Xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Trung Quốc: Hỗ trợ tem nhãn, thông quan trong ngày
Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái cùng đại diện: Bộ Công Thương; nhiều ban, ngành tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn; UBND huyện Lục Ngạn, Tân Yên và một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu vải thiều Bắc Giang với các đại biểu, thương nhân Trung Quốc. |
Về phía tỉnh Quảng Tây có các ông: Cố Chương Vỹ, hàm Phó Giám đốc Sở Thương mại; Hách Vân, Phó thị trưởng thị Bằng Tường và đại diện một số ban, ngành liên quan cùng đông đảo DN, thương nhân Trung Quốc.
Chủ động quy chuẩn
Đây là năm thứ 3 tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thị Bằng Tường. Vấn đề mới, nóng và được đa số đại biểu, thương nhân hai nước đưa ra lần này là triển khai thực hiện những quy định mới về bao gói, tem nhãn truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm nông sản của Việt Nam, nhất là vải thiều Bắc Giang khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo yêu cầu của nước bạn, từ tháng 5-2019, bắt buộc trên một số hoa quả, trong đó có vải thiều Bắc Giang khi nhập khẩu vào thị trường nước này phải có bao gói, tem nhãn truy xuất nguồn gốc.
Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, hiện nay, ngoài 18 mã số vùng trồng do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp tại 7 xã, phía Trung Quốc đã cấp 36 mã vùng trồng vải thiều tại 30 xã, thị trấn, sản lượng trên 80 nghìn tấn, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường nước bạn.
Để tiếp tục nâng cao uy tín thương hiệu sản phẩm vải thiều, huyện Lục Ngạn đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát người dân thực hiện nghiêm việc sản xuất vải thiều an toàn theo quy trình VietGAP, GlobalGap và các yêu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu, trong đó có Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Hoàn kiến nghị, ngành chức năng phía Trung Quốc sớm công nhận, cấp mã số cơ sở đóng gói cho thêm 79 DN, hợp tác xã (HTX), thương nhân của huyện Lục Ngạn đủ điều kiện đóng gói xuất khẩu quả vải thiều tươi vào thị trường Trung Quốc. “Hiện phía Trung Quốc mới công nhận, cấp mã số cho 3 DN, HTX tại Lục Ngạn có đủ điều kiện đóng gói, xuất khẩu vải thiều tươi là quá ít, không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế”, ông Hoàn nói.
Việc bảo đảm an toàn thực phẩm hàng nông sản nói chung, vải thiều nói riêng là đòi hỏi tất yếu của xu thế phát triển. Tỉnh Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương nhân, DN Trung Quốc sang tham quan, giám sát, thu mua vải thiều; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng, DN và người trồng vải chủ động thực hiện nghiêm quy trình sản xuất an toàn thực phẩm; bảo đảm bao gói, tem nhãn truy xuất nguồn gốc...”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái |
Đại diện một số DN, thương nhân Trung Quốc cũng cho rằng, chất lượng vải thiều Bắc Giang những năm gần đây nâng lên rõ rệt.
Đề nghị các phòng, ban của thị Bằng Tường vào mùa cao điểm nhập khẩu vải thiều thiết lập cơ sở riêng của Trung tâm Quản lý giám sát thương mại biên giới chuyên giao dịch vải thiều tươi để thương nhân Trung Quốc và nước ngoài đến giao dịch thuận lợi.
Ở cửa khẩu, thời gian thông quan mỗi ngày của hai nước cần kéo dài đến 21 giờ, bảo đảm vải tươi đến cửa khẩu được hoàn tất thông quan trong ngày.
Theo ông Thang Thành Vỹ, Hội trưởng Thương hội hoa quả quốc tế Bằng Tường, vụ vải thiều năm nay, cơ quan hải quan Trung Quốc tạm thời cho phía Việt Nam xuất khẩu khi vải thiều có thể đóng vào thùng xốp in tem chìm hoặc dán tem giấy vào thùng hàng; từ sang năm, bắt buộc in tem chìm vào thùng xốp, bao gói.
“Trung Quốc có hơn 1,3 tỷ người, là thị trường có quy mô lớn nhất thế giới. Với vải tươi của tỉnh Bắc Giang, chỉ cần phù hợp điều kiện kiểm dịch của hải quan Trung Quốc và giải quyết tốt hơn vấn đề giữ tươi, hơn 100 thành viên của Thương hội sẽ hỗ trợ việc thông quan, đưa sâu vào trong nội địa tiêu thụ”, ông Thang Thành Vỹ khẳng định.
Hợp tác, tháo gỡ khó khăn
Báo cáo tóm tắt tình hình sản xuất, tiêu thụ vải thiều Bắc Giang năm nay, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, do thời tiết thuận lợi nên chất lượng quả vải tốt nhất trong những năm vừa qua, mã vải sáng, đẹp hơn, không sâu đục cuống.
Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm đặc trưng của tỉnh. |
Diện tích trồng vải thiều của cả tỉnh gần 28,5 nghìn ha, trong đó hơn 14 nghìn ha sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGap; sản lượng ước đạt 150 nghìn tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm dự kiến từ ngày 25-5; vải thiều chính vụ từ ngày 5-6 đến 5-7. Ông Tấn cho biết thêm, Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường trong, ngoài nước, song thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là truyền thống, quan trọng.
Bởi vậy, mong muốn các cơ quan chức năng Trung Quốc, nhất là thị Bằng Tường tiếp tục hỗ trợ Bắc Giang trong công tác thông tin xúc tiến, quảng bá tiêu thụ vải thiều, giúp đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến quả vải Bắc Giang thơm ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng…
Giải đáp một số vấn đề thương nhân, DN hai nước đưa ra, ông Hách Vân, Phó thị trưởng thị Bằng Tường cho biết, thị Bằng Tường được đánh giá là nơi nhập khẩu hoa quả từ các nước Đông Nam Á nhiều nhất. Vì thế, Bộ Tài chính Trung Quốc yêu cầu thị Bằng Tường không thể nhập khẩu hoa quả từ nước thứ ba.
“Tôi cho rằng, đây là chính sách tốt cho các nhà sản xuất, DN Việt Nam, bởi nếu tất cả sản phẩm vải thiều từ các quốc gia khác có nguồn gốc rõ ràng, khi nhập khẩu vào Trung Quốc thuế sẽ cao hơn so với Việt Nam, tạo cho sức cạnh tranh tốt đối với vải thiều Việt Nam nói chung, Bắc Giang nói riêng.
Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện tốt nhất để vải thiều Bắc Giang sớm thông quan; giúp quả vải thiều thâm nhập sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc”, ông Hách Vân nói.
Đồng quan điểm ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái cho rằng, việc bảo đảm an toàn thực phẩm hàng nông sản nói chung, vải thiều nói riêng là đòi hỏi tất yếu của xu thế phát triển.
Phía Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương nhân, DN Trung Quốc sang tham quan, giám sát, thu mua vải thiều; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng, DN và người trồng vải chủ động thực hiện nghiêm quy trình sản xuất an toàn thực phẩm; bảo đảm bao gói, tem nhãn truy xuất nguồn gốc...
Tuy nhiên, do chính sách mới ban hành, phía DN hai nước sẽ có những khó khăn bước đầu, mong các cơ quan chức năng của thị Bằng Tường thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho thương nhân hai nước làm thủ tục hải quan thông thương nhanh chóng; cải cách thủ tục hành chính, có đường đi riêng cho quả vải, giúp quả vải chuyển đến tay người tiêu dùng Trung Quốc vẫn còn tươi ngon, giữ nguyên giá trị.
Ý kiến bạn đọc (0)