Xử lý những tin nhắn khủng bố
Anh Nguyễn Đình K- Hiệu trưởng một trường học huyện Việt Yên có thời gian liên tục bị các đối tượng bêu riếu với nội dung truy tìm đối tượng lừa đảo, dù anh không vay nợ ai. Đối tượng gửi tin nhắn qua facebook, dán ảnh anh và một số người quen tố cáo anh là đồng phạm, tiếp tay cho kẻ lừa đảo…
Không riêng anh K, không ít người nhận được tin nhắn, cuộc gọi với nội dung đe dọa trả nợ/ đòi nợ hộ dù bản thân không vay mượn. Bức xúc xen lẫn hoang mang, nhiều người chặn số lạ, tin nhắn rác song không hiểu sao thỉnh thoảng lại vẫn có tin gửi tới. Họ đe dọa nếu trốn tránh, không hợp tác đòi nợ giúp hoặc yêu cầu người thân, đồng nghiệp trả nợ cho họ thì sẽ đăng thông tin lên mạng, phá quấy nơi làm việc…
Cá biệt, có trường hợp bị tố cáo quan hệ bất chính mà không có cơ sở. Những thông tin tự tạo kiểu như anh/chị này bị chồng/vợ cô kia đánh ghen, bắt quả tang… khiến người nhận hoang mang, bán tín bán nghi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới người bị tố cáo vô căn cứ.
Có người bảo, mình không vay, không nợ, không quan hệ sai trái thì có gì phải sợ. Tuy nhiên, không biết thực hư ra sao, hình ảnh cá nhân, số điện thoại, số căn cước của mình tràn lan trên mạng, gửi đi khắp nơi với lời lẽ nhục mạ, bêu xấu “tiếp tay”, “ăn chặn”, “lợi dụng”… thì ai cũng phẫn nộ, xen lẫn lo lắng, bất an. Chưa kể, những chuyện tế nhị như cặp bồ, đánh ghen khó mà đi giải thích. Có người cẩn thận, bị khủng bố nhiều thì báo công an; còn lại chọn cách sống chung, ấm ức.
Rõ ràng hành vi này là vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đáng bị lên án và ngăn chặn. Nạn nhân ngoài bức xúc đối tượng nhắn tin khủng bố còn đặt vấn đề tại sao kẻ xấu lại có thông tin cá nhân, hình ảnh và mối quan hệ của mình để gán ghép và lôi ra đe dọa?
Ở khía cạnh pháp lý, hành vi chửi bới, nhắn tin xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác được thực hiện thông qua mạng xã hội, mạng viễn thông thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 15 của Chính phủ, với mức phạt từ 10-20 triệu đồng.
Trường hợp nhắn tin có nội dung vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội "Vu khống", "Làm nhục người khác", "Đưa thông tin trái phép trên mạng Internet” hoặc tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân" theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Pháp luật bảo hộ mọi công dân, không ai có quyền xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào. Chế tài xử lý từ hành chính tới phạt tù đều có, có chăng là sự vào cuộc, mạnh tay xử lý với các đối tượng khủng bố, xúc phạm trắng trợn người dân, để làm trong sạch môi trường mạng và nhiều người không bị oan uổng, kéo vào những chuyện thị phi vô cớ.
Hồng Tâm
Ý kiến bạn đọc (0)