Yên Thế xây dựng nông thôn mới: Bảo đảm chất lượng các tiêu chí sau khi về đích
Duy trì các tiêu chí
Nhận thức rõ xây dựng NTM là chương trình cần thực hiện lâu dài nên sau khi về đích năm 2016, xã Đồng Tâm tiếp tục duy trì một số tiêu chí cốt lõi và khó.
Ông Vũ Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cứng hóa đường giao thông nội đồng là tiêu chí quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất. Vì thế, ngay sau khi đạt chuẩn, xã rà soát các tuyến đường xuống cấp, nhỏ hẹp để ưu tiên cứng hóa".
Đến nay, xã Đồng Tâm (Yên Thế) đã cứng hóa 34,5/36 km đường giao thông nông thôn. |
Bằng nguồn xi măng hỗ trợ theo Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh, xã chỉ đạo các thôn vận động người dân đóng góp kinh phí, hiến đất làm đường. Hộ đóng ít vài triệu đồng, nhiều lên tới 25 triệu đồng. Nhờ vậy, sau hơn 2 năm về đích, xã cứng hóa thêm 10 km đường nội đồng. Đến nay toàn xã đã cứng hóa 34,5/36 km đường giao thông.
Cùng với quan tâm nâng “chất” tiêu chí giao thông, xã Đồng Tâm còn hướng dẫn người dân chăm sóc cây ăn quả, phát triển chăn nuôi gà đồi theo hướng an toàn sinh học để tăng thu nhập. Đây là tiêu chí cốt lõi trong số 19 tiêu chí, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Hết năm ngoái, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt gần 34 triệu đồng, tăng khoảng 4 triệu đồng so với thời điểm về đích NTM; phấn đấu hết năm nay nâng lên 35 triệu đồng/năm.
Cũng như Đồng Tâm, mặc dù đạt chuẩn năm 2015 nhưng xã An Thượng vẫn đang tiếp tục xây dựng NTM, trong đó ưu tiên nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập...
Năm 2017, được ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 2,5 tỷ đồng mua lò đốt rác, xã đã bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng, vận động người dân hiến đất xây dựng khu xử lý rác thải tập trung tại thôn An Thành và Hồng Lĩnh.
Đi liền với đó, để thuận tiện trong việc thu gom rác đưa về khu xử lý, xã còn dành hơn 120 triệu đồng làm đường bê tông tại các điểm tập kết ở các thôn: Cầu Thầy, Non Sáu, Tân Vân, An Châu.
Không chỉ vậy, An Thượng còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn; duy trì hoạt động của tổ vệ sinh ở các thôn, phát huy hiệu quả ngày “Chủ Nhật xanh” với sự tham gia của các chi hội phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên.
Ông Bùi Xuân Cung, Chủ tịch UBND xã cho biết, đến nay tỷ lệ xử lý rác thải toàn xã đạt khoảng 65%, hầu như trong xã không còn điểm tồn lưu gây ô nhiễm. Bằng nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, mới đây An Thượng còn đầu tư 400 triệu đồng cải tạo, nâng cấp 3 nhà văn hóa thôn.
Đồng thời duy trì hiệu quả 4 vùng sản xuất lúa tập trung, phát triển chăn nuôi gà, tăng thu nhập của người dân. Xã đang phấn đấu hoàn thành xây dựng thôn Tân Vân là một trong 9 thôn NTM kiểu mẫu của tỉnh trong năm nay.
Dồn lực để được công nhận lại
Yên Thế hiện có 4 xã về đích NTM là Đồng Tâm, An Thượng, Phồn Xương và Hương Vĩ. Sau khi đạt chuẩn, các xã này đều xây dựng lộ trình thực hiện theo hướng ưu tiên tiêu chí cốt lõi và khó là giao thông, môi trường, thu nhập, đồng thời quan tâm giữ vững an ninh trật tự, các chỉ tiêu về văn hóa.
Nhiều hộ dân ở xã Phồn Xương nuôi gà an toàn sinh học, tăng thu nhập. |
Theo Quyết định số 372 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc xét công nhận, công bố xã đạt chuẩn, các xã đã về đích cần phải được xét công nhận lại sau 5 năm. Điều này đồng nghĩa với việc, xã nào không giữ vững được kết quả sẽ bị loại ra khỏi danh sách đạt chuẩn.
Tuy nhiên, hầu hết các xã vẫn gặp khó trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình. Nhất là việc cứng hóa đường giao thông nông thôn, nội đồng, môi trường đòi hỏi phải đầu tư kinh phí lớn.
Đối với tiêu chí môi trường, nhiều xã tuy đã cán đích nhưng cũng chưa có hệ thống lò đốt rác tập trung nên nguy cơ gây ô vẫn có thể xảy ra.
Ông Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, việc củng cố kết quả xây dựng NTM để đáp ứng được yêu cầu là đòi hỏi cũng như thách thức đối với các xã đã về đích.
Để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là các tiêu chí khó, UBND huyện định hướng cho các xã xây dựng lộ trình thực hiện, tiếp tục bố trí vốn, tăng nguồn hỗ trợ từ đấu giá đất; đồng thời chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn cơ sở nâng cao tiêu chí theo chức năng, chú trọng tiêu chí khó môi trường. Đặc biệt, hằng năm huyện tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm.
Cùng với giải pháp trên, ngoài nguồn kinh phí tỉnh phân bổ mỗi năm cho các xã về đích 300-500 triệu đồng để duy trì tiêu chí, UBND huyện còn hỗ trợ các xã tiền công chở xi măng để làm đường. Quan trọng hơn là các xã biết phát huy nội lực, khơi dậy sức dân.
Đơn cử, xã An Thượng đã huy động nhân dân đóng góp hơn 8 tỷ đồng để củng cố các tiêu chí. Mới đây, xã này huy động nhà tài trợ được 15 tỷ đồng vốn để xây dựng trạm y tế, công viên nghĩa trang...
Riêng thôn Tân Vân vận động được 700 triệu đồng làm đường, vẽ tranh trên tường, lắp đèn thắp sáng quanh thôn để xây dựng thôn NTM kiểu mẫu.
Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)