Yên Dũng: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong trường học
BẮC GIANG - Xác định công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong xã hội, ngành Giáo dục Yên Dũng đã và đang ứng dụng mạnh mẽ vào công tác quản lý, dạy và học, từng bước hình thành nền tảng số cho xã hội học tập.
Phát huy khả năng tư duy của học sinh
Trao đổi về công tác chuyển đổi số, cô giáo Trịnh Thị Hải, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Nham Biền số 1 chia sẻ: Năm học 2023-2024, Trường có 28 lớp với 1.141 học sinh, 100% học sinh học chương trình 2 buổi/ngày. Với số lượng học sinh đông như vậy, nếu quản lý theo cách truyền thống bằng hồ sơ giấy thì rất khó khăn, phức tạp và mất rất nhiều thời gian. Vì vậy nhà trường đã quản lý học sinh bằng hồ sơ điện tử và học bạ điện tử. Hiện học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5 được học môn Tin học, thầy cô giao bài cho học sinh thông qua phụ huynh trên nhóm zalo.
Học sinh lớp 4, Trường Tiểu học thị trấn Nham Biền số 1 hào hứng với môn Tin học. |
Ngồi trước màn hình máy tính trong phòng máy của trường, em Nguyễn Nhật Khánh An, học sinh lớp 4A5 hồ hởi: “Em được học vi tính ở trường từ năm lớp 3, được cô giáo hướng dẫn em thấy rất thú vị, nhất là môn vẽ. Ở nhà chưa có máy tính nên lúc nào em cũng muốn đến trường để học”. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giảng dạy, các thầy cô tăng cường sử dụng văn bản, soạn và sử dụng giáo án điện tử. Xây dựng thư viện học liệu điện tử trên Website để giáo viên, học sinh chia sẻ, sử dụng trong cả dạy, học và trong kiểm tra, đánh giá giáo viên.
Tại Trường THCS Cảnh Thụy, không đơn thuần sử dụng những công cụ học tập truyền thống mà ở những tiết học, đặc biệt là các môn xã hội như Lịch sử, Địa lí, Sinh học,... giáo viên truyền thụ bài giảng cho học sinh thông qua các phần mềm đồ họa, bản đồ tương tác, video, hình ảnh. Điều này giúp học sinh hiểu bài, có sự tương tác, hứng thú với nội dung học. Cô giáo Ninh Thị Thiềng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy giúp thể hiện bài giảng một cách trực quan hơn, tăng cường khả năng giao tiếp.
Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, các thầy cô có những cách làm mới giúp học sinh hiểu bài nhanh hơn. Đó là trước mỗi bài giảng, thầy cô quay video trên thực tế rồi gửi vào nhóm zalo của phụ huynh nhắc các em tìm hiểu trước. Với cách tiếp cận bài học như vậy, sự sáng tạo của học sinh, khả năng tương tác, hợp tác, học nhóm được nâng cao, tạo môi trường cho các em thi đua học tập. Việc ứng dụng CNTT đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy hiện đại, tích cực, giúp giáo viên và học sinh phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, có kiến thức sát thực tế hơn.
Hiện nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên các trường đều thực hiện soạn thảo văn bản trên máy vi tính và truy cập để nhận, gửi thông tin qua nhóm zalo, Email. Các thông tin liên quan, bài viết về sinh hoạt chuyên môn, hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa cũng được đăng tải kịp thời trên trang Web của các nhà trường.
Hướng đến chuyển đổi số sâu rộng
Thực hiện Đề án Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, huyện Yên Dũng đã sớm hoàn thành chuyển giao, tập huấn cho 100% cán bộ, giáo viên. Cùng đó tích cực sử dụng các nền tảng chuyển đổi số dùng chung của ngành như: Hệ thống quản lý bài giảng điện tử và cung cấp dịch vụ khóa học trực tuyến; xây dựng công cụ chuyển đổi số toàn diện trong công tác kiểm tra đánh giá ở bậc phổ thông; xây dựng phần mềm trường học số (thư viện học liệu điện tử toàn ngành; hỗ trợ các trường chuyển đổi số...).
Ông Lương Đình Giáp, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm ngành Giáo dục huyện được đầu tư khoảng 170 tỷ đồng trang bị cơ sở vật chất, trong đó có nhiều hạng mục tu sửa, mua sắm trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số. 100% các cơ sở giáo dục đã kết nối Internet cáp quang băng thông rộng phục vụ quản lý, dạy học và tra cứu thông tin. Mỗi trường đều có phòng học, phòng họp trực tuyến, phòng máy tính quy chuẩn hiện đại. Có 544 phòng học đã lắp đặt Smart TV và các thiết bị thông minh (chiếm 78,7% tổng số phòng học của huyện).
Nhiều cuộc tập huấn, sinh hoạt chuyên môn được kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến; khai thác, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống trang thiết bị CNTT được đầu tư. Để vận hành, mỗi trường đều có giáo viên tin học, được bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ thường xuyên. Phòng GD&ĐT huyện duy trì việc đánh giá Hệ thống cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, mức độ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của từng trường. Bên cạnh đó, hằng năm, Phòng GD&ĐT phối hợp tổ chức Hội thi Tin học trẻ toàn huyện với nội dung thi tìm hiểu kiến thức tin học và thi viết phần mềm sáng tạo, thu hút nhiều học sinh từ cấp tiểu học tham gia.
Hiện nay, Yên Dũng đã triển khai đồng bộ, toàn diện hệ thống thông tin quản lý trường học tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ đối với toàn bộ 59 cơ sở giáo dục trong toàn huyện. Áp dụng hồ sơ, sổ sách điện tử chính thức (từ cấp tiểu học đến THCS). Các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập sử dụng phần mềm quản lý trường học từ mầm non đến phổ thông, tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc quản lý hồ sơ, sổ sách chuyên môn. Việc triển khai thanh toán các loại phí trong nhà trường với phương châm hạn chế dùng tiền mặt cũng được các cơ sở áp dụng, tạo sự công khai, minh bạch, bảo đảm an toàn.
Năm học 2023-2024, Yên Dũng được Sở GD&ĐT đánh giá mức độ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số xếp thứ 3/10 huyện, thị xã, TP trong tỉnh (tăng 3 bậc so với năm học trước). Đây là tiền đề để năm học này địa phương có sự bứt phá mạnh mẽ hơn.
Bài, ảnh: Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)