niên, Việt Hương là tên do Đảng, Nhà nước đặt, hàm nghĩa là thôn của bà con Việt kiều từ Thái Lan hồi hương theo lời kêu gọi của Bác Hồ về xây dựng đất nước từ 64 năm trước.
Về Việt Hương, tôi được Bí thư Chi bộ Lê Danh Bỉnh, Trưởng thôn Nhữ Văn Toản nhiệt tình, chu đáo bố trí cho gặp mặt bà con tại nhà văn hóa thôn. Ông Hà Văn Tưng (sinh năm 1940), một trong số những người trở về từ Thái Lan tháng 9 năm 1961 nhớ lại: “Ban đầu có 47 hộ, tôi không nhớ rõ có tất cả bao nhiêu người, hộ nhiều nhất có 5 nhân khẩu. Sau đó một số hộ chuyển đi nơi khác, còn 40 hộ ở lại gây dựng cuộc sống, lần lượt các thế hệ ra đời gắn bó với mảnh đất này cho đến nay”.
Ra sức chung tay xây cuộc sống mới
Bà con trong thôn Việt Hương gốc ở Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương và một số tỉnh khác, rời quê hương những năm tháng đất nước đang chiến tranh loạn lạc để mưu sinh. Khi mới từ Thái Lan trở về, họ được bố trí ở tại đây. Nơi này rặt là rừng cây, đồi bãi hoang vu, dân cư thưa thớt với ít hộ đồng bào Tày, Nùng sở tại. Bằng lòng yêu nước, ý chí quyết tâm, không ngại khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, bà con luôn nhắc nhở, động viên nhau tuyệt đối yên tâm, tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ, chung tay xây dựng cuộc sống mới.
![]() |
Đoàn nhà báo Thái Lan gặp gỡ, giao lưu với Nhân dân thôn Việt Hương tại đền Bà Chúa Then, tháng 3/2025. |
Để các hộ có cơ sở vật chất ban đầu, Nhà nước cho xây dựng các dãy nhà ở bằng tre, lá; thành lập nông trường, mở lớp cho trẻ nhỏ có chỗ học tập; cấp tem phiếu gạo và thực phẩm. Nhân dân miền Bắc khi đó vừa ra sức sản xuất để lo cái ăn cái mặc, bảo vệ hậu phương, kiến thiết đất nước, vừa chi viện cho chiến trường miền Nam. Khi mới trở về đây, bà con không một ai biết dùng trâu cày ruộng song với đức tính chịu thương, chịu khó, chỉ sau một thời gian học hỏi, hầu hết đã thành thạo công việc đồng áng, vườn tược. Nông trường và chế độ tem phiếu lương thực, thực phẩm được duy trì cho đến khi hợp tác xã nông nghiệp ra đời. Đời sống bà con dần ổn định, các hộ tách ra xây dựng nhà ở riêng.
Thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp quản lý tập trung, Việt Hương được chia thành đội sản xuất số 7 và đội sản xuất số 8. Sau này, khi đất nước đổi mới, ruộng đất được giao lại cho các hộ canh tác, cái tên Việt Hương gắn bó trở lại với dân làng cho đến nay. Giờ đây, các thế hệ con em gia đình kiều bào trở về từ Thái Lan 64 năm trước đã nhân lên 175 hộ với gần 700 nhân khẩu sinh sống trong thôn cùng một số hộ dân tộc Tày, Nùng, Hoa.
Bà Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1947) trở về Việt Nam khi 14 tuổi, hồi tưởng, điều khiến bà thấy sung sướng nhất là được đi học, được tự do sống trên đất nước mình. Cuộc sống tuy thiếu thốn, khó khăn về vật chất song ai nấy đều một lòng đoàn kết giúp đỡ nhau cùng vượt qua. 5 người con của vợ chồng bà đều trưởng thành, có cuộc sống ổn định.
Tại thôn Việt Hương, tôi được gặp cụ Vũ Thị Viêng, 91 tuổi song còn khỏe, đẹp lão và minh mẫn. Quê gốc của cụ ở Ý Yên (Nam Định). Theo lời kể của cụ Viêng, vào thập niên 1930, cha mẹ cụ theo sự dẫn dắt của người họ hàng đã mang theo người con gái cả mới 3 tuổi đi bộ từ quê vượt biên sang Lào. Còn cụ khi đó đang nằm trong bụng mẹ và được sinh ra khi đến Viêng Chăn - Thủ đô của Lào. Cái tên Vũ Thị Viêng được các cụ thân sinh đặt cho cô con gái thứ là vì vậy. Ở Lào một thời gian, cuộc sống quá gian nan nên bà con người Việt phải tìm cách di cư sang vùng Đông Bắc Thái Lan, chủ yếu ở tỉnh Udon Thani và tỉnh Sakon Nakhon.
