Thương nhân Trung Quốc trên đất vải
Thứ 5: 17:18 ngày 03/07/2014
(BGĐT)-Vượt qua hàng nghìn cây số đến huyện miền núi Lục Ngạn (Bắc Giang)-nơi được coi là "vương quốc vải thiều", trong suốt mùa vải, những thương nhân Trung Quốc luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền và tình cảm chân thành của người dân nơi đây.
Chủ nhà hiếu khách
Chúng tôi có mặt tại nhà anh Trần Quang Tuấn, khu Trường Chinh, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn lúc gia đình đang quây quần bên mâm cơm trưa. Hai mâm cơm có khoảng 10 người, thì có đến một nửa là thương nhân Trung Quốc. Tiếng nói, cười rôm rả cùng những tiếng cụng ly chúc nhau sức khỏe và bắt tay thân mật khiến không khí của bữa cơm càng thêm vui vẻ, ấm cúng.
Chúng tôi có mặt tại nhà anh Trần Quang Tuấn, khu Trường Chinh, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn lúc gia đình đang quây quần bên mâm cơm trưa. Hai mâm cơm có khoảng 10 người, thì có đến một nửa là thương nhân Trung Quốc. Tiếng nói, cười rôm rả cùng những tiếng cụng ly chúc nhau sức khỏe và bắt tay thân mật khiến không khí của bữa cơm càng thêm vui vẻ, ấm cúng.
Anh Tuấn cho biết: Năm nào cũng vậy, đến mùa thu hoạch vải thiều, căn nhà của anh lại trở nên đông vui, nhộn nhịp hơn do một số thương nhân của Trung Quốc đến đặt điểm cân vải và ăn, nghỉ tại gia đình. Trong số những người hiện đang tạm trú ở đây, có người đã gắn bó nhiều năm. Suốt mùa vải, các thương nhân Trung Quốc được gia đình anh bố trí sinh hoạt thuận lợi,chu đáo. Có những ngày cao điểm, vải thiều nhập về nhiều, anh tranh thủ giúp họ đóng gói, hoặc liên hệ xe để kịp thời vận chuyển lên các cửa khẩu.
Anh Mong Zhe Co-thương nhân tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tâm sự: "Đây là năm thứ 3 tôi ở nhà anh Tuấn và được gia đình tiếp đón nhiệt tình. Chúng tôi thấy người dân Lục Ngạn rất gần gũi, chân thành, đối xử tốt với các thương nhân Trung Quốc. Vụ vải năm nay, tôi giới thiệu thêm một số người lên đây làm ăn. Vải thiều Lục Ngạn đã mang lại cho thương nhân chúng tôi thu nhập đáng kể."
Cùng với gia đình anh Tuấn, qua tiếp xúc của phóng viên, rất nhiều gia đình khác trên địa bàn huyện có thương nhân Trung Quốc đang tạm trú đều bày tỏ sự đón tiếp, giúp đỡ chu đáo. Chị Nguyễn Thị Quỳnh, xã Nghĩa Hồ, huyện Lục Ngạn cho biết: Nhà tôi không được rộng lắm, nhưng khi có thương nhân Trung Quốc nhờ, chúng tôi sẵn sàng nhường cho họ mượn một gian để ở. Mùa này cả nhà rất bận, nhưng gia đình đều sắp xếp thời gian giúp họ, khi thì nấu cơm, đun nước, đóng hàng; lúc thì lo mua thùng xốp hoặc đá cây. Những lúc họ không được khỏe, mình còn đi mua thuốc men để họ uống."
Vài năm trở lại đây, mỗi khi mùa vải đến, những thương nhân Trung Quốc lại vượt qua hàng nghìn cây số đến với huyện Lục Ngạn để tham gia vào hoạt tiêu thụ vải thiều. Theo số liệu của cơ quan chuyên môn, hiện có hơn 200 thương nhân Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt hơn 80 điểm cân trên địa bàn huyện Lục Ngạn, với lượng thu mua trung bình từ 10-12 tấn/ ngày/ điểm cân.
Chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện
Để tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân Trung Quốc tham gia vào hoạt động tiêu thụ vải thiều, UBND huyện Lục Ngạn đã sớm chỉ đạo UBND các xã, thị trấn khuyến khích người dân chủ động đăng ký khai báo tạm trú cho thương nhân Trung Quốc. Các gia đình tuyên truyền tới người thân có thái độ cư xử đúng mực với người nước ngoài. Cùng đó, cố gắng bố trí nơi ăn, nghỉ, sinh hoạt tại các gia đình có điểm cân vải.
Các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho việc đăng ký, quản lý cư trú khi họ đến địa bàn khai báo tạm trú, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Tăng cường quản lý về an ninh trật tự ở các khu vực nhà nghỉ, nhà trọ, hạn chế tối đa những xích mích, xô xát gây mất an ninh trật tự. Thượng tá Hà Văn Minh, Phó trưởng công an huyện Lục Ngạn cho biết: "Ngoài lực lượng an ninh, công an huyện chỉ đạo các lực lượng hình sự, kinh tế, giao thông rà soát, nắm bắt tình hình tập trung vào hoạt động tham gia tiêu thụ vải thiều của thương nhân Trung Quốc để họ yên tâm làm ăn.". Cũng theo Thượng tá Hà Văn Minh, từ đầu vụ đến nay, trên địa bàn huyện chưa xảy ra vụ việc nào gây mất an ninh trật tự liên quan đến việc thu mua vải thiều của người Trung Quốc.
Anh Ye Guang Pa, thương nhân tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) bộc bạch: Trước khi sang Việt Nam, anh cũng hơi lo lắng về sự an toàn của bản thân cũng như công việc làm ăn, nhất là ở thời điểm tình hình Biển Đông diễn biến căng thẳng. Tuy nhiên, khi đến Lục Ngạn, anh thấy con người nơi đây rất thân thiện, gần gũi. "Các thủ tục giấy tờ liên quan đến tạm trú được chính quyền sở tại giải quyết thuận tiện, nhanh chóng; tình hình an ninh, trật tự được bảo đảm, chúng tôi rất yên tâm khi đến đây".
Không chỉ phấn khởi vì được chính quyền, nhân dân địa phương tạo điều kiện giúp đỡ về mọi mặt, các thương nhân Trung Quốc cũng tỏ ra khá hài lòng về chất lượng vải thiều Lục Ngạn. Trên tay cầm chùm vải tươi chỉn đỏ vừa thu mua, anh Xinh Pu Khuan, một thương nhân tỉnh Vân Nam (Trung Quốc ) vui vẻ nói: "Vải thiều Lục Ngạn mẫu mã đẹp, ăn ngọt và mát hơn nhiều so với vải thiều Trung Quốc, giá cả cũng phải chăng được người tiêu dùng Trung Quốc ưa thích. Mặc dù lần đầu tiên đến Lục Ngạn, nhưng tôi được mọi người tiếp đón rất chu đáo và giúp đỡ nhiệt tình. Sang năm tôi lại đến đây thu mua."
Ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn đánh giá: Với tình cảm của người dân Lục Ngạn cũng như cách tổ chức thực hiện của cấp ủy và chính quyền địa phương, đến thời điểm này, mọi hoạt động của thương nhân Trung Quốc đến tham gia tiêu thụ vải thiều đều thuận lợi hơn so với các năm trước.
Tuy mùa vải thiều chỉ diễn ra hơn một tháng, song đã để lại trong lòng những thương nhân Trung Quốc hình ảnh đẹp về Lục Ngạn. Ở đó không chỉ nổi tiếng bởi những quả vải thiều đỏ tươi, ngọt mát mà còn chan chứa biết bao tình cảm nồng ấm, mộc mạc, chân thành, bao dung của mảnh đất, con người nơi đây mỗi khi khách đến. Đó cũng chính là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp từ bao đời của dân tộc Việt.
Công Doanh- Quang Ngọc
Chủ đề:
Ý kiến bạn đọc (0)