Yên Dũng: Hỗ trợ sản xuất vụ đông - "Cú hích" tạo vùng liên kết
Diện tích tăng
Vụ đông năm nay, huyện Yên Dũng gieo trồng 1.800 ha cây trồng, tăng 300 ha so với vụ đông năm trước. Nhiều nhất là khoai tây với 1.200 ha, tăng hơn 200 ha. Ngoài ra còn có dưa hấu, tập trung nhiều ở xã Đồng Việt, thị trấn Tân An; cây rau màu khác ở Đức Giang, Trí Yên, Tiến Dũng, Xuân Phú, Quỳnh Sơn, Lão Hộ... Đáng chú ý là huyện đã hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn để sản xuất rau màu vụ đông với tổng diện tích khoảng 500 ha. Tất cả diện tích này được sản xuất theo phương châm liền vùng, cùng trà, cùng giống để thuận tiện cho canh tác, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ.
![]() |
Nông dân xã Tiến Dũng liên kết trồng khoai tây vụ đông. |
Tại cánh đồng thôn Chùa, xã Tiến Dũng, cạnh những nhà màng, nhà lưới công nghệ cao của HTX Rau sạch Yên Dũng, nhiều cánh đồng khoai tây đang lên xanh. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Trí Côn, năm nay diện tích cây vụ đông của xã tăng 10,4 ha so với năm trước, đạt 172,4 ha. Những chân ruộng nào phù hợp bà con đều tranh thủ tận dụng trồng hết diện tích, không để đất trống. Các hộ còn sử dụng thêm cả những chân ruộng sản xuất vụ chiêm vốn không có thế mạnh ở vụ đông để trồng khoai tây.
Anh Phạm Thanh Hóa, Giám đốc HTX Bảo Thanh (xã Tiến Dũng) cho biết: Vụ đông này, HTX liên kết trồng 10 ha khoai tây. Toàn bộ sản phẩm đều được một số công ty liên kết bao tiêu để sản xuất mì tôm và bim bim. Được huyện hỗ trợ, thành viên HTX ai cũng vui mừng. Với chính sách này, các vụ tiếp theo, chúng tôi sẽ chủ động tiếp tục liên kết với bà con để tăng diện tích.”
Là địa phương có truyền thống trồng khoai tây hàng hoá, đến xã Tư Mại, cánh đồng nào cũng thấy bạt ngàn khoai tây. Các chân ruộng màu được canh tác cơ bản hết diện tích, chỉ còn lại số ít chân ruộng cày ải để cấy lúa vụ chiêm xuân. Diện tích cây vụ đông năm nay của xã là 150 ha, trong đó riêng khoai tây là 120 ha.
So với mọi năm, diện tích không tăng và không giảm. Tuy nhiên, năm nay được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng/ha đối với vùng trồng quy mô từ 5 ha trở lên nên địa phương hình thành nhiều tổ hợp tác sản xuất. Theo đánh giá, khoai tây là cây vụ đông ngắn ngày cho năng suất cao, thu nhập đáng kể nên các tổ, nhóm, HTX vẫn duy trì trồng hằng năm. Nhiều hộ nông dân tranh thủ “mượn đất” để trồng khoai tây vụ đông.
Hình thành vùng liên kết
Xác định vụ đông có ý nghĩa quan trọng, vừa bảo đảm lương thực thực phẩm dịp cuối năm, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn, huyện Yên Dũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tăng hiệu quả, giá trị sản xuất.
![]() |
Trồng dưa trong nhà màng ở HTX Nông nghiệp cao Hồng Sơn, xã Lãng Sơn. |
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Yên Dũng Dương Văn Phong cho biết, trên cơ sở Nghị quyết số 26/2023/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2023 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2030, bắt đầu từ vụ đông năm nay, UBND huyện có chính sách hỗ trợ. Cụ thể, hỗ trợ 10 triệu đồng/ha cho các doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện sản xuất thành vùng hàng hóa tập trung.
Quy mô hỗ trợ đối với các vùng sản xuất cây rau màu chế biến như: Khoai tây chế biến Atlantic, ngô ngọt..., các vùng sản xuất rau tập trung đã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP có quy mô từ 5 ha trở lên và các vùng sản xuất rau hàng hóa khác như: Ngô nếp, khoai tây thương phẩm..., có quy mô từ 10 ha trở lên. Sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.
Có hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Trên cơ sở chính sách mới, Phòng Kinh tế huyện chủ động triển khai, phối hợp với các địa phương kịp thời thông tin đến bà con nắm được chủ trương hỗ trợ để bà con chủ động liên kết, đăng ký tham gia. Qua đó, toàn huyện có thêm 30 vùng sản xuất tập trung được hình thành. Dự kiến vụ đông này huyện hỗ trợ gần 2,7 tỷ đồng cho bà con.
Huyện không hỗ trợ từng gia đình, cá nhân mà hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Việc này đã tạo sự gắn kết giữa nông dân với nhau, giữa nông dân với các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp... Qua đó hình thành mối liên kết, vùng liên kết sản xuất, thuận tiện cho công tác chỉ đạo, điều hành, đưa máy móc, cơ giới vào sản xuất.
Vật tư đầu vào được quản lý, sản phẩm đầu ra đồng đều, đồng bộ hơn, tạo điều kiện để trở thành vùng nông sản hàng hóa; hạn chế hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm.
Mối liên kết “4 nhà”, trong đó có sự vào cuộc của nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư đầu vào giúp nông dân thuận tiện hơn trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Các địa phương và nông dân trong huyện cũng nhận thấy được hiệu quả kinh tế của cây trồng vụ đông, từ đó không ngừng đẩy mạnh sản xuất, không để ruộng trống.
Bài, ảnh: Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)