Cụ Viêng luôn là một Việt kiều yêu nước từ khi ở nước ngoài cũng như khi trở về đây. Cụ đã ra sức lao động sản xuất, tham gia tải đạn, nấu ăn cho bộ đội; cùng chồng nuôi dạy 3 người con trưởng thành. Cụ được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba và được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước về những đóng góp trong kháng chiến, trong công cuộc xây dựng quê hương. Trò chuyện với tôi, cụ cho biết một số thông tin. Đó là khi còn ở tỉnh Udon Thani, cụ và gia đình từng có thời gian trông coi nơi làm việc và được gặp một người mà mãi về sau này cụ mới biết đó là Bác Hồ.
Vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị
Hiện tại thôn Việt Hương còn 72 người là Việt kiều từ Thái Lan trở về, trong đó có nhiều cụ cao niên như vợ chồng cụ Phạm Văn Châu (94 tuổi) và cụ Nguyễn Thị Tý (90 tuổi), cụ Ninh Bá Phương (95 tuổi)… Trong câu chuyện, những người cao tuổi như cụ Viêng, cụ Tưng, bà Xuân nhắc đi nhắc lại rằng cộng đồng bà con người Việt ở Thái Lan luôn kết nối chặt chẽ, một lòng hướng về quê hương, đất nước. Cuộc sống khi mới trở về mặc dù đầy khó khăn gian khổ, thiếu thốn trăm bề song bà con được hưởng tự do trên chính quê hương, đất nước của mình.
Thập niên 1980 - 1990, một số cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị bộ đội đóng quân tại đây đã làm dâu, rể của thôn, gắn bó cùng xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Như Bí thư Chi bộ Lê Danh Bỉnh quê tỉnh Thanh Hóa; Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Vi Văn Pướn quê tỉnh Hòa Bình…
Nhân dân thôn Việt Hương đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết xây dựng quê hương, góp phần thực hiện đường lối ngoại giao nhân dân của Đảng và Nhà nước, tích cực vun đắp tình hữu nghị giữa Nhân dân Việt Nam và Thái Lan tốt đẹp, bền vững”. Đồng chí Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch Thường trực - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bắc Giang.
|
Anh Đinh Văn Thắng (sinh năm 1980) - đại diện Ban liên lạc Chi hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan của thôn là thế hệ thứ ba trong gia đình có ông bà nội và bố đẻ sinh ra bên Thái Lan. Anh Thắng cho biết, bà con trong thôn vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Thái Lan như trang phục, các bài hát và điệu múa biểu diễn trong các lễ kỷ niệm, ngày hội của thôn. Nhiều gia đình vẫn qua lại thăm thân giữa hai bên. Thôn giữ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với các hội, chi hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan ở nhiều tỉnh; hằng năm tổ chức gặp mặt, giao lưu, động viên nhau xây dựng quê hương, đất nước. Bà con vẫn nấu một số món ăn đặc sản của người Thái Lan như: Canh cà thị (nấu bằng cá với dừa); nộm Thái nguyên liệu là đu đủ, cá mắm và một số gia vị khác…
Khi đất nước đổi mới, các gia đình có điều kiện chăm lo cho con em học tập tốt hơn, nhiều người trưởng thành, đóng góp ở các lĩnh vực lao động sản xuất, kinh doanh, công tác, giảng dạy, có mặt trong lực lượng công an, quân đội bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước và cuộc sống bình yên của Nhân dân. Việt Hương liên tục nhiều năm liền là làng văn hóa. Ngoài làm nông nghiệp, bà con năng động kinh doanh nhiều ngành nghề như dịch vụ vận tải, xây dựng, nông sản thực phẩm, sản xuất, chế biến gỗ… Khoảng 80% số hộ dân trong thôn có cuộc sống ổn định, khá giả. Trải qua năm tháng, nơi học tập của con em 7 thôn khu vực phía Bắc của xã Hương Sơn và một số con em xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) ngày nay vẫn mang tên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Việt Hương.
Tháng 3 vừa qua, trong chương trình đến thăm và trao đổi nghiệp vụ báo chí với Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang, đoàn nhà báo Thái Lan đã đến gặp mặt, giao lưu với bà con Việt Hương. Các ông Banhan Bunkhet, Chủ tịch Hiệp hội Báo chí tỉnh Phetchabun và nhà báo Amnat Jongyotying đến từ tỉnh Chiang Mai đã bày tỏ niềm vui mừng, xúc động khi thấy bà con vẫn gắn bó qua lại hai bên, gìn giữ những nét đẹp văn hóa của người Thái Lan cho dù về Việt Nam đã lâu năm.
Đồng chí Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch Thường trực - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bắc Giang ghi nhận, Nhân dân thôn Việt Hương đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết xây dựng quê hương, góp phần thực hiện đường lối ngoại giao nhân dân của Đảng và Nhà nước, tích cực vun đắp tình hữu nghị giữa Nhân dân Việt Nam và Thái Lan tốt đẹp, bền vững.
Ý kiến bạn đọc (0)