Xuân theo sông Thương
Nhưng lại là nhớ thương khi đến chỗ có ngôi làng Thương ở bờ bên phải tòa Phủ Lạng Thương, thì các cuộc tiễn đưa xưa phải chia tay ly biệt người từ kinh đô lên biên ải. Còn lúc biến âm mà nói Thương thành Xương, như khi đọc các địa danh: Thọ Xương, Xương Giang… thì đó lại thành ra là tươi tốt, thịnh giàu.
Sông Thương đoạn chảy qua TP Bắc Giang. Ảnh: Hương Giang |
Dòng sông mang cái tên nhiều nghĩa này, ngoài và cùng với chữ Thương còn được sử sách gọi bằng không ít tên khác nữa. Năm 1059, Vua Lý Thánh Tông đi săn, đến chỗ sông này đã ngự thăm nhà thủ lĩnh Thân Cảnh Phúc, để tới năm 1066 đưa Công chúa Thiên Thành gả cho thì Nam Bình chính là tên gọi vào lúc ấy của sông Thương.
Sách "Lĩnh ngoại đại đáp" của Chu Khứ Phi đời nhà Tống bên Bắc phương thì cho rằng, vì thấy mỗi độ xuân về, những cây đào phai lại nở hồng khắp đôi bờ nên sông Thương mới có thêm tên nữa là Đào Hoa.
Còn thời nhà Lý lại nghĩ ra các “tên chữ” như: Thiên Đức để gọi sông Đuống, Nguyệt Đức là sông Cầu, thì Nhật Đức chính là tên của sông Thương.
Nhưng, thú vị nhất thì có lẽ là cái tên Lạng Giang của sông Thương, đọc thấy trong sách "Việt điện u linh" (tập truyện về cõi u linh nước Việt), ở về cuối đời Trần. Chính vì quan hệ qua lại cái tên Lạng Giang của sông Thương này mà trước khi có một huyện Lạng Giang như bây giờ thì ở về thời Trần, đã có một phủ cũng mang tên Lạng Giang.
Phủ Lạng Giang này, sang đến thời Lê, theo sách "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi, gồm có đến 6 huyện. Rồi đến thời Nguyễn lại có thêm hai huyện nữa. Đồng thời, theo sách "Đại Nam nhất thống chí" thì còn có cả một tòa thành làm trung tâm đầu não gọi là thành Dền, đặt ở địa phận xã Châu Xuyên, huyện Bảo Lộc (còn di tích ở phố Châu Xuyên, phường Lê Lợi, TP Bắc Giang hiện nay) nữa cũng mang tên là "Thành Phủ Lạng Giang".
Chữ LẠNG, vừa ở trong tên của sông Thương một thời, vừa là thành tố của địa danh cả một miền đất và người rộng lớn trên đôi bờ nước sông ở về thời Trần, thời Lê, thời Nguyễn, xa xưa hơn, ở về thời Lý còn chính là tên của một châu, là châu Lạng.
Châu Lạng - viết và đọc theo văn phạm tiếng Hán Việt thì thành ra Lạng châu - là một trong 12 châu của nước Đại Việt thời Lý, được chép tên vào sử sách. Đó là một châu nhưng nhiều khi cũng được coi như một lộ. “Châu Lạng tương đương với miền Lạng Sơn, nhưng châu ấy có lẽ cũng được xem là lộ”- đó là nhận định của Giáo sư Đào Duy Anh trong sách “Đất nước Việt Nam qua các đời”.
Cũng theo sách này thì: Phụ chính đại thần Hồ Quý Ly, vào và từ năm 1397 “Đổi Lạng Sơn phủ (trước đó là Lạng châu) làm trấn Lạng Sơn”. Như vậy miền đất, đơn vị hành chính và địa danh Lạng Sơn với chữ Lạng là một từ tố của tên gọi đã được hình thành và rồi thành hình trên miền biên viễn ở phía Bắc thượng nguồn sông Thương về thời Trần, trên cơ sở của châu Lạng (Lạng châu) thời Lý trước đây.
Cũng trên cơ sở của châu Lạng (Lạng châu) thời Lý, cùng với việc ra đời Lạng Sơn, thì ở thời Trần, miền đất mà dòng Lạng Giang- sông Thương, sau 70 km thượng nguồn chảy trôi qua miền núi non hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng của Lạng Sơn đến và từ chỗ bây giờ là xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang bắt đầu có tiếp 87 km, dồn nước về ngã sáu Lục Đầu Giang, qua một không gian rộng dài thoáng đãng hơn, thuộc các huyện: Lạng Giang, Yên Thế và TP Bắc Giang (trước đây là Phủ Lạng Thương) rồi huyện Yên Dũng hiện nay. Do đó, từ đây cũng bắt đầu quá trình hình thành rồi thành hình cho và trên miền đất này địa danh đối sánh với Lạng Sơn (tức "miền đất Lạng có nhiều núi non") là Lạng Giang (tức "miền đất Lạng có nhiều sông nước").
Cuộc phân tách nhưng vẫn song song tồn tại gắn bó giữa Lạng Sơn và Lạng Giang được chính thức đánh dấu sự hoàn thành khi Nguyễn Trãi viết xong bản thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo”, trong đó có câu mô tả cảnh tượng thảm bại của quân xâm lược nhà Minh ở chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang: “Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường”.
Đó là lúc bắt đầu vào mùa xuân năm 1428.
Từ những ngày xuân ấy đến những ngày xuân này đã là gần 600 năm tồn tại chữ LẠNG trong địa danh của hai miền Lạng Giang (Bắc Giang) và Lạng Sơn. Chữ ấy, trong tiếng Hán Việt, có ký tự được đọc nguyên gốc, chính quy và phổ biến là Lượng. Ứng chữ Lượng này vào việc gọi tên hai miền đất có sông Thương nối liền thì Lượng Sơn và Lượng Giang chẳng thấy mấy ai nói, chẳng mấy khi được sử dụng.
Trong tình hình ấy, thấy phổ biến ở khắp nơi và qua các thời, nôm na âm LẠNG được sử dụng để đọc (nói, gọi) chữ Lượng, thành ra các địa danh quen thuộc: Lạng Sơn và Lạng Giang! Tuy nhiên, đã nôm na và quen thuộc là thế rồi, nhưng nếu có ai đứng ở Bắc Giang bây giờ mà hỏi: Lạng Giang (và Lạng Sơn) nghĩa là gì, thì rõ ràng lắc đầu hoặc im lặng là cách trả lời. Bởi vì trong quốc ngữ, "Lạng" chỉ duy nhất có nghĩa là một đơn vị cân đo đong đếm “kẻ tám lạng, người nửa cân”, hoặc “Một lạng (lượng) vàng” chẳng hạn! Do đó chẳng lẽ Lạng Giang nghĩa là “Một lạng sông nước” và (Lạng Sơn: Một lạng núi non)? Như thế, không thể tìm nghĩa của địa danh có từ tố "Lạng" trong các lớp ngôn ngữ (tiếng) Việt hoặc Hán Việt, vậy phải tìm ở đâu?
Có một lớp ngôn ngữ cổ, là tiếng mà những người xưa đã sống ở đất Bắc Giang ngày nay đã nói. Lớp ngôn ngữ cổ ấy, theo thời gian đã bị các lớp ngôn ngữ Việt và Hán Việt trùm phủ lên trên, nhưng- thỉnh thoảng và đôi nơi vẫn trồi lên mà cộng tồn cùng các lớp ngôn ngữ sau này.
Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” thấy có chép việc gọi người đứng đầu một đơn vị xướng ca là Quản Giáp. Trong tiếng Việt cận hiện đại, người Quản Giáp ấy, được gọi là Kép hát. Và thế là, một thị trấn của huyện Lạng Giang hiện nay, xưa là đất của Động Giáp, bây giờ vẫn đang mang tên gọi là Kép!
Ví dụ ngôn ngữ học này cho thấy: Có thể tìm nghĩa lý đúng của chữ LẠNG ở trong lớp ngôn ngữ cổ mà khoa Ngôn ngữ học đang gọi là tiếng Tày Thái cổ. Theo đó thì, LẠNG ở đây có nghĩa là "đỉnh cao sáng láng".
Và như thế “vỡ òa” ra: Trong khi Lạng Sơn có nghĩa là "Miền đỉnh cao sáng láng có nhiều núi non", thì Lạng Giang mang nghĩa là "Miền đỉnh cao sáng láng có nhiều sông nước". Và Phủ Lạng Thương - tiền thân của TP Bắc Giang bây giờ là nơi đặt thủ phủ của "Miền đỉnh cao sáng láng có nhiều sông nước ở bên sông Thương"!
Mùa xuân này, ngược xuôi theo dòng sông Thương và lưu vực có diện tích rộng đến 3.650 km2 của thủy đạo “nước chảy đôi dòng” này, chiếm gần 95% diện tích của cả tỉnh Bắc Giang hiện đại, ta càng thấy những gửi gắm từ nhiều đời vào cái nghĩa "Đỉnh cao sáng láng có nhiều sông nước" của địa danh ở nơi đây, đang được cố gắng làm cho trở thành hiện thực rực rỡ là như thế nào.
Nhà sử học Lê Văn Lan
Ý kiến bạn đọc (0